Hotline: 0941068156
Thứ ba, 26/11/2024 18:11
Thứ ba, 28/11/2023 08:11
TMO - Các quốc gia thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm đánh giá cao Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo vệ 08 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới hiện có, đồng thời đang xây dựng các hồ sơ mới, qua đó góp phần làm giàu thêm bức tranh đa dạng văn hóa nhân loại.
Trong khuôn khổ Kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 24 các quốc gia thành viên Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (Công ước Di sản Thế giới) tại Pháp, Việt Nam đã trúng cử trở thành thành viên của Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027. Đây là lần thứ 2 Việt Nam đảm nhận vai trò tại cơ quan điều hành then chốt nhất về văn hóa của Tổ chức UNESCO.
Việc trúng cử với số phiếu cao cũng thể hiện uy tín của ta trên trường quốc tế, sự tin tưởng, ủng hộ của cộng đồng quốc tế với khả năng đóng góp và năng lực điều hành của ta tại các thể chế đa phương toàn cầu; ghi nhận đóng góp thiết thực của ta trong quan hệ với UNESCO, trong gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản ở Việt Nam, trên thế giới.
Quần thể vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và quần đảo Cát Bà (Hải Phòng). Ảnh: LÝ LAN
Theo các chuyên gia, Việt Nam có cơ hội tiếp tục đóng góp một cách chủ động, tích cực hơn trong các chương trình, định hướng lớn của UNESCO nói chung và về văn hóa nói riêng, nâng nhận thức về tầm quan trọng của di sản vì đây không chỉ là nguồn lực thiết yếu cho đa dạng văn hóa, sáng tạo, đối thoại giữa các nền văn hóa và gắn kết xã hội mà còn là động lực cho hòa bình, tự cường và phát triển bền vững. Với tư cách là thành viên Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023-2027, Việt Nam sẽ có điều kiện thuận lợi để đóng góp hơn nữa cho việc hoàn thiện, thực hiện các mục tiêu và ưu tiên của Công ước Di sản thế giới, chia sẻ các kinh nghiệm trong xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển các di sản thế giới tại Việt Nam.
Việt Nam hiện có 9 Di sản thế giới được UNESCO công nhận, trong đó có 3 di sản thiên nhiên, 5 di sản văn hóa và 1 di sản hỗn hợp. Cụ thể gồm: Di sản Thiên nhiên vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) 2 lần được UNESCO công nhận (lần đầu vào năm 1994); Quần thể di tích Cố đô Huế (tỉnh Thừa Thiên – Huế) được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa năm 1993; Đô thị cổ Hội An và Khu di tích Mỹ Sơn (cả 2 đều thuộc tỉnh Quảng Nam) được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa thế giới năm 1999; Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình) hai lần được UNESCO vinh danh (lần đầu vào năm 2003)
Quần thể Tràng An (tỉnh Ninh Bình) được UNESCO công nhận là Di sản hỗn hợp (Văn hóa và Thiên nhiên) thế giới năm 2014; Thành nhà Hồ (tỉnh Thanh Hóa) được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa thế giới năm 2011; Hoàng thành Thăng Long (TP. Hà Nội) được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa thế giới vào năm 2010 và Quần thể vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà (Quảng Ninh – Hải Phòng) được UNESCO công nhận Di sản Thiên nhiên vào tháng 9/2023.
LÝ LAN
Bình luận