Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 17:11
Thứ sáu, 22/07/2022 20:07
TMO - Phải đánh giá lại những gì đã làm được, chưa làm được sau 17 năm ở vùng Đồng bằng sông Hồng trong lĩnh vực công nghiệp và đô thị. Qua đó, cần thay đổi nhận thức tư duy về vấn đề liên kết vùng, để liên kết vùng phải có sức nặng, hiệu quả.
Sau gần 17 năm thực hiện Nghị quyết 54 và 11 năm thực hiện Kết luận 13 của Bộ Chính trị, phát triển kinh tế-xã hội toàn vùng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, xây dựng hệ thống chính trị, quốc phòng, an ninh và quan hệ quốc tế; vai trò là một trong hai đầu tàu kinh tế của cả nước được phát huy. Tuy nhiên, Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương ông Nguyễn Duy Hưng cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được về phát triển vùng đồng bằng sông Hồng vẫn còn nhiều hạn chế, vấn đề phát sinh mới, nhất là bất cập về quy hoạch và quản lý quy hoạch. Ông Hưng lấy dẫn chứng, gần đây, dư luận nhắc đến nhiều về quy hoạch Thủ đô Hà Nội, đường Lê Văn Lương là điển hình của việc quy hoạch bất cập. Quy hoạch bất cập, không đồng bộ hạ tầng dẫn đến tình trạng mưa to là ngập lụt, tắc đường….
Hạ tầng đô thị thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo tính kết nối vùng.
Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, ông Nguyễn Duy Hưng cho rằng khi tác động ngày càng lớn cần phải đánh giá lại những gì đã làm được, chưa làm được sau 17 năm qua ở vùng ĐBSH trong lĩnh vực công nghiệp và đô thị. Đặc biệt, cần thay đổi nhận thức tư duy về vấn đề liên kết vùng có sức nặng, hiệu quả mạnh mẽ hơn.
Theo các chuyên gia, hệ thống hạ tầng đô thị của vùng còn thiếu đồng bộ, chưa bảo đảm sự kết nối giữa đô thị và vùng, nhất là về hạ tầng khung, tình trạng ngập úng vẫn còn, đặc biệt tại các đô thị lớn. Tình trạng quá tải, tắc nghẽn giao thông tại các đô thị lớn như Hà Nội chậm được giải quyết. Hạ tầng cấp thoát nước còn nhiều bất cập, chưa có giải pháp hữu hiệu. Đặc biệt, các chuyên gia nhấn mạnh về sự bất cập trong quy hoạch hệ thống kết cấu hạ tầng, bởi chưa có sự kết nối các loại hình giao thông với nhau, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nói chung và công nghiệp nói riêng của Vùng.
Thể chế về liên kết vùng chưa hoàn thiện, còn thiếu cơ chế điều phối đủ mạnh, rõ ràng, phạm vi liên kết hiện đang chủ yếu tập trung theo mệnh lệnh hành chính, lợi ích liên kết chưa thực sự rõ ràng. Các hình thức liên kết trong sản xuất công nghiệp còn lỏng lẻo, thiếu sự ràng buộc, chưa hiệu quả và còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, phát triển các ngành chưa có sự liên kết theo từng khâu, đoạn sản xuất. Theo giới chuyên gia, Nghị quyết 54 rất coi trọng vấn đề liên kết vùng, tuy nhiên, thực tế hiện nay sự liên kết vẫn chưa hiệu quả, vẫn còn sự cạnh tranh lẫn nhau về đầu tư, thu hút lao động...Do đó, cần có sự rà soát, thay đổi để phát triển bền vững.
Xuân Hữu
Bình luận