Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 16:11
Thứ ba, 11/01/2022 16:01
TMO - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, xu thế xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long từ ngày 11-20/1 có xu thế tăng dần. Các đợt xâm nhập mặn sẽ bắt đầu ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, dân sinh từ cuối tháng 1/2022.
Theo dự báo, từ ngày 11-20/1, khu vực thượng nguồn sông Mê Công và khu vực Nam Bộ sẽ phổ biến ít mưa, ngày có nắng, riêng ngày 11/1, mưa có thể xuất hiện cục bộ tại một số tỉnh ven biển miền Tây nhưng lượng mưa không nhiều, phổ biến dưới 5mm.
(Ảnh minh họa)
Trong khoảng thời gian này, mực nước các trạm trên dòng chính sông Mê Công biến đổi chậm, mực nước các trạm ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-1,5m. Mực nước trên sông Tiền và sông Hậu biến đổi chậm. Mực nước cao nhất tuần tại Tân Châu là 1,45m.
Xu thế xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long từ ngày 11-20/1 có xu thế tăng dần vào những ngày cuối. Độ mặn cao nhất tại các trạm phổ biến ở mức thấp hơn độ mặn cao nhất tháng 1/2021.
Theo nhận định của các chuyên gia, xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2021-2022 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Các đợt xâm nhập mặn có xu thế gia tăng bắt đầu ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, dân sinh từ cuối tháng 1/2022; các đợt xâm nhập mặn cao nhất ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 2, 3 (từ ngày 13 đến 17/2, từ ngày 26/2 đến 5/3, từ ngày 14 đến 19/3), còn trên các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3, 4.
Tình hình xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Công, triều cường và còn biến động trong thời gian tới. Vì thế, các địa phương ở vùng đồng bằng Nam Bộ cần kịp thời cập nhật những thông tin dự báo khí tượng thủy văn để chủ động có biện pháp chủ động phòng, chống xâm nhập mặn.
Nguyễn Ngọc
Bình luận