Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 02:11
Thứ năm, 11/01/2024 06:01
TMO - Là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng lớn từ thiên tai, hàng năm tỉnh Vĩnh Phúc đều triển khai các phương án nhằm chủ động phòng chống, sẵn sàng ứng phó, đồng thời hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra. Trong đó, địa phương này chủ động phân vùng rủi ro ứng phó với từng loại thiên tai trên địa bàn tỉnh.
Vĩnh Phúc là tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng, phía Bắc có dãy núi Tam Đảo kéo dài từ xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo đến xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên. Phía Tây Nam được bao bọc bởi sông Hồng và sông Lô, tạo nên dạng địa hình thấp dần từ Đông Bắc xuống Tây Nam và chia tỉnh thành ba vùng có địa hình đặc trưng: đồng bằng, trung du và miền núi. Cùng với đó, Vĩnh Phúc còn có hệ thống đầm, hồ, sông, suối nằm rải rác trên khắp các huyện, thành phố.
Với những đặc điểm đó, Vĩnh Phúc thường xảy ra thiên tai như mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất…Đặc biệt, các trung tâm hành chính, công nghiệp của tỉnh như Vĩnh Yên, Phúc Yên, Bình Xuyên nằm trong vùng thấp trũng, cơ sở hạ tầng phục vụ việc tiêu thoát nước chưa hoàn thiện nên tình trạng ngập lụt vẫn xảy ra hằng năm. Thông tin từ UBND tỉnh cho biết, Vĩnh Phúc ít chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão và áp thấp nhiệt đới, nhưng do nằm ở phía Tây Nam của dãy núi Tam Đảo nên Vĩnh Phúc là một trong những tâm mưa lớn của cả nước.
Năm 2022, các đợt mưa lớn cuối tháng 5 và mưa lớn do hoàn lưu bão số 2, bão số 3 đã làm 7 người chết, thiệt hại trên 16.000ha lúa, hoa màu, thủy sản; làm ngập úng cục bộ nhiều địa điểm trên địa bàn tỉnh, thiệt hại trên 850 tỷ đồng. Từ đầu năm 2023 đến nay, thiên tai chưa gây ảnh hưởng nhiều đến địa bàn tỉnh, tuy nhiên trận mưa dông kèm theo lốc, sét đầu tháng 5 đã gây một số thiệt hại về nhà ở, hoa màu tại huyện Tam Đảo và Bình Xuyên khoảng gần 2 tỷ đồng.
Công tác diễn tập PCTT&TKCN được các địa phương chú trọng triển khai và coi đây là nhiệm vụ quan trọng.
Những năm qua, công tác phòng chống thiên tai luôn được Vĩnh Phúc đặt lên hàng đầu, tỉnh đã chủ động đầu tư, tu bổ, đảm bảo an toàn các hồ chứa nước, an toàn đê điều; thường xuyên tổ chức các cuộc diễn tập Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tại các huyện, thành phố. Trước diễn biến ngày càng phức tạp, bất thường của các hiện tượng thời tiết cực đoan, Vĩnh Phúc đã và đang triển khai nhiều giải pháp, phương án phòng chống thiên tai, ứng phó kịp thời với mọi tình huống, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân.
Theo đó, để chủ động trước mọi tình huống do mưa lớn có thể xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Vĩnh Phúc đã kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo Ban chỉ huy PCTT&TKCN các Sở, ban, ngành, các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai, thông tin kịp thời tới người dân; sẵn sàng các phương án ứng phó kịp thời khi có các tình huống thiên tai. Tại các tràn thường xuyên bị ngập sâu, chảy xiết gây nguy hiểm như tràn Km 8+700 ĐT 302B (Bình Xuyên), tràn Công Nông Binh trên ĐT.310C (Tam Đảo), tràn Km12+600 trên ĐT.301 (Phúc Yên) Sở Giao thông vận tải đã phối hợp với các Đội cảnh sát giao thông các huyện và chính quyền địa phương tổ chức rào chắn, cảnh báo, trực gác phân luồng để đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến.
Để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, tìm kiếm cứu nạn trong mùa mưa bão năm 2023 và những năm tiếp theo, vừa qua, huyện Vĩnh Tường đã huy động hàng nghìn cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên địa bàn luyện tập, diễn tập ứng phó với bão lụt, tìm kiếm cứu nạn và được đánh giá đạt kết quả xuất sắc. Trước tình hình đó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện họp nhận định, đánh giá tình hình, bàn cách xử trí tình huống sự cố và cứu hộ, cứu nạn do thiên tai gây ra.
Về diễn tập phần thực binh, chỉ đạo lực lượng tại chỗ khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện, thực hành sơ tán nhân dân thôn Ven, xã Ngũ Kiên ra khỏi khu vực nguy hiểm; tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, cứu sập, giúp nhân dân khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. Cuộc diễn tập đã diễn ra theo đúng trình tự, nội dung, kế hoạch; các tình huống sát với tình hình thực tế tại địa phương và tại thời điểm tổ chức diễn tập. Cuộc diễn tập diễn ra với tình huống giả định: Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp với hoàn lưu bão số 1 khiến các tỉnh Đông Bắc bộ và trung du, miền núi phía Bắc mưa to đến rất to kèm dông lốc, gió giật mạnh. Điều này cho thấy sự chủ động, nâng cao khả năng hiệp đồng trong công tác phòng, chống các hiểm họa do thiên tai trên địa bàn huyện, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác ứng phó với bão lụt và tìm kiếm cứu nạn.
Để hạn chế những thiệt hại do mưa bão gây ra, ngay từ đầu năm, UBND huyện Tam Đảo đã xây dựng kế hoạch, phương án, sẵn sàng ứng phó và xử lý các tình huống thiên tai, sự cố; bảo đảm an toàn hệ thống hồ, đập, nhất là 5 hồ chứa có dung tích lớn là Xạ Hương, Bản Long, Làng Hà, Đồng Mỏ và Vĩnh Thành. Thời gian tới, huyện Tam Đảo luôn chú trọng nâng cao năng lực phòng ngừa sức chống chịu trước thiên tai, khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và các hình thái thiên tai cực đoan, nhất là năng lực dự báo, cảnh báo, chỉ huy ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, truyền thông, giáo dục, thực thi pháp luật phòng chống thiên tai; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, chủ động, hiệu quả.
Vĩnh Phúc ít chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão và áp thấp nhiệt đới, nhưng lại là một trong những tâm mưa lớn của cả nước.
Với phương châm 4 tại chỗ “chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”, ngay từ đầu năm, huyện Yên Lạc đã kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng phương án ứng phó với các tình huống thiên tai, sự cố có thể xảy ra; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, nhất là tại các xã ven đê hay xảy ra ngập úng như: Hồng Phương, Hồng Châu, Trung Hà. Đặc biệt, huyện Yên Lạc đã thiết lập hệ thống thông tin liên lạc bảo đảm an toàn, thông suốt trong mọi tình huống giữa Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện với các cụm phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn các xã, thị trấn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Chi cục Thủy lợi chủ động phối hợp với Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương tăng cường kiểm tra, phát hiện kịp thời các sự cố tại các trọng điểm xung yếu. Chuẩn bị các phương án và vật tư, sẵn sàng xử lý theo phương châm 4 tại chỗ, bảo đảm thông tin liên lạc, báo cáo kịp thời diễn biến của sự cố. Thực hiện phát quang mái đê, chân đê, thu gom rác trong phạm vi bảo vệ đê điều, phục vụ công tác tuần tra canh gác đê. UBND các huyện, thành phố có đê tăng cường quán triệt, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các phường, xã ven đê tổ chức lực lượng và thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ.
UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo, thiên tai, cung cấp kịp thời chính xác số liệu khí tượng thủy văn cho Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.Tăng cường truyền thông, phổ biến kiến thức phòng, chống thiên tai cho nhân dân và lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai các cấp. Các công ty thủy lợi chủ trì, phối hợp với các huyện, thành phố xây dựng phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại các hồ chứa; tiến hành nạo vét, tháo dỡ các vật cản trên hệ thống sông tiêu, luồng tiêu, trục tiêu theo phân cấp quản lý.
Riêng đối với các dự án nạo vét luồng tiêu cần đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, đáp ứng yêu cầu về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, nhất là là trên địa bàn thành phố Phúc Yên, Vĩnh Yên và huyện Tam Đảo…Đồng thời, nâng cao năng lực tìm kiếm cứu nạn, chú trọng công tác phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cứu hộ, cứu nạn. Cùng với đó, tỉnh chú trọng tăng cường các biện pháp, phương thức thông tin, tuyên truyền, phổ biến về các loại hình thiên tai, kinh nghiệm ứng phó và cách phòng tránh đảm bảo thông tin phù hợp, đến được cơ sở, người dân. Tổ chức tập huấn, diễn tập về ứng phó lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, diễn tập ứng phó cháy rừng và bảo vệ rừng.
PV
Bình luận