Hotline: 0941068156
Thứ ba, 26/11/2024 17:11
Thứ ba, 14/11/2023 20:11
TMO – Nhiều ý kiến cho rằng, Quy định về chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EU) cũng là cơ hội để Việt Nam cấu trúc lại các ngành hàng liên quan tới rừng và lâm nghiệp như cà phê, cao su su, gỗ và các sản phẩm từ gỗ.
Hồi tháng 5/2023, Liên minh châu Âu thông qua Quy định chống phá rừng với mục đích nhằm giải quyết tình trạng phá rừng; suy thoái rừng, bảo tồn rừng để giảm lượng khí thải carbon và mất đa dạng sinh học. Quy định này sẽ có hiệu lực từ ngày 30/12/2024. Theo Quy định của EU, phạm vi hàng hóa sản xuất chịu áp dụng gồm: gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành, gỗ và một số sản phẩm có nguồn gốc từ chúng, chẳng hạn như da, sô cô la, lốp xe, hoặc đồ nội thất.
Theo Quy định, bất kỳ nhà khai thác hoặc thương nhân nào đưa các mặt hàng này vào thị trường EU hoặc xuất khẩu từ thị trường này có khả năng phải chứng minh rằng các sản phẩm không có nguồn gốc từ đất rừng bị phá gần đây hoặc góp phần làm suy thoái rừng.
(Ảnh minh họa)
Việt Nam thích ứng thế nào?
Để thích ứng với những quy định trên của EU, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, Việt Nam chủ động thích ứng với những thay đối, trong đó có quy định mới của EU về chống phá rừng và suy thoái rừng. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam cấu trúc lại các ngành hàng liên quan tới rừng và lâm nghiệp như cà phê, cao su su, gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Chống phá rừng và suy thoái rừng không chỉ là quy định của EU mà đây là xu thế của thế giới trong tăng trưởng Xanh, hướng tới nền kinh tế nói chung, nông nghiệp nói riêng minh bạch, trách nhiệm và phát triển bền vững. Việt Nam mong muốn sẽ là đối tác đồng hành cùng EU thực thi EUDR một cách tích cực và hiệu quả.
Còn nhớ, hôm 4/11, phát biểu trong Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động thích ứng với Quy định chống phá rừng của EU, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Mỗi sự thay đổi đều có những khó khăn nhưng nếu không thay đổi thì còn khó khăn hơn nữa, các hiệp hội ngành hàng đều hiểu được điều đó. Thành công hay không là nhờ vào việc chúng ta có tư duy và hành động hệ thống, hệ thống càng rộng theo chiều ngang, càng dài theo chiều dọc cần phải có tư duy gắn kết giữa Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành; giữa Việt Nam với các đối tác quốc tế; giữa trung ương với các địa phương, giữa hai tác nhân rất lớn là doanh nghiệp và cộng đồng người dân sản xuất những mặt hàng liên quan đến quy định này".
Theo các chuyên gia, Việt Nam cần đẩy mạnh truyền thông để các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân hiểu rõ quy định mới về chống phá rừng, suy thoái rừng khi sản xuất, kinh doanh xuất khẩu nông sản, đồng thời phân định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương và người dân trong phối hợp thực hiện. Phải có sự hợp tác giữa các bên giữa khu vực công và khu vực tư nhân; từ trung ương xuống địa phương cũng như giữa các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và hộ nông dân, hợp tác xã cùng với hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Xây dựng kế hoạch hành động, tuyên truyền cũng như vận động nông dân với các giải pháp về kỹ thuật và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về vườn trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng như chuẩn bị giải pháp ứng phó rủi ro phát sinh.
Một số chuyên gia cho rằng, để hỗ trợ nông nghiệp Việt Nam không gây mất rừng, minh bạch và bền vững, thích ứng với yêu cầu của Quy định chống phá rừng cần gói giải pháp đáp ứng với Quy định chống phá rừng và gói giải pháp giảm thiểu rủi ro. Với giải pháp đáp ứng với Quy định chống phá rừng, cần có hệ thống thông tin rừng, hệ thống thông tin vùng sản xuất, vấn đề pháp lý trong sử dụng đất và áp dụng truy xuất nguồn gốc. Giảm thiểu rủi ro mất rừng là giải pháp quan trọng. Theo đó, sẽ chứng minh sản phẩm cà phê, cao su Việt Nam 100% đáp ứng yêu cầu không gây mất rừng, suy thoái rừng. Như vậy, Việt Nam cần đối thoại với EU để chuyển Việt Nam sang mức rủi ro thấp, từ đó giảm mức độ yêu cầu; giảm mức độ yêu cầu về truy xuất nguồn gốc; đạt được tác động bảo vệ và tái sinh rừng, đảm bảo an sinh xã hội.
Với ngành hàng cao su, Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết, năm 2014 diện tích cao su khoảng 980.000 ha. Do giá cao su từ năm 2014 xuống thấp, nên một số diện tích cao su đã chuyển sang cây trồng khác hoặc mục đích khác, đến nay diện tích cao su khoảng 920.000 ha. Nếu tính từ năm 2020, cao su Việt Nam không có trồng mới, chỉ có diện tích tái canh của đại điền và mỗi năm từ 15.000-20.000 ha. Đối với ngành cao su, rủi ro với quy định của Quy định chống phá rừng là rất thấp, nhất là từ năm 2017 Việt Nam đã có những quy định về chuyển đổi đất rừng.
Tương tự, với ngành hàng cà phê, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam cho biết cho biết, Việt Nam có khoảng 700.000 ha cà phê, nhưng chỉ có 30.000 ha là thuộc các công ty nhà nước. Trong khi đó, cà phê được trồng không tập trung như cao su, chủ yếu nông hộ nên việc truy xuất nguồn gốc rất khó khăn. Do đó, phải xác định thời điểm 31/12/2020 có diện tích trồng cà phê trên đất rừng hay không, nếu có thì xử lý thế nào? Việc truy xuất nguồn gốc tại vườn phải có hợp tác công tư (PPP), đặc biệt là sự hỗ trợ của doanh nghiệp, bởi chi phí thực hiện sẽ rất cao.
THANH BÌNH
Bình luận