Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 23:01
Thứ sáu, 08/03/2024 14:03
TMO - Tỉnh Vĩnh Phúc xác định, bảo vệ môi trường ở các lưu vực sông đang ngày càng trở lên cấp thiết, cần sự chung tay, vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp.
Mạng lưới sông suối Vĩnh Phúc khá dày đặc (mật độ lưới sông trung bình 0,5 - 1km/km2) với 5 con sông chính chảy qua, gồm: sông Hồng, sông Lô, sông Phó Đáy, sông Phan, sông Cà Lồ. Lượng nước hàng năm của các sông này rất lớn, có thể cung cấp nước tưới cho 38.200 ha đất canh tác nông nghiệp, được chia làm 2 hệ thống sông chính: Hệ thống sông Hồng và hệ thống sông Phan-Cà Lồ. Nước dưới đất là nguồn quan trọng hiện nay đang được sử dụng làm nguồn chính cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc (có tới khoảng 80% hộ dân trong tỉnh đảng sử dụng nguồn nước dưới đất làm nước sinh hoạt). Tiềm năm khai thác tiềm nước dưới đất trên địa bàn toàn tỉnh là khoảng 1,3 triệu m3/ngày.
Hiện nay, hệ thống cấp nước của tỉnh Vĩnh Phúc đang chủ yếu sử dụng nguồn nước dưới đất phục vụ cho cấp nước các đô thị và khu công nghiệp. Tuy nhiên, để bảo tồn nguồn nước dưới đất trong tương lai, chủ trương của tỉnh là ưu tiên sử dụng nguồn nước mặt phục vụ cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Theo kết quả ghi nhận tại 24 điểm quan trắc trữ lượng nước dưới đất trên địa bàn tỉnh cho thấy, nhìn chung trữ lượng nước dưới đất suy giảm tại các điểm quan trắc, đặc biệt là tại các điểm tập trung đông dân cư và khu công nghiệp.
Tỉnh Vĩnh Phúc xác định, bảo vệ môi trường ở các lưu vực sông là nhiệm vụ quan trọng cần được đẩy mạnh triển khai.
Hiện tại, ngoài một số trạm cấp nước có quy mô nhỏ sử dụng nguồn nước mặt đã hoạt động, sử dụng nguồn nước sông Lô, hồ Xanh,... trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có hai công trình cấp nước sử dụng nguồn nước mặt quy mô lớn đang được xây dựng, gồm: nhà máy nước sông Lô sử dụng nguồn nước sông Lô, đặt tại xã Việt Xuân huyện Vĩnh Tường, với công suất giai đoạn 1 là 30.000 m3/ngày (tổng công suất theo quy hoạch là 90.000 m3/ngày); và nhà máy nước Tam Dương sử dụng nguồn nước sông Phó Đáy, đặt tại xã Đồng Tĩnh huyện Tam Dương, có công suất giai đoạn 1 là 20.000 m3/ngày. Ngoài ra còn một trạm cấp nước sử dụng nước mặt từ các hồ Đại Lải (công suất giai đoạn 1 là 5.000 m3/ngày, với tổng công suất cả 2 giai đoạn là 10.000 m3/ngày); hồ Xạ Hương... khác cũng đang được xây dựng.
Hiện nay có 17 nhà máy cấp nước tập trung cung cấp nước sạch cho các đô thị, khu cụm công nghiệp và một số khu vực lân cận đô thị trên địa bàn 9 huyện, thành thị. Tổng công suất cấp nước thiết kế là 148.000m3/ngđ, công suất khai thác khoảng 94.795 m3/ngđ (đạt 64,05% công suất thiết kế). Tỷ lệ dân số đô thị được cấp nước sạch (thị trấn, thành phố) đạt khoảng 74%; mức cấp nước toàn tỉnh bình quân đạt 115lít/người/ngđ; tỷ lệ thất thoát nước sạch là 15%.
Tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng và triển khai mạng lưới quan trắc môi trường, trong đó có quan trắc chất lượng môi trường nước mặt, môi trường nước dưới đất theo Quyết định số 465/QĐ-UBND ngày 01/02/2019 của UBND tỉnh về việc phê duyệt mạng lưới quan trắc môi trường tỉnh Vĩnh Phúc. Đến nay đã đầu tư 02 trạm quan trắc môi trường tự động liên tục đối với chất lượng nước sông Phan, sông Cà Lồ, đồng thời đã đầu tư tăng cường năng lực trang thiết bị quan trắc phân tích môi trường, nâng cao trình độ, năng lực cán bộ thực hiện nhiệm vụ quan trắc môi trường, tiếp tục đầu tư mở rộng các trạm quan trắc tự động và xây dựng cơ chế quản lý vận hành các hệ thống quan trắc để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường...
Trong những năm qua, cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa đòi hỏi nhu cầu nước cho sản xuất và dân sinh ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng, nhưng phát triển cũng ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường nước, đất. Nhu cầu về nguồn nước ngày càng tăng cho dân cư, cho phát triển của các ngành và địa phương dẫn đến việc khai thác sử dụng tài nguyên nước ngày càng nhiều, lượng nước thải ra các sông ngòi gia tăng cả về số lượng và mức độ rủi ro ô nhiễm.
Ngoài ra, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước mặt, nước ngầm, thiếu nước, khan hiếm nước trở nên phổ biến hơn. Cạnh tranh giữa sử dụng nước cho thủy điện và các nhu cầu tiêu thụ nước khác trên các sông liên tỉnh ngày càng gia tăng, dẫn đến giảm nguồn cung cho cho các mục đích sử dụng, đặc biệt cho sản xuất nông nghiệp đã xảy ra trong những năm gần đây, nhất là trong mùa khô; việc suy giảm rừng đầu nguồn, diện tích rừng không được cải thiện, chất lượng rừng kém làm giảm nguồn sinh thủy của các sông, suối, hồ chứa, cùng với nhu cầu sử dụng nước gia tăng trong khi tình trạng sử dụng nước lãng phí, kém hiệu quả còn khá phổ biến.
Vĩnh Phúc là tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Những năm gần đây, phong trào nuôi thủy sản ở các địa phương đã và đang có bước phát triển mạnh cả về diện tích và sản lượng. Hiện toàn tỉnh có hơn 6.800 ha nuôi thủy sản, tập trung chủ yếu ở các huyện: Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên.
Tuy nhiên, hiện nay, nghề nuôi trồng thủy sản đang chuyển dần từ hình thức nuôi thả tự nhiên, quảng canh sang bán thâm canh, thâm canh, nuôi công nghiệp với quy mô lớn. Trong khi đó, nguồn nước đầu vào trong nuôi trồng thủy sản vẫn đang phải dùng chung với nguồn nước thủy nông đang ngày càng bị ô nhiễm do chất thải trong sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; nước thải, rác thải sinh hoạt từ các khu dân cư; tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp đã gây tác động tiêu cực đến môi trường nuôi trồng thủy sản, là nguồn phát sinh dịch bệnh, gây thiệt hại kinh tế cho người nuôi. Thực tế, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra tình trạng cá chết do môi trường nước bị ô nhiễm.
Ngành chức năng, các địa phương chú trọng kiểm soát công tác bảo vệ môi trường đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản.
Tỉnh Vĩnh Phúc xác định, bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông tỉnh Vĩnh Phúc có tầm quan trọng đặc biệt trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững đối với 07 huyện và 02 thành phố; là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài, thường xuyên, đòi hỏi phải tập trung các nguồn lực đầu tư với những quyết tâm cao của chính quyền và nhân dân địa phương.
Thời gian tới, địa phương này chủ động phòng ngừa ô nhiễm nguồn nước, phòng chống thảm họa thiên tai liên quan đến nước, bảo tồn hệ sinh thái, đảm bảo quốc phòng và an ninh với chi phí hợp lý thông qua việc thực hiện đổi mới thể chế, chính sách có tính chất then chốt. Đồng thời thực hiện các biện pháp công trình, phi công trình nhằm chủ động bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, ứng phó với các sự cố cạn kiệt, suy thoái nguồn nước, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nước từ nước ngoài, khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, quản trị ngành nước, môi trường trên cơ sở chuyển đổi số.
Nâng cao hiệu quả quản lý tổng hợp tài nguyên nước trên nền tảng quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch tổng hợp lưu vực sông, kết hợp với kết quả điều tra cơ bản, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và giám sát tài nguyên nước theo thời gian thực; Tiếp tục đổi mới thể chế, chính sách theo hướng xã hội hóa ngành nước, đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư, xây dựng các dự án trong việc phục hồi các dòng sông bị suy thoái, cạn kiệt; xác định giá nước cho các mục đích sử dụng theo hướng tính đúng, tính đủ; quản lý hoạt động dịch vụ cấp nước; tích hợp các quy định về quản lý nước trong một quyết định/quy định về nước để quản lý, kiểm soát, điều tiết toàn diện các vấn đề về nước trên cơ sở thống nhất quản lý về tài nguyên nước;
Phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành 100% cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước đối với sông, suối ở các đô thị, khu dân cư tập trung; Hoàn thành 100% cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước đối với hồ tự nhiên, hồ nhân tạo có dung tích từ 1 triệu m3 và 50% đối với các sông suối nội tỉnh có khu dân cư. 100% các đoạn sông nội tỉnh tỉnh chảy qua các khu dân cư tập trung, khu công nghiệp được công bố khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải; Tỷ lệ khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường đạt 100%; Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định: >30 % đối với đô thị loại II trở lên; 10% đối với đô thị còn lại...
Để bảo vệ nguồn nước tại các lưu vực sông, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ kiểm soát, giám sát chặt chẽ các chất thải ra môi trường, đặc biệt là nước thải xả vào nguồn nước phải đạt quy chuẩn chất lượng nước phù hợp với chức năng của nguồn nước; hạn chế và tiến tới việc cấm sử dụng các loại hóa chất độc hại trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản gây ô nhiễm nguồn nước; quản lý chặt chẽ khai thác nước dưới đất.
Triển khai cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước đối với các đoạn sông, suối, kênh, rạch chảy qua các đô thị, khu dân cư tập trung, khu, cụm công nghiệp tập trung, làng nghề hoặc được quy hoạch xây dựng đô thị, khu dân cư tập trung, khu, cụm công nghiệp tập trung, làng nghề; hồ tự nhiên, hồ nhân tạo ở các đô thị, khu dân cư tập trung. Xây dựng và thực hiện các chương trình truyền thông có nội dung và hình thức tuyên truyền thích hợp cho từng nhóm đối tượng trong xã hội.
Nạo vét, kiên cố hóa sông Phan, sông Cà Lồ đoạn chảy qua các đô thị, khu dân cư tập trung, khu, cụm công nghiệp tập trung, làng nghề hoặc được quy hoạch xây dựng đô thị, khu dân cư tập trung, khu, cụm công nghiệp tập trung, làng nghề góp phần cải tạo môi trường, cảnh quan. Quản lý, giám sát chặt chẽ các hoạt động xả nước thải từ các khu công nghiệp, khu chế xuất và làng nghề, thúc đẩy các hoạt động đầu tư, nâng cấp, nâng cao năng lực hệ thống thu gom và xử lý nước thải tại các khu vực này đạt quy chuẩn môi trường. Chủ động nguồn nước cho các ngành, lĩnh vực: sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, năng lượng, giao thông và các ngành sử dụng nước khác...
Hoàng Nam
Bình luận