Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 12:11
Thứ năm, 26/01/2023 09:01
TMO - Năm 2020, quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của vùng Đông Nam Bộ tăng gấp 4,9 lần so với năm 2005 và 2,6 lần so với năm 2010, vượt mục tiêu đề ra.
Theo đó, Vùng Đông Nam Bộ đã đóng góp 32% GDP của cả nước, 44,7% tổng thu ngân sách nhà nước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 cao nhất cả nước. Theo Nghị quyết số 24-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ, mục tiêu đến năm 2030, Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước.
Đến năm 2045, Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển, có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm đầu của khu vực và thế giới; kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Thành phố Hồ Chí Minh là hạt nhân, cực tăng trưởng của Vùng.
Ưu tiên phát triển hệ thống giao thông đường bộ nhằm tăng tính kết nối liên vùng.
Triển khai Nghị quyết 24, Chính phủ đưa ra 19 chỉ tiêu phấn đấu, trong đó có một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 8 - 8,5%. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 380 triệu đồng, tương đương 14.500 USD; tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm 41,7% trong GRDP, khu vực công nghiệp và xây dựng 45,3% (riêng công nghiệp chế biến chế tạo 33%), khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2,3%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp 10,7%; tỷ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 30 - 35%; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 70 - 75%; 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Vùng Đông Nam Bộ gồm 6 tỉnh, thành phố (Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu). Quy mô dân số trên 18 triệu người (tỷ lệ đô thị hoá rất cao). Mũi nhọn phát triển kinh tế của vùng chủ yếu là công nghiệp, dịch vụ, thương mại.
Thế Huy
Bình luận