Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 00:01
Thứ năm, 29/02/2024 16:02
TMO - Tỉnh Vĩnh Phúc chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó sự cố chất thải nhất là trong hoạt động sản xuất công nghiệp, qua đó giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của các sự cố môi trường đến con người, góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Vĩnh Phúc là địa phương có tốc độ phát triển kinh tế thuộc top đầu của cả nước, nhất là tại khu vực sản xuất công nghiệp. Hoạt động sản xuất tại khu vực kinh tế này phát sinh lượng lớn các loại chất thải. Nguy cơ xảy ra sự cố chất thải sẽ ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của người dân nếu không có những biện pháp kiểm soát, quản lý, chủ động ứng phó từ sớm, từ xa.
Toàn tỉnh hiện được quy hoạch 19 khu công nghiệp (KCN), trong đó 16 KCN được thành lập và có quyết định chủ trương đầu tư; 9 KCN đã đi vào hoạt động. Qua rà soát, thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 160 doanh nghiệp phát sinh chất thải theo 17 loại hình sản xuất, kinh doanh dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường quy định tại Phụ lục II, Nghị định số 08/2022 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Địa phương này đã xây dựng các kịch bản ứng phó với từng loại sự cố có thể xảy ra gây nguy hại cho con người, môi trường trên địa bàn.
Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho biết, để chủ động bảo vệ môi trường, các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong các KCN của tỉnh Vĩnh Phúc đều lập hồ sơ đánh giá tác động môi trường của dự án và thiết kế vận hành các hạng mục công trình bảo vệ môi trường trong hệ thống nhà máy, như: Hệ thống thoát nước mưa, hệ thống xử lý nước thải tập trung, khu vực lưu trữ chất thải rắn, hệ thống quan trắc nước thải tự động…
Bên cạnh việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường trong các KCN theo quy chuẩn, chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng tại các KCN cũng thành lập bộ phận chuyên trách bảo vệ môi trường có trách nhiệm vận hành hệ thống xử lý nước thải, giám sát chặt chẽ hoạt động xả thải của doanh nghiệp; Thường xuyên tổ chức diễn tập quy mô về công tác ứng phó sự cố môi trường và chất thải trong các doanh nghiệp.
Địa phương này đã xây dựng các kịch bản ứng phó với từng loại sự cố có thể xảy ra gây nguy hại cho con người, môi trường trên địa bàn quản lý như: Sự cố chất thải ở dạng chất thải rắn, chất thải lỏng, chất thải khí, tại các khu vực có nguy cơ cao trong KCN Khai Quang. Đồng thời, triển khai các giải pháp xử lý chất thải bằng phương pháp sử dụng công nghệ như: Hấp thụ bằng các vật liệu hấp thụ tương ứng phù hợp như dung dịch kiềm, nước; hấp thụ bằng các vật liệu hấp thụ như than hoạt tính, geolit...; xử lý khí thải bằng công nghệ UV để xử lý các loại khí độc hoặc xử lý khí thải bằng công nghệ Plasma nhằm giảm nồng độ bụi trong không khí, loại bỏ khí độc hại..., nhằm ngăn chặn, dừng phát tán chất thải ra môi trường.
Trên cơ sở lực lượng, phương tiện hiện có, lực lượng phương tiện tăng cường, phối hợp và lực lượng hiệp đồng, Vĩnh Phúc hoàn toàn có khả năng ứng phó và khắc phục sự cố chất thải ở mức độ vừa và nhỏ; thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ” và "3 sẵn sàng” quy định tại pháp luật phòng, chống thiên tai; phối hợp, huy động mọi nguồn lực để nâng cao hiệu quả hoạt động ứng phó sự cố chất thải.
Tỉnh Vĩnh Phúc chú trọng phát triển các khu công nghiệp phải đi đôi với bảo vệ môi trường hướng tới sự bền vững.
Để chủ động ứng phó với sự cố chất thải, UBND tỉnh giao Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh là cơ quan chỉ huy về công tác ứng phó sự cố chất thải trên địa bàn tỉnh; chủ trì việc huy động lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó, khắc phục sự cố chất thải theo kế hoạch của tỉnh; tham mưu với UBND tỉnh quyết định, định hướng việc cung cấp thông tin về sự cố cho các phương tiện truyền thông và trưng dụng, điều động lực lượng và phương tiện, trang thiết bị ứng phó sự cố chất thải của các sở, ban, ngành, đơn vị, cơ sở trên địa bàn tỉnh để phục vụ ứng phó sự cố chất thải cấp tỉnh.
Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tham mưu đề xuất UBND tỉnh và Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh về phương án ứng phó, sử dụng lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó sự cố chất thải có hiệu quả; điều động lực lượng, phương tiện, phối hợp hiệp đồng với các đơn vị của Bộ Quốc phòng, Quân khu 2 đóng quân trên địa bàn và triển khai lực lượng, phương tiện tham gia công tác cứu nạn, cứu hộ và ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố chất thải xảy ra; tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập, nâng cao trình độ tổ chức, chỉ huy điều hành ở các cấp và hành động phối hợp, hiệp đồng của bộ đội trong công tác ứng phó, khắc phục hậu qua do sự cố chất thải gây ra.
Công an tỉnh tham mưu UBND tỉnh và Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh về công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn trong ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố chất thải trên địa bàn tỉnh. Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về ứng phó sự cố chất thải; tham mưu ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn việc triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 theo quy định; đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục cộng đồng, phổ biến kiến thức về nguy cơ, hiểm họa của sự cố môi trường để chủ động phòng tránh, ứng phó…
Những năm gần đây, tỉnh Vĩnh Phúc đã kiên định với chiến lược phát triển bền vững, hiện tỉnh đang đẩy nhanh việc điều chỉnh, quy hoạch các khu công nghiệp theo hướng chuyên biệt, sinh thái, thông minh, từng bước xây dựng, hình thành nên những khu công nghiệp kiểu mẫu, có hạ tầng đồng bộ và hiện đại. Địa phương này xác định không vì lợi ích kinh tế mà đánh đổi môi trường, phát triển các khu công nghiệp phải đi đôi với bảo vệ môi trường hướng tới sự bền vững. Khi thu hút các dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, Vĩnh Phúc yêu cầu các chủ đầu tư dành tối thiểu 10% quỹ đất cho trồng cây xanh, tỉnh cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo vệ môi trường.
Hải Long
Bình luận