Hotline: 0941068156
Thứ ba, 26/11/2024 00:11
Thứ tư, 24/05/2023 11:05
TMO - Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đang gióng lên hồi chuông cảnh báo nhiệt độ Trái đất sẽ tạm thời "vi phạm" mức 1,5°C với tần suất ngày càng tăng.
Báo cáo mới đây của WMO cho biết có 66% khả năng là nhiệt độ toàn cầu gần bề mặt trung bình hàng năm sẽ cao hơn 1,5°C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp trong ít nhất một năm trong 5 năm tới. Có 98% khả năng là ít nhất một trong 5 năm tới, và cả giai đoạn 5 năm nói chung, sẽ nóng nhất từng được ghi nhận. WMO cho rằng báo cáo này không có nghĩa là nhiệt độ Trái đất sẽ vĩnh viễn vượt quá mức 1,5°C đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, WMO đang gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng nhiệt độ Trái đất sẽ tạm thời "vi phạm" mức 1,5°C với tần suất ngày càng tăng.
Hiện tượng El Nino nóng lên dự kiến sẽ gia tăng trong những tháng tới và điều này kết hợp với biến đổi khí hậu do con người gây ra sẽ đẩy nhiệt độ toàn cầu lên một mức chưa từng có. Điều này sẽ có những tác động sâu rộng đối với sức khỏe, an ninh lương thực, quản lý nước và môi trường. Nhiệt độ trung bình toàn cầu vào năm 2022 cao hơn khoảng 1,15°C so với mức trung bình của những năm 1850-1900. Điều kiện thời tiết ẩm ướt do La Nina trong phần lớn thời gian của ba năm qua đã tạm thời hạn chế xu hướng nóng lên trong dài hạn. Tuy nhiên, La Nina đã kết thúc vào tháng 3/2023 và hiện tượng El Nino được dự báo sẽ gia tăng trong những tháng tới theo chu kỳ hoạt động. Báo cáo cũng chỉ ra rằng, nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu hàng năm cho mỗi năm từ năm 2023 đến năm 2027 được dự đoán là cao hơn từ 1,1°C đến 1,8°C so với mức trung bình của những năm 1850-1900.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Vai trò của các thành phố
Theo các chuyên gia, tỷ lệ phát thải ngày càng tăng có thể là do các thành phố. Bên cạnh đó, mức giảm phát thải trong thập kỷ qua "thấp hơn mức tăng phát thải, do mức độ gia tăng của hoạt động toàn cầu trong ngành công nghiệp, cung cấp năng lượng, giao thông, nông nghiệp và các tòa nhà”. Nhấn mạnh rằng vẫn có thể giảm một nửa lượng khí thải vào năm 2030, giới chuyên gia kêu gọi các chính phủ đẩy mạnh hành động để giảm lượng khí thải. Đồng thời hoan nghênh việc giảm đáng kể chi phí của các nguồn năng lượng tái tạo kể từ năm 2010, lên tới 85% đối với năng lượng mặt trời và năng lượng gió và pin.
Trong số các giải pháp bền vững và chống phát thải mà các chính phủ cung cấp, các chuyên gia nhấn mạnh, việc xem xét lại hoạt động trong tương lai của các thành phố và các khu vực đô thị khác có thể góp phần đáng kể vào việc giảm thiểu những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu khiến Trái đất không ngừng nóng lên. Mục tiêu giảm thiểu tác động này có thể đạt được thông qua việc giảm tiêu thụ năng lượng (ví dụ bằng cách tạo ra các thành phố nhỏ gọn và có thể đi bộ được), điện khí hóa phương tiện giao thông kết hợp với các nguồn năng lượng phát thải thấp, hấp thụ và lưu trữ carbon tốt hơn bằng cách sử dụng tự nhiên.
PHẠM DUNG
Bình luận