Hotline: 0941068156

Thứ tư, 16/04/2025 08:04

Tin nóng

P4G – Dịp để Việt Nam khẳng định cam kết chuyển đổi xanh, phát triển bền vững

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam

Những nổi bật trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc

Trung ương thống nhất cả nước có 34 tỉnh, thành phố sau sáp nhập

Gần 150 cây cổ thụ đủ tiêu chuẩn công nhận Cây Di sản Việt Nam

Việt Nam – Tây Ban Nha: Hướng đến quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện

Quảng Nam: Găng néo gần 700 năm tuổi được công nhận Cây di sản Việt Nam

Công trình, nhà ở khu vực vùng núi cần tính toán tác động thiên tai

TP. HCM đón hơn 8 triệu lượt khách du lịch trong 3 tháng đầu năm 2025

Dự kiến trước tháng 6/2025 sẽ thí điểm triển khai sàn giao dịch carbon

Nhiều cổ thụ từ 250 - 800 năm tuổi ở Phú Quốc được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Nhiều dự án bất động sản ở Hà Nội trong diện kiểm toán

Động đất ở Myanmar: Ghi nhận hơn 1.000 người thiệt mạng, thế giới cam kết sát cánh

Việt Nam và Brazil hướng đến mục tiêu kim ngạch thương mại đạt 15 tỷ USD

Động đất 7,7 độ rung chuyển Myanmar, Hà Nội và TP. HCM bị rung lắc

Việt Nam – Brazil: Thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ trong các lĩnh vực thế mạnh

Tổng thống Brazil thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam

Việt Nam và Singapore: Nhiều thuận lợi mở rộng hợp tác an ninh lương thực

Hà Nội triển khai quyết liệt các giải pháp chặn gia tăng ô nhiễm

Việt Nam – Singapore: Tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực then chốt

Thứ tư, 16/04/2025

Việt Nam – Trung Quốc: Đẩy mạnh hợp tác phát triển lực lượng sản xuất mới

Thứ ba, 15/04/2025 09:04

TMO – Việt Nam và Trung Quốc nhất trí duy trì giao lưu cấp cao thường xuyên, nâng cấp cơ chế Đối thoại chiến lược giữa các Bộ Ngoại giao - Quốc phòng - Công an lên cấp Bộ trưởng; tăng cường hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, thành lập Ủy ban hợp tác đường sắt giữa hai Chính phủ để thúc đẩy hợp tác đường sắt; tổ chức tốt các hoạt động của “Năm giao lưu nhân văn Trung Quốc - Việt Nam 2025”, củng cố nền tảng xã hội; phối hợp đa phương chặt chẽ hơn; kiểm soát và giải quyết thỏa đáng bất đồng.

Tại cuộc hồi đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chiều 14/4, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị hai bên duy trì thường xuyên trao đổi chiến lược, tăng cường hợp tác hai Đảng và trong các lĩnh vực trọng yếu, thường xuyên là ngoại giao, quốc phòng, an ninh; thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông chiến lược, dành những ưu đãi tốt nhất về vốn vay ưu đãi, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, nỗ lực cao nhất trong triển khai để bảo đảm tiến độ dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Hai nhà lãnh đạo đề cập nhiều nội dung quan trọng nhằm nâng cao quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại. 

Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị hai bên thúc đẩy hợp tác chuyển đổi số, khoa học công nghệ trở thành “điểm sáng” mới trong quan hệ Việt - Trung, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghệ then chốt; thúc đẩy thương mại cân bằng hơn, đầu tư chất lượng cao hơn, chú trọng triển khai tại Việt Nam các dự án, công trình lớn, tiêu biểu, hỗ trợ Hà Nội và các đô thị lớn giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường không khí. Tổng Bí thư cũng mong muốn, hai bên củng cố nền tảng xã hội vững chắc, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hai nước về truyền thống hữu nghị tốt đẹp Việt - Trung; tổ chức Hội thảo Lý luận giữa hai Đảng trong năm nay; đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao trên mọi lĩnh vực, bao gồm các ngành khoa học cơ bản và các ngành nghề chiến lược mới về công nghệ cao, phục vụ hiệu quả quá trình xây dựng lực lượng sản xuất chất lượng mới; khuyến khích ngày càng nhiều du khách sang du lịch ở nước bên kia.

Tổng Bí thư Tô Lâm hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: QH

Tán thành và đánh giá cao các đề xuất của Tổng Bí thư Tô Lâm, Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình đề nghị hai bên kiên trì làm sâu sắc hơn tin cậy chiến lược, đi sâu trao đổi kinh nghiệm quản lý đất nước, làm phong phú thêm lý luận và thực tiễn xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy vững chắc sự nghiệp xã hội chủ nghĩa của hai nước; thực hiện tốt hợp tác kết nối giữa Sáng kiến “Vành đai và Con đường” với Khuôn khổ “Hai hành lang, Một vành đai”; hoan nghênh càng nhiều hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường rộng lớn của Trung Quốc, khuyến khích càng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam đầu tư; tăng cường hợp tác chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng, mở rộng hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao như 5G, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, chíp bán dẫn, phát triển xanh, chuyển sáng tạo khoa học công nghệ thành sức sản xuất thực chất; triển khai giao lưu nhân văn phong phú và đa dạng, tổ chức các hoạt động giao lưu hữu nghị, kể tốt hơn câu chuyện về tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Trong 3 năm tới, Trung Quốc mời thanh niên Việt Nam tham gia Hành trình Đỏ nghiên cứu về lịch sử cách mạng hai nước.

Trao đổi về hợp tác tại các diễn đàn đa phương, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mong muốn hai bên tăng cường hợp tác tư pháp, thực thi pháp luật trong khuôn khổ hợp tác Mekong – Lan Thương. Lãnh đạo cấp cao hai bên nhất trí chỉ đạo các ngành, các cấp tích cực tìm kiếm các phương thức, biện pháp hiệu quả để giải quyết thỏa đáng bất đồng, thúc đẩy hợp tác phù hợp với tầm mức mới của quan hệ Việt - Trung trên cơ sở luật pháp quốc tế; tuân thủ nghiêm túc đồng thuận giữa ASEAN với Trung Quốc trong việc thực hiện DOC và thúc đẩy đạt được COC thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tại cuộc hội kiến, Thủ tướng Chính phủ mong muốn hai bên nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, trong đó, dành ưu tiên cao cho hợp tác đường sắt, nhất là về tín dụng, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, sớm ký Hiệp định vay vốn ODA để kịp khởi công xây dựng tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trong năm 2025 và tiếp theo là các tuyến đường sắt Đồng Đăng - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng; thúc đẩy thương mại phát triển cân bằng, bền vững, tạo điều kiện cho nông sản và các mặt hàng khác của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc; đẩy mạnh hợp tác phát triển lực lượng sản xuất mới, trọng tâm là khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; sớm có các dự án lớn mang tính biểu tượng của quan hệ hai nước tại Việt Nam; tạo điểm sáng mới về hợp tác tài nguyên môi trường, tài chính tiền tệ; làm sâu sắc hơn nữa hợp tác văn hóa, giáo dục, du lịch, hàng không; tăng cường trao đổi, phối hợp tại các khuôn khổ đa phương.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: QH

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hoan nghênh và đánh giá cao những ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính về các biện pháp tăng cường quan hệ hai Đảng, hai nước, mong muốn hai bên phát huy tốt các cơ chế trao đổi, nhất là Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương; hợp tác trên kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội, giữa các bộ, ngành chủ chốt như ngoại giao - quốc phòng - công an; nắm chắc cơ hội của sự phát triển trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, tận dụng khoảng cách địa lý gần gũi giữa hai nước để khai thác tiềm năng hợp tác kinh tế và phát triển các ngành nghề; tích cực thúc đẩy cơ chế hợp tác đường sắt giữa hai nước; khẳng định Trung Quốc sẵn sàng mở rộng nhập khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam, ủng hộ doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường đầu tư chất lượng cao tại Việt Nam; đề nghị hai bên tổ chức tốt các hoạt động trong khuôn khổ Năm giao lưu nhân văn Việt - Trung; triển khai các tuyến du lịch Hành trình Đỏ, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, y tế để đem lại lợi ích tiết thực cho nhân dân hai nước; đề nghị các bộ, ngành hai bên chủ động, tích cực triển khai các dự án hợp tác; kiểm soát thỏa đáng bất đồng theo nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao, thúc đẩy hợp tác trên biển, cùng duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.

Trước đó, trưa ngày 14/4, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước tới Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường. Chuyến thăm diễn ra trong hai ngày 14 và 15/4.

Chuyến thăm là sự kiện chính trị đối ngoại quan trọng của hai Đảng, hai nước, có ý nghĩa chiến lược, tác động lâu dài đến sự phát triển của quan hệ Việt - Trung trong bối cảnh hai nước đều đang bước vào kỷ nguyên mới, thời đại phát triển mới. Đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ tư của ông Tập Cận Bình trên cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước Trung Quốc và là chuyến thăm lần thứ hai trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc; đặc biệt là diễn ra trong “Năm giao lưu nhân văn”, kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc (1950 - 2025).

Thời gian qua, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc không ngừng tăng trưởng. Theo số liệu năm 2024, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 205,2 tỷ USD, lần đầu tiên vượt mốc 200 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 61,2 tỷ USD, giảm nhẹ so với năm 2023, trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc tăng mạnh, đạt 144 tỷ USD, tăng 30,1% so với năm trước. Mặc dù cán cân thương mại giữa hai nước chưa cân bằng, nhưng con số này vẫn cho thấy mối quan hệ thương mại ngày càng mở rộng và đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam.

Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều mặt hàng chủ lực như nông sản (gạo, cà phê, hạt điều, trái cây...), thủy sản, linh kiện điện tử, dệt may, cao su và dầu thô. Đặc biệt, nông sản Việt Nam có lợi thế lớn tại thị trường Trung Quốc nhờ vào sự gần gũi về địa lý và nhu cầu tiêu dùng cao. Sản phẩm như sầu riêng, thanh long, xoài, chanh leo đã có chỗ đứng vững chắc và tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2024. Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc các mặt hàng như máy móc, thiết bị công nghiệp, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, hàng tiêu dùng và linh kiện điện tử. Sự đa dạng trong cơ cấu hàng hóa giữa hai nước giúp tận dụng được lợi thế so sánh của từng bên, góp phần vào sự phát triển kinh tế chung.

Bên cạnh thương mại truyền thống, thương mại điện tử giữa hai nước cũng phát triển nhanh chóng. Các nền tảng thương mại điện tử đang trở thành kênh quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Trung Quốc. Đặc biệt, các sản phẩm nông sản Việt Nam như sầu riêng, chanh leo, vải thiều đã được xuất khẩu mạnh mẽ sang Trung Quốc thông qua các kênh trực tuyến, mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào thị trường tiêu dùng rộng lớn này.

Cơ sở hạ tầng giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng được nâng cấp để phục vụ nhu cầu thương mại song phương. Các tuyến đường cao tốc, hệ thống cửa khẩu, đường sắt liên vận và cảng biển đang được đầu tư mở rộng, giúp giảm chi phí vận chuyển và tăng cường khả năng lưu thông hàng hóa. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy xuất nhập khẩu giữa hai nước, đảm bảo hàng hóa được luân chuyển nhanh chóng và hiệu quả hơn.

 

 

TÚ QUYÊN

 

 

 

 

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

Bình luận

    Bình luận của bạn

    cmt
      Web đang chạy kỹ thuật
      Zalo phone Hotline