Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 16:11
Thứ năm, 21/03/2024 14:03
TMO - Nhằm tăng tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung, UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với các địa phương tăng cường quản lý, đảm bảo chất lượng công trình, huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư xây dựng các công trình cấp nước, đáp ứng nhu cầu của người dân, đảm bảo tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
Năm 2023, tỷ lệ người dân trên địa bàn tỉnh sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung đạt 24,1%, tăng 4,3% so với năm 2022. Mặc dù đã có chuyển biến tích cực, song, tỷ lệ người dân khu vực nông thôn sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung vẫn thấp.
Để đảm bảo chất lượng cuộc sống nhân dân trên địa bàn tỉnh, nhất là bảo đảm cung cấp về nước sạch, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 19 về chính sách hỗ trợ đầu tư dự án cung cấp nước sạch và trợ giá nước sạch cho vùng nông thôn giai đoạn 2021 - 2025. Hằng năm, các cơ quan chuyên môn giám sát chất lượng nước định kỳ hằng tháng tại nhiều công trình cấp nước và thực hiện kiểm tra, rà soát các tuyến ống để xử lý kịp thời, triệt để các tuyến ống bị rò rỉ nhằm giảm tỷ lệ thất thoát nước...
Về việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cấp nước sạch đô thị, UBND tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh cục bộ đồ án Quy hoạch cấp nước đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; phê duyệt Kế hoạch cấp nước an toàn, chống thất thoát, thất thu nước sạch trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2025; chỉ đạo Sở Xây dựng đề xuất phương án bảo đảm cung cấp nước cho các khu công nghiệp thành lập mới và mới được quyết định chủ trương đầu tư.
Công trình cấp nước sạch tại các địa phương phải vận hành ổn định, đảm bảo khả năng cung cấp nước sạch theo công suất thiết kế.
Nhằm cụ thể hóa, khơi thông nguồn lực đầu tư cho nước sạch, đáp ứng nhu cầu cấp thiết về nước sinh hoạt của người dân vùng nông thôn, thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành liên quan tham mưu các cơ chế, chính sách phù hợp, kịp thời, sát thực tiễn. Đồng thời, quyết liệt, linh hoạt giải quyết những khó khăn, vướng mắc về mặt bằng, cơ chế hỗ trợ, thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, nâng công suất, mở rộng đường ống cấp nước tới khu dân cư.
Với các dự án đã hoàn thành thủ tục về đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng, mở rộng vùng cấp nước theo quy hoạch và chủ trương đầu tư được duyệt; chủ động làm việc với các ngành chức năng để giải quyết các vấn đề vướng mắc có liên quan đến dự án; nghiên cứu cải tiến công nghệ, quy trình quản lý để nâng cao chất lượng nguồn nước sạch cung cấp. Cùng với đó, tiếp tục tuyên truyền vận động Nhân dân sử dụng nước sạch tập trung, cảnh báo việc sử dụng nguồn nước ngầm không bảo đảm chất lượng.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các đơn vị cấp nước đã chú trọng đầu tư nâng cấp, mở rộng mạng lưới phục vụ và cải thiện chất lượng nước cấp; tăng cường phát triển các dịch vụ chăm sóc khách hàng. Nhờ đó, chất lượng nguồn nước cơ bản được bảo đảm; tỷ lệ thất thu, thất thoát nước sạch liên tục giảm theo từng năm; tỷ lệ dân cư đô thị được cấp nước sạch tăng bình quân từ 2 - 3%/năm.
Hiện nay tổng công suất cấp nước thiết kế tại các đô thị là 134.500 m3/ngày đêm; công suất khai thác khoảng 83.085 m3/ngày đêm, đạt 61,8% công suất thiết kế. Tỷ lệ bao phủ dịch vụ cấp nước đô thị từ hệ thống cấp nước tập trung đạt 79%; tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch dưới 15%. Các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động đều được cấp nước đến chân hàng rào, đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ sản xuất.
Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh hiện đang quản lý, vận hành 11 công trình cấp nước tập trung, tổng công suất thiết kế 23.000m3/ngày đêm, phục vụ cho 28 xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh với hơn 34.500 hộ đấu nối sử dụng, trong đó có 23.000 hộ sử dụng nước thường xuyên, đạt tỷ lệ 66,5%. Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục tham mưu UBND tỉnh, phân bổ nguồn vốn đầu tư nâng cấp mạng lưới cung cấp nước sạch, đến các khu vực chưa có nước sạch theo quy hoạch vùng mà trung tâm quản lý.
Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án mới, cải tạo nâng cấp hệ thống cấp nước tập trung đã được phê duyệt gồm các dự án như: Hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên; bổ sung tuyến ống cấp nước các công trình nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh; mở rộng vùng cấp nước từ công trình cấp nước tập trung liên xã Liên Châu – Hồng Phương, huyện Yên Lạc. Đồng thời, phối hợp với Văn phòng điều phối nông thôn mới tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước sạch từ công trình nước sạch tập trung; hướng dẫn người dân sử dụng nước an toàn, tiết kiệm và hiệu quả.
Ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch để có đủ nguồn nước phục vụ nhân dân; tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án cấp nước; đôn đốc chủ đầu tư dự án cấp nước hoàn chỉnh dự án, đầu tư xây dựng nâng cấp công suất cấp nước, mở rộng đường ống cấp nước theo quy định…
Thời gian tới, địa phương này phát triển mạng lưới cấp nước kết nối hiệu quả với hạ tầng cấp nước của vùng.
Để đạt mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ dân số khu vực đô thị sử dụng nước sạch tập trung đạt 100%, tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 85% theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đã xây dựng phương án phát triển mạng lưới cấp nước. Cụ thể, đối với nguồn nước dưới đất, tiếp tục duy trì khai thác, xử lý nước dưới đất đối với các công trình cấp nước sử dụng nguồn nước ngầm hiện trạng (hạn chế khai thác, mở rộng thêm công suất). Đối với nước mặt sẽ xây dựng và mở rộng công suất một số nhà máy nước sử dụng nguồn nước mặt sông Lô, sông Hồng, sông Phó Đáy, hồ Đại Lải… đảm bảo đáp ứng nhu cầu dùng nước sinh hoạt và sản xuất.
Nâng cao hiệu quả hoạt động các nhà máy nước ngầm hiện có trên địa bàn tỉnh; mở rộng, nâng công suất các nhà máy cấp nước sử dụng nguồn nước mặt như nhà máy nước Việt Xuân, nhà máy nước Tam Dương, nhà máy nước Sông Lô (Tam Sơn), nhà máy nước Bá Hiến, nhà máy nước Thái Hòa - Hoa Sơn, nhà máy nước Hồng Phương - Liên Châu, nhà máy nước Bồ Sao... Xây dựng mới các nhà máy cấp nước mặt: Nhà máy nước Sông Hồng, Nhà máy nước Phúc Bình, Nhà máy nước Đôn Nhân,Nnhà máy nước Bồ Lý. Tiếp tục duy trì cấp nước từ các nhà máy cấp nước tập trung khu vực nông thôn, triển khai các dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào cấp nước sạch tại khu vực nông thôn.
Phát triển mạng lưới cấp nước kết nối hiệu quả với hạ tầng cấp nước của vùng; bố trí hệ thống cấp nước đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân; khai thác và sử dụng nguồn nước theo hướng hiệu quả, bền vững; ưu tiên giải pháp sử dụng nguồn nước mặt, hạn chế sử dụng nguồn nước ngầm. Phát triển mạng lưới đường ống truyền tải chính và đường ống truyền tải khu vực (cấp 1) phù hợp với định hướng phát triển các nhà máy nước. Khuyến khích, thu hút đầu tư các nhà máy cấp nước mặt trên địa bàn với quy mô phù hợp, đảm bảo tính khả thi để đáp ứng nhu cầu cấp nước sinh hoạt và sản xuất.
Lê Thanh
Bình luận