Hotline: 0941068156
Thứ ba, 26/11/2024 18:11
Thứ tư, 24/04/2024 10:04
TMO - UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai trên tuyến đê Cà Lồ - Nam Viêm do thành phố Phúc Yên quản lý.
Theo đó, từ tháng 7/2023, trên tuyến đê Cà Lồ - Nam Viêm xuất hiện một số đoạn bị sạt lở, lún, sụt nền, nứt mặt đê, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đê điều. Cụ thể, Đoạn 1 từ K2+165 đến K2+285 dài khoảng 120m, bề rộng vết nứt khoảng 2-5cm, chiều sâu vết nứt khoảng 10-20cm. Đoạn 2 từ K2+305 đến K2+395 dài khoảng 90m, bề rộng vết nứt khoảng 1-3cm, chiều sâu vết nứt khoảng 10-20cm.
Đoạn 3 từ K2+410 đến K2+590 dài khoảng 180m, bề rộng vết nứt khoảng 1-4cm, chiều sâu vết nứt khoảng 10-25cm, cá biệt có một số chỗ sâu 35cm. Đoạn 4 từ K2+720 đến K3+050 dài khoảng 330m, bề rộng vết nứt khoảng 3-6cm, chiều sâu vết nứt khoảng 30-50cm, cá biệt có một vài vị trí sâu đến 60cm; vết nứt có xu hướng lan rộng cả về chiều rộng, chiều sâu và chiều dài.
Qua kiểm tra, đánh giá sơ bộ cho thấy, nguyên nhân chính gây nứt, lún mặt đê là tuyến đê được xây dựng từ lâu, do nhân dân sinh sống ven đê gia cố đắp đê, vật liệu, đất đắp đê không đảm bảo tiêu chuẩn nên còn nhiều ẩn họa trong thân đê. Theo số liệu khảo sát của đơn vị tư vấn địa chất, thân đê có hàm lượng hạt bụi (35,2%) và hạt sét (31,8%) cao dễ bị trương nở khi có nước, co ngót về mùa khô và có xu hướng nứt dọc đê.
Cơ quan chức năng, đơn vị chuyên môn kiểm tra các vết lún nứt tại tuyến đê Cà Lồ - Nam Viêm. Ảnh: SH.
Trước tình trạng trên, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định về việc công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai trên tuyến đê Cà Lồ - Nam Viêm. Để ngăn chặn nguy cơ và giảm tối đa thiệt hại, UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn cấp triển khai thực hiện ứng phó và khắc phục hậu quả lún nứt tại tuyến đê này.
UBND tỉnh giao UBND TP.Phúc Yên duy trì thực hiện cảnh báo, thông báo về tình hình sự cố đến người dân sống trong vùng ảnh hưởng; sẵn sàng mọi vật tư, nhân lực…để xử lý khi có tình huống bất lợi; nghiên cứu các biện pháp gia cố tạm thời tại các vị trí nứt trên mặt đê để hạn chế việc lan rộng các vết nứt. Lập chốt trực, tổ chức phân luồng giao thông, đảm bảo an toàn giao thông cho người và các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đê. Báo cáo ngay về Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh khi phát hiện nguy cơ mất an toàn.
Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Phúc thường xuyên cập nhật, tổng hợp tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra tại TP.Phúc Yên, tham mưu cho UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo khắc phục kịp thời. Các cơ quan đơn vị liên quan căn cứ chức năng quản lý Nhà nước chuyên ngành, có trách nhiệm hướng dẫn, phối hợp, triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Vân Anh
Bình luận