Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 22:11
Thứ tư, 14/09/2022 08:09
TMO – Trong giai đoạn 2005-2020, kinh tế Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ tăng trưởng đạt 7,3%/năm, cao hơn trung bình cả nước; quy mô kinh tế vùng được mở rộng, đạt 1.157 nghìn tỷ đồng vào năm 2020, chiếm 14,53% GDP cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 56,91 triệu đồng/người/năm.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, cần làm rõ các vấn đề liên quan đến việc phát triển kinh tế Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ. Cụ thể, việc ban hành, tổ chức thực hiện và hiệu lực, hiệu quả của các cơ chế, chính sách phát triển vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ thời gian qua; thực trạng và định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực chủ yếu của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ; thực trạng và các giải pháp nhằm tăng cường liên kết vùng tại vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ; thực trạng và giải pháp phát triển một số địa phương, một số vùng kinh tế động lực của các địa phương trong vùng thời gian qua; đề xuất các quan điểm, điều chỉnh, bổ sung các thể chế, cơ chế, chính sách, nguồn lực nhằm phát triển vùng, các địa phương và tăng cường liên kết vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ thời gian tới…
TP. Quy Nhơn, Bình Định
Bên cạnh đó, từ thực tiễn phát triển của các địa phương cũng như của cả vùng trong thời gian qua và những tác động của bối cảnh, tình hình mới đến phát triển kinh tế - xã hội Vùng, các chuyên gia, nhà khoa học tham gia tích cực vào phiên thảo luận mở với nhiều nội dung trực diện, bình luận sâu sắc đi sâu vào các cơ chế, chính sách, nguồn lực và tổ chức thực hiện các quy hoạch, dự án, đề án lớn và cũng làm sáng tỏ thêm nhiều nguyên nhân tồn tại, hạn chế trong phát triển vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ.
Phát biểu trong hội thảo “Phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tổ chức hôm 12/9, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho rằng, Nghị quyết 39-NQ/TW là chủ trương, định hướng đúng đắn của Đảng; là cơ sở quan trọng để các Bộ, ngành, địa phương ban hành các cơ chế, chính sách và bổ sung nhiều nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội vùng, các địa phương trong vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ và tác động tích cực đến mọi mặt đời sống các địa phương trong vùng. Sau hơn 18 năm triển khai Nghị quyết, cùng với sự quan tâm đặc biệt của Trung ương là sự chủ động vươn lên của cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong vùng; kinh tế - xã hội vùng, các địa phương đã có nhiều thay đổi tích cực; đời sống của nhân dân trong vùng được nâng cao.
Theo ông Trần Tuấn Anh, một số ý kiến phân tích thuận lợi, khó khăn về phát triển kinh tế - xã hội Vùng trong thời gian tới. Các thuận lợi, cơ hội được nêu trước hết phải kể đến là sự phát triển vượt bậc của khoa học - công nghệ và đặc biệt với cuộc cách mạnh công nghiệp 4.0; các Hiệp định thương mại tự do; các xu thế kinh tế mới như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ…; thế và lực của đất nước tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội vùng và các địa phương. Các khó khăn, thách thức vùng phải tiếp tục đối mặt như: khoa học công nghệ phát triển chậm; năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh thấp; tốc độ đô thị hóa, chất lượng đô thị thấp và thiếu liên kết; doanh nghiệp chủ yếu quy mô nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh thấp; các Khu Kinh tế ven biển, các trung tâm logistics, cảng cạn phát triển chậm; vùng phía Tây của các địa phương còn nhiều khó khăn; chất lượng lao động thấp; tình trạng biến đổi khí hậu, tai biến thiên nhiên với tần suất và cường độ ngày càng tăng.
Các chuyên gia cho rằng, liên kết phát triển vùng tất yếu khách quan, là một trong những động lực tăng trưởng phát triển kinh tế - xã hội vùng. Liên kết phát triển vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ cần thay đổi về nhận thức tư duy và hành động của cả hệ thống chính trị; cần đi từ đơn giản đến phức tạp với nhiều bên tham gia. Cần tập trung vào liên kết trong xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch; liên kết về phát triển hệ thống đô thị và các tổ hợp du lịch - dịch vụ, cảng biển; liên kết phát triển các khu kinh tế biển và hình thành các trục kinh tế biển; liên kết trong đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; liên kết phát triển du lịch; liên kết xây dựng bộ dữ liệu chung cho vùng; liên kết trong xúc tiến và thu hút đầu tư; liên kết trong đầu tư xây dựng các dự án có tác động lan tỏa đến vùng, liên vùng; liên kết trong bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu…
Quốc Dũng
Bình luận