Hotline: 0941068156
Thứ hai, 14/10/2024 15:10
Thứ hai, 16/09/2024 09:09
TMO – Để khắc phục hậu quả của bão số 3, toàn tỉnh Quảng Ninh đã huy động gần 70.700 lượt cán bộ, chiến sĩ từ các đơn vị quân đội, công an trên địa bàn, cùng nhiều máy móc thiết bị hỗ trợ người dân dọn dẹp, tổng vệ sinh môi trường. Đồng thời, các lực lượng nói trên ở Quảng Ninh đã phối hợp tích cực với ngành điện, viễn thông khắc phục hệ thống điện và viễn thông bị tê liệt trên địa bàn.
Bão số 3 đổ bộ vào khu vực Quảng Ninh và Hải Phòng khiến 2 địa phương này bị thiệt hại nặng nề cả về người và tài sản. Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ninh, bão số 3 làm 25 người chết, hơn 1.000 người bị thương; 70% cây xanh đô thị bị gãy, đổ; 165 tàu, phương tiện thủy bị chìm; hơn 102.800 nhà dân bị tốc mái; 251 nhà bị đổ sập; 4.942 nhà bị ngập; 2.637 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 7.500ha lúa bị ngập; hơn 500.000 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; gần 90.000ha rừng bị thiệt hại... Uớc tính sơ bộ tổng thiệt hại do bão số 3 tàn phá khoảng 23.770 tỷ đồng.
Hàng loạt cột điện bị gió bão quật đổ.
Tỉnh Quảng Ninh đã huy động gần 70.700 lượt cán bộ, chiến sĩ từ các đơn vị quân đội, công an đứng chân trên địa bàn; 110 lượt máy xúc; 465 lượt tàu, xuồng để tập trung công tác tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ, nhất là trên biển; hỗ trợ người dân dọn dẹp sau bão; tổng vệ sinh môi trường; phối hợp tích cực với ngành điện, viễn thông khắc phục hệ thống điện và viễn thông bị tê liệt trên địa bàn. Đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức di dời 3.155 hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ ảnh hưởng, mất an toàn; tìm kiếm và cứu hộ thành công 111 người bị trôi dạt trên biển, trú ẩn, bị kẹt trên các đảo về bờ; thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời những gia đình có người thiệt mạng. Thực hiện cấp điện lưới cho 70% khách hàng; khôi phục sóng di động, mạng internet đạt 100%.
Người dân vùng tâm bão số 3 đang dọn dẹp, khắc phục hậu quả của bão.
Các hoạt động sản xuất kinh doanh đã được khôi phục trở lại. Toàn bộ ngành than, các khu công nghiệp, khu kinh tế đã trở lại hoạt động bình thường. Cửa khẩu quốc tế Móng Cái đã thông quan trở lại từ ngày 9/9. Một số cơ sở lưu trú, cơ sở du lịch đã hoạt động trở lại và mở cửa đón khách du lịch. Trong 2 ngày (12 và 13/9), tỉnh đã đón gần 10.000 khách du lịch, trong đó có khoảng 7.000 khách du lịch quốc tế. Toàn tỉnh đã cơ bản ổn định tổ chức dạy học; 100% cơ sở y tế trên toàn tỉnh đã khám, chữa bệnh cho người dân trước, trong và sau bão. Hiện tỉnh, Quảng Ninh đang tập trung rà soát, thống kê, phân loại các đối tượng bị ảnh hưởng để thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng bị thiệt hại. Đồng thời tập trung xây dựng một số cơ chế chính sách hỗ trợ riêng có của tỉnh, trong đó tập trung vào các đối tượng bảo trợ xã hội, miễn giảm học phí, bổ sung tiền vào ngân hàng chính sách xã hội để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; sửa chữa nhà ở…
Các lực lượng đang nỗ lực khôi phục hệ thống thông tin, điện lưới bị bão phá hoại.
Trước đó, theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự TP. Hải Phòng, tính đến ngày 14/9, bão số 3 làm 2 người tử vong, 65 người bị thương, hơn 100.000 nhà ở bị hư hại; 94 công trình quốc phòng, an ninh bị hư hại; 575 điểm trường bị hư hại; 467 cơ sở y tế bị ảnh hưởng; 895 công trình văn hóa, di tích lịch sử văn hóa bị hư hại. Bão làm hơn 25.000ha diện tích lúa bị hư hại; hơn 3.000ha diện tích hoa màu, rau màu bị hư hại; hơn 3.300ha diện tích rừng bị hư hại; hơn 82.000 cây xanh đô thị bị gãy đổ; hơn 4.600ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng; hơn 3.200 cột điện bị gãy đổ; 70 trạm biến thế bị hư hại; hơn 30.000 công trình nhà xưởng, xí nghiệp, công trình công nghiệp bị hư hại; hơn 1.200 công trình trụ sở cơ quan bị hư hại; 213 chợ, trung tâm thương mại bị hư hại... Tổng thiệt hại do bão số 3 gây ra tại Hải Phòng tính đến ngày 14/9 ước gần 11.000 tỷ đồng.
Bão số 3 và hoàn lưu bão có phạm vi ảnh hưởng rất lớn, trải dài ở 26 tỉnh, thành phố ở toàn bộ miền Bắc (nơi chiếm trên 41% GDP và 40% dân số của cả nước), kết hợp với tình trạng xả lũ ở thượng nguồn một số con sông lớn và mưa lớn kéo dài đã gây ra ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất… khiến nhiều địa phương thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Bão đã gây ra tình trạng mất điện, mất nước, mất thông tin liên lạc trên diện rộng cùng lúc, cả trên biển và trên bờ, toàn bộ địa bàn của một số địa phương và tại nhiều địa phương, khiến công tác thông tin, liên lạc, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn càng trở nên khó khăn, nặng nề và nhiều thách thức hơn. Đến nay, một số địa phương vẫn còn tình trạng ngập lụt, hoặc có nguy cơ cao khiến cho thiệt hại còn có thể còn nặng nề hơn.
Báo cáo tại Hội nghị về khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, khôi phục sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng diễn ra vào ngày 15/9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, bão số 3 đã tác động toàn diện tới tình hình kinh tế - xã hội của nước ta. Đến nay đã có hàng trăm người chết, hàng nghìn người bị thương và tác động sang chấn tâm lý nặng nề cho nhiều người dân tại khu vực thiên tai, nhất là trẻ em, người cao tuổi, đối tượng dễ bị tổn thương. Bão lũ gây thiệt hại lớn về tài sản của nhân dân và nhà nước tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Ước tính sơ bộ (chưa đầy đủ), thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra khoảng 40.000 tỷ đồng.
Trong đó, khoảng 257.000 căn nhà, 1.300 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; 305 sự cố đê điều, chủ yếu là các tuyến đê lớn từ cấp 3 trở lên; trên 262.000 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại, gãy đổ; 2.250 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 2,3 triệu gia súc, gia cầm bị chết và gần 310.000 cây xanh đô thị gãy đổ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, tác động của cơn bão số 3 có thể khiến tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm của cả nước và nhiều địa phương chậm lại. Tăng trưởng GDP quý III của cả nước có thể giảm 0,35%, quý IV giảm 0,22% so với kịch bản không có bão số 3. Ước cả năm GDP có thể giảm 0,15% so với kịch bản ước tăng trưởng có thể đạt 6,8-7%, trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản giảm 0,33%, công nghiệp và xây dựng giảm 0,05% và dịch vụ giảm 0,22%. Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 của nhiều địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai… giảm hơn 0,5%. Nhiều tuyến đường bị ngập lụt, hư hại, khiến hoạt động lưu thông (nhất là đường bộ và đường sắt) bị đình trệ cục bộ.
Theo đó, các vấn đề xã hội, nhất là y tế, giáo dục, môi trường, nước sạch nông thôn, nước sạch đô thị, lao động việc làm, đời sống người dân… cần đặc biệt được quan tâm, ưu tiên nguồn lực và triển khai nhanh sau bão, lũ lụt, không để phát sinh dịch bệnh, tránh gây tác động cộng hưởng đến đời sống người dân. Hệ thống kết cấu hạ tầng của các địa phương do ảnh hưởng của bão, nhiều nơi bị hư hại nghiêm trọng. Nhiều công trình hạ tầng thiết yếu, dân sinh về đường sá, cầu, cống, điện, cấp nước, thoát nước, viễn thông, thông tin, trường học… bị hư hại, cần sớm khắc phục.
K. LINH
Bình luận