Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 21:01
Thứ bảy, 11/05/2024 06:05
TMO - Hướng tới mục tiêu triển khai hiệu quả các tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới, tỉnh Vĩnh Long nỗ lực đưa nước sạch về tới từng địa phương. Theo quy hoạch đến năm 2030, Vĩnh Long sẽ có 97% hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long cho biết, mỗi năm, từ nguồn vốn đầu tư công, nguồn sự nghiệp cấp nước sạch của đơn vị vào khoảng từ 40-70 tỷ đồng, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) tỉnh Vĩnh Long được tỉnh giao đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp hàng chục trạm cấp nước sạch nông thôn, lắp đặt mới 2.500-5.000 đồng hồ nước.
Đồng thời đầu tư cho công tác quản lý cấp nước (như tập huấn, truyền thông, kiểm tra chất lượng nước, cấp nước an toàn định kỳ…) nhằm duy trì vận hành của hệ thống các trạm cấp nước đang quản lý khai thác, đáp ứng các mục tiêu cấp nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn gắn kết với xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh.
Hiện toàn tỉnh có 13 doanh nghiệp, hộ tư nhân đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch nông thôn. Một số nhà máy nước có công suất lớn 900m3/ngày - đêm, cung cấp nước sạch cho hơn 2.000 hộ. Các nhà máy nước sinh hoạt ở các đô thị trong tỉnh cũng mở rộng cấp nước sạch cho vùng nông thôn lân cận. Toàn tỉnh có 105 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung đang hoạt động với công suất khai thác thực tế là 112.509m3/ngày - đêm, phục vụ cho 87 xã, thị trấn trên toàn tỉnh.
Trạm cấp nước Hiếu Phụng (Vũng Liêm) có công suất 900 m3/ngày/đêm, cấp nước sinh hoạt cho hơn 1.600 hộ sử dụng. Ảnh: TC.
Trong đó, Trung tâm NS&VSMTNT tỉnh Vĩnh Long được giao quản lý, vận hành khai thác 92 công trình với công suất khai thác thực tế: 95.180 m3/ngày đêm, chiếm 84,6% tổng công suất công trình cấp nước của tỉnh. Các công trình cấp nước do Trung tâm quản lý phục vụ hơn 84% số hộ trong vùng hưởng lợi. Đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ dân nông thôn trên địa bàn tỉnh sử dụng nước sạch qua các trạm cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh là 95,5% (tương đương 213.480/223.565 hộ). Hiện 87/87 xã và 7/7 huyện, thị xã đạt tiêu chí nước sạch và 78/87 xã đạt tiêu chí nước sạch nâng cao trong xây dựng NTM.
Tại Kế hoạch cấp nước an toàn khu vực nông thôn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2023-2027 (UBND tỉnh phê duyệt tháng 5-2023), đặt mục tiêu tỷ lệ hộ dân nông thôn toàn tỉnh sử dụng nước sạch qua các công trình cấp nước tập trung đạt lần lượt là 95% năm 2024 và trên 95,5% năm 2025; duy trì và phát huy 100% công trình cấp nước sạch nông thôn thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn.
Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỷ lệ hộ dân nông thôn toàn tỉnh sử dụng nước sạch qua các công trình cấp nước tập trung phấn đấu đến năm 2030 đạt 97%. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, đến quý I-2024, tỷ lệ hộ dân nông thôn toàn tỉnh sử dụng nước sạch qua các công trình cấp nước tập trung đạt 95,6%, nên tỉnh đã điều chỉnh tăng tỷ lệ này lên 1 điểm % trong Kế hoạch cấp nước an toàn nông thôn, tức năm 2024 đạt 96%, năm 2025 đạt 96,5%.
Năm 2024, Trung tâm NS&VSMTNT có kế hoạch đầu tư hơn 32,6 tỉ đồng để chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp 19 trạm cấp nước sạch; lắp đặt mới 2.500 đồng hồ nước; tổ chức tập huấn cho nhân viên về quản lý, vận hành trạm cấp nước; thực hiện công tác nội, ngoại kiểm chất lượng nước, cấp nước an toàn định kỳ tại 92 trạm cấp nước đang quản lý, khai thác. Ðến cuối tháng 4, tiến độ giải ngân đạt trên 10% kế hoạch.
Trước đó, tháng 2/2023 UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Quyết định số 292/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Vĩnh Long. Theo Quyết định này, tổng danh mục công trình là 44 công trình. Trong đó, chuyển tiếp 01 công trình và khởi công mới 43 công trình. Tổng mức đầu tư: 158.773 triệu đồng. Nguồn vốn thực hiện: Nguồn Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, thời gian thực hiện: 2021-2025.
Theo đó, nguồn vốn sẽ đầu tư các trạm cấp nước, như: Công trình chuyển tiếp (Cải tạo, nâng cấp Khối nhà làm việc và các hạng mục phụ trợ của Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Vĩnh Long) 4.494 triệu đồng; Công trình khởi công mới tổng mức đầu tư 202.400 triệu đồng, trong đó, vốn ngân sách địa tỉnh 25.800 triệu đồng, Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường 174.820 triệu đồng.
47 công trình khởi công mới là: Duy tu, cải tạo trạm cấp nước Long Phước 2, xã Long Phước, huyện Long Hồ; Cải tạo, mở rộng trạm cấp nước Tân Hạnh 2, xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ; Cải tạo, mở rộng tuyến ống trạm cấp nước Long Phước 1, xã Long Phước, huyện Long Hồ; Cải tạo, mở rộng trạm cấp nước Bình Phước 2, xã Bình Phước, huyện Mang Thít; Cải tạo, mở rộng tuyến ống trạm cấp nước xã Hòa Lộc, huyện Tam Bình; Cải tạo, mở rộng tuyến ống trạm cấp nước xã Tân Lộc, huyện Tam Bình; Cải tạo, mở rộng trạm cấp nước xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình; Cải tạo, mở rộng trạm cấp nước Mỹ An 2, xã Mỹ An, huyện Mang Thít; Nâng cấp, mở rộng tuyến ống trạm cấp nước xã Trung Nghĩa, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long; Mở rộng tuyến ống trạm cấp nước Trung Ngãi 2, xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm; Hệ thống cấp nước tập trung liên xã Tân An Luông 2, huyện Vũng Liêm; Hệ thống cấp nước tập trung liên xã Phú Đức 3, huyện Long Hồ; Nâng cấp công suất trạm cấp nước xã Mỹ Thuận, huyện Bình Tân; Nâng công suất trạm cấp nước xã Thành Trung, huyện Bình Tân; Nâng cấp công suất trạm cấp nước xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long;
Nâng cấp, mở rộng trạm cấp nước xã Tân Hưng, huyện Bình Tân; Nâng cấp, mở rộng trạm cấp nước Long Phước 1, xã Long Phước; Nâng cấp, mở rộng trạm cấp nước xã Hòa Bình, huyện Trà Ôn; Nâng cấp, mở rộng trạm cấp nước Tân Hạnh 2, xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ; Nâng cấp, mở rộng trạm cấp nước xã Trà Côn, huyện Trà Ôn; Nâng cấp, mở rộng trạm cấp nước xã Thới Hòa, huyện Trà Ôn; Nâng cấp, mở rộng trạm cấp nước Mỹ An 2, xã Mỹ An, huyện Mang Thít; Nâng cấp, mở rộng trạm cấp nước Long An 2, xã Long An, huyện Long Hồ; Nâng cấp, mở rộng trạm cấp nước Long Phú 1, xã Long Phú, huyện Tam Bình.
Nâng cấp, mở rộng trạm cấp nước xã Bình Ninh, huyện Tam Bình; Nâng cấp, mở rộng trạm cấp nước Trung Ngãi 1, xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm; Nâng cấp, mở rộng trạm cấp nước Chánh Hội 1, xã Chánh Hội, huyện Mang Thít; Nâng cấp, mở rộng trạm cấp nước xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh; Nâng cấp, mở rộng tuyến ống trạm cấp nước xã Đồng Phú, huyện Long Hồ; Hệ thống cấp nước tập trung liên xã An Bình, 2 huyện Long Hồ; Nâng cấp công suất trạm cấp nước Phước Hậu 1, xã Phước Hậu, huyện Long Hồ; Hệ thống cấp nước tập trung liên xã Mỹ An 3, huyện Mang Thít.
Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Vĩnh Long sẽ nâng cấp, mở rộng nhiều trạm cấp nước, đảm bảo nước sạch cho người dân khu vực nông thôn.
Nhiệm vụ cấp nước sạch nông thôn trong chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 được Chính phủ hết sức quan tâm. Ðể nâng cao hơn nữa chất lượng sống của người dân vùng nông thôn, giải quyết triệt để những bệnh lý thông thường do sử dụng nguồn nước chưa đạt chuẩn, ngày 8/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 318/QÐ-TTg về Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM và NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025, trong đó nhấn mạnh và nâng chỉ tiêu tỉ lệ người dân nông thôn được dùng nước sạch đạt quy chuẩn.
Tháng 8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 925/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Trong đó, nhiệm vụ cấp nước sạch nông thôn trong chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 tập trung rà soát, điều chỉnh và cập nhật nội dung cấp nước sạch nông thôn vào quy hoạch nông thôn, đảm bảo cấp nước sinh hoạt nông thôn bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, suy thoái nguồn nước; Hỗ trợ đầu tư một số mô hình cấp nước sạch tại các vùng đặc thù, vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước (vùng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ, ngập lụt, úng, vùng sâu, vùng xa, miền núi, bãi ngang ven biển, biên giới, hải đảo);
Sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng công trình cấp nước sạch tập trung đã có (trong đó tập trung nâng cấp công nghệ xử lý chất lượng nước, nâng công suất, mở rộng mạng lưới cấp nước, ổn định nguồn nước khai thác trong điều kiện ảnh hưởng của thiên tai và biến đổi khí hậu; Xây dựng và triển khai thí điểm một số mô hình thu, xử lý và trữ nước an toàn hộ gia đình hoặc nhóm hộ gia đình, mô hình cấp nước hộ gia đình thích ứng với biến đổi khí hậu cho dân cư vùng đặc thù, chưa có khả năng tiếp cận với cấp nước tập trung, khan hiếm, khó khăn về nguồn nước…
Theo Văn phòng Điều phối NTM Trung ương, mục tiêu tổng thể của Chiến lược là đảm bảo người dân nông thôn được quyền tiếp cận sử dụng dịch vụ cấp nước sạch công bằng, thuận lợi, an toàn với chi phí hợp lý; đảm bảo vệ sinh hộ gia đình và khu vực công cộng, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh; bảo vệ sức khỏe, giảm các bệnh liên quan đến nước và vệ sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân nông thôn, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, góp phần xây dựng NTM;
Phấn đấu đến năm 2030 có 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày. Đến năm 2045, phấn đấu 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch và vệ sinh an toàn, bền vững. Chương trình xây dựng NTM quy định để các xã đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu, thì tiêu chí “chất lượng môi trường sống” là rất quan trọng. Muốn hoàn thiện tiêu chí này, các xã phải bảo đảm được tỉ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung. Thực hiện xây dựng NTM, hiện nay hầu hết các huyện ngoại thành của Hà Nội đã đầu tư hạ tầng, cấp nước sạch đồng bộ cho các xã, thay thế việc sử dụng nước giếng khoan bị ô nhiễm hay các bể nước mưa không đảm bảo vệ sinh.
Hồng Hạnh
Bình luận