Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 14:11
Thứ tư, 22/02/2023 14:02
TMO – Nhiều năm nay, tình trạng xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa có chiều hướng thuyên giảm đáng kể. Tình trạng xâm nhập mặn nhấn sâu vào nội đồng ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân trong vùng.
Theo các chuyên gia, tình trạng thiếu nước ngọt là một trong những thiệt hại to lớn nhất: Người dân không thể sử dụng nước nhiễm mặn để phục vụ cho các mục đích sinh hoạt như tắm rửa, vệ sinh, giặt giũ do nước muối cho tính ăn mòn cao, gây hư hại hệ thống dẫn nước, vật dụng chứa nước,.. con người tiếp xúc trực tiếp bị nước mặn ăn mòn da tay nghiêm trọng. Không có nước ngọt, nông dân không thể tươi tiêu các loại cây ăn quả, cây hoa màu, lương thực,.. dẫn đến hệ quả việc sản xuất nông nghiệp bị trì trệ. Hơn thế nữa đất nhiễm mặn, gây ra tác động tiêu cực đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Cây không thích nghi được môi trường mặn xảy ra vấn đề chết hàng loạt. Việc nuôi trồng các giống thủy sản cũng bị thiệt hại nặng nề bởi hiện tượng xâm nhập mặn. Ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế của các hộ dân và địa phương.
Thích ứng, phòng chống thế nào?
Để thích ứng an toàn, phòng chống xâm nhập mặn nhằm giảm tối đa thiệt hại, các chuyên gia cho rằng, cần tăng cường hợp tác quốc tế với các nước trong vùng Mekong và Trung Quốc. Các chuyên gia lý giải, Việt Nam cần hợp tác chặt chẽ với các nước trong lưu vực sông Mekong trên cơ sở Hiệp định Mekong 1995 để cùng chia sẻ lợi ích chung trong việc phát triển và thịnh vượng chung cho cả khu vực, hoặc bằng các ký kết song phương với từng quốc gia, hay đa phương với cả khu vực. Đó là nghiên cứu thiết lập: Các đập, hồ tích trữ nước trong mùa mưa để giảm thiểu lũ lụt và sử dụng nước trong mùa hạn, không phương hại lẫn nhau. Chuyển nước qua biên giới với việc tập trung kiểm soát lũ, điều tiết dòng chảy...
Hạn mặn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.
Cần điều chỉnh quy hoạch tổng thể và sản xuất nông nghiệp cho khu vực. Quy hoạch sản xuất nông nghiệp phải nằm trong quy hoạch tổng thể gồm phát triển công nghiệp, du lịch và nông nghiệp. Với điều kiện khí hậu, đất đai và hiện trạng canh tác ở đồng bằng sông Cửu Long, nhu cầu nước cho sản xuất, sinh hoạt và yêu cầu sinh thái trung bình khoảng 12.000 m3/ha/vụ. Như vậy, ở đồng bằng sông Cửu Long chỉ canh tác tối đa được khoảng 810.000 ha lúa để không ảnh hưởng nhiều tới môi trường sinh thái. Ngay cả khi được bảo vệ bằng hệ thống đê biển và cống ngăn mặn, nghĩa là hoàn toàn không bị nhiễm mặn ở đồng bằng sông Cửu Long cũng chỉ cho phép canh tác tối đa trên 1,6 triệu ha lúa. Gia tăng diện tích trồng lúa, gia tăng số vụ lúa/năm và kỹ thuật thâm canh lúa làm giảm chất lượng nước (phèn, nhiễm mặn, ô nhiểm phân bón, thuốc sát trùng, thuốc diệt cỏ), làm gia tăng đất bị nhiễm mặn. Để sử dụng nước hợp lý, trong lúc vẫn gia tăng lợi tức cho nông dân, hạn chế tình trạng độc canh cây lúa, cần phải quy hoạch lại chương trình sản xuất nông nghiệp phù hợp với môi trường và tập quán của địa phương.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long xưa nay vốn là vùng sản xuất thủy hải sản, do đó, người dân đã có kinh nghiệm sống chung với nước mặn. Việc nuôi tôm thất bại trong thập niên 1990 đã giúp cho nông dân tự tìm một mô hình thích hợp cho sản xuất ở vùng nhiễm mặn. Đó là luân canh giữa nuôi tôm trong mùa cạn khi nước mặn xâm nhập vào ruộng, và trồng lúa trong mùa mưa sau khi đất được rửa bớt muối. Hình thức canh tác này cho năng suất tôm cao (ít bệnh, ít thức ăn vì nhờ phiêu sinh từ rơm rạ mục, năng xuất trung bình 100 - 300 kg tôm/ha/) và năng suất lúa cao (3,5 đến 5 tấn/ha), người dân có lãi từ 8 triệu đến 50 triệu đồng/ha/năm. Mặc dù đây chưa phải là một mô hình hoàn hảo, nhưng có khả năng mang lại nhiều lợi tức cho người dân, đồng thời bảo vệ được môi trường sinh thái của vùng biển.
Lựa chọn cây trồng vật nuôi thích nghi với điều kiện khô hạn và môi trường nước mặn, nước lợ. Biến đổi khí hậu diễn ra trên quy mô toàn cầu. Một trong những hậu quả của biến đổi khí hậu là tình trạng nước biển dâng dẫn đến sự gia tăng ngập lụt cũng như ảnh hưởng của xâm nhập mặn trên quy mô rộng lớn ở đồng bằng sông Cửu Long. Việc nghiên cứu tiến hành các biện pháp ngăn chặn phạm vi ảnh hưởng của mặn trên toàn phạm vi đồng bằng là một vấn đề khó khăn, tốn kém và không bền vững. Biện pháp lâu dài là phải thích ứng với quá trình này. Muốn vậy, cần phải từng bước lựa chọn và lai tạo các loại cây trồng, vật nuôi có thể tồn tại và phát triển trong môi trường khô hạn, nước mặn, nước lợ, được xem như là bước đi phù hợp nhất.
Kiện toàn hệ thống đê và thành lập nhiều khu tứ giác. Trước hết cần nhân rộng mô hình thành công ở Tứ giác Long Xuyên và ngọt hoá Gò Công. Một trong những ưu điểm của các mô hình trên là hình thành các khu vực được bảo vệ trước lũ, xâm nhập mặn nhưng vẫn chủ động trong việc dẫn nước lũ vào cải tạo đồng ruộng vừa dẫn một phần nước lợ phục vụ nuôi trồng thuỷ sản. Để bảo đảm đời sống và sản xuất của người dân, phải tạo ra các vùng đất an toàn về lũ, xâm nhập mặn và chủ động kiểm soát nguồn nước: vào mùa lũ có hệ thống đê cao bảo vệ, có hệ thống cống và hệ thống tưới tiêu chủ động. Có như vậy, mới có thể sản xuất nông nghiệp với loại cây cần đất phù hợp và thực hiện công nghiệp hóa nông thôn.
Các đê dọc biên giới của đồng bằng sông Cửu Long cũng là tuyến giao thông nối liền mọi miền từ Cà Mau - qua Rạch Giá - Hà Tiên - Kampot - Koh Kong - Trat - Chantabun, BangKok cho tới Myanmar và nối Hành lang Xuyên Á từ Bà Rịa - Sài Gòn - Tây Ninh - Phnôm Pênh. Về phía Đồng Tháp Mười, dọc theo tuyến đê biên giới phải có nhiều cống giúp thoát nước để nước bạn Cămpuchia không bị ngập lụt sâu hơn và kéo dài. Nước thoát từ biên giới được đưa vào kênh được đào rộng và sâu hơn, và chảy tiêu thoát vào khu đất ngập nước Đồng Tháp Mười và vào sông Vàm Cỏ Tây, Vàm Cỏ Đông để chảy vào sông Vàm Cỏ ra Biển Đông ở cửa Soài Rạp. Cần phải nạo vét rộng và sâu thêm hệ thống kênh này để vừa là đường thoát lũ vừa là đường giao thông thủy dễ dàng từ cảng Sài Gòn về các tỉnh miền Tây xuyên qua Đồng Tháp Mười.
Xây dựng và hoàn thiện hệ thống công trình giữ nước ngọt trong đồng bằng. Hiện nay, ngay vào đầu mùa cạn lượng nước trong sông rạch đều rất thấp, nhiều vùng trong Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên và vùng duyên hải thiếu nước ngọt do nước sông thiếu, kênh bị nhiễm mặn hoặc nhiễm phèn. Điều đó đòi hỏi phải xây dựng và hoàn thiện một hệ thống công trình giữ nước ngọt cho toàn đồng bằng, bao gồm: Thiết lập hệ thống cống đầu kênh; Nạo vét sông, kênh và rạch; Xây dựng hồ chứa nước; Tận dụng nguồn nước mưa;
Xây dựng đập ngầm. Nước mặn hiện tại đã xâm nhập ngày càng vào sâu vào nội địa. Trong bối cảnh nước biển dâng, xâm nhập mặn sẽ càng nghiêm trọng hơn đây là một nguy cơ lớn cần phải từng bước giải quyết. Biện pháp làm đập, như đập Ba Lai, trên tất cả các cửa sông ở đồng bằng sông Cửu Long có các hạn chế: đồng bằng sông Cửu Long bị khép kín, không bị ảnh hưởng của thủy triều, tác động rất lớn đến môi sinh, đời sống động thực vật và con người, và tạo ô nhiễm nước bên trong; Hoạt động giao thông thủy gặp nhiều khó khăn.
Theo dõi sát tình hình và củng cố công trình thủy lợi chống mặn. Các cơ sở môi trường thực hiện quan sát và kiểm soát thường xuyên nồng độ muối trong nước và trong đất. Đặc biệt chú trọng ở các khu vực cửa biển, tại các công trình thủy lợi. Đồng thời cập nhật các kết quả và khuyến cáo người dân chuẩn bị các công tác phòng chống, ứng phó kịp thời. Kết hợp xây dựng các hệ thống thủy lợi, tăng cường dự trữ nước ngọt và ngăn chặn nước biển xâm nhập, xây đập nước ngăn mặn, đắp đê vùng ven biển. Xây dựng hệ thống đê biển, đê sông dọc theo biển Đông và biển Tây để ứng phó với mực nước biển dâng cao.
Chống mặn cho cây trồng và thủy sản, nuôi trồng các giống thủy sản. Cần chủ động thực hiện các biện pháp chống mặn cho cây trồng (giữ ẩm, tránh thoát hơi nước cho cây bằng cách ủ rơm rạ ở gốc). Nên trồng các loại cây thời vụ có thể chịu được mức độ mặn cao. Khuyến cáo người dân chuyển đổi cơ cấu con giống phù hợp, cần có những biện pháp chăm sóc chu đáo để hạn chế những thiệt hại do hạn hán gây ra. Đối với các hộ nuôi trường thủy sản, phải thực hiện quan trắc theo dõi độ mặn môi trường nuôi. Từ đó xác định khoảng thời gian bắt đầu nuôi và thời điểm kết thúc phù hợp với hiện trạng xâm nhập mặn.
Lưu trữ và tiết kiệm nước ngọt. Các cơ sở sản xuất và hộ gia đình cần phải thực hiện quá trình tiết kiệm tối đa nguồn nước ngọt có sẵn. Áp dụng việc tái sử dụng nước cho các việc khác nhau. Nhằm phục vụ cho các mục đích sinh hoạt và tưới tiêu hợp lý. Bắt đầu thực hiện việc dự trữ nước ngọt từ các nguồn nước mưa và bảo quản tốt, tránh bị bốc hơi vào mùa khô.
Kim Anh
Bình luận