Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 17:11
Thứ năm, 16/03/2023 10:03
TMO – Tốc độ tăng trưởng của ngành dịch vụ sẽ ở mức vừa phải khi các tác động từ hậu đại dịch Covid-19 đang giảm dần.
Theo báo cáo Điểm lại của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa được công bố mới đây, trong năm 2023, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo đạt 6,3% và còn nhiều dư địa để thúc đẩy phát triển.
Theo phân tích của WB, kinh tế Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ vào năm 2022, với mức tăng trưởng đạt 8%, vượt mức trung bình 7,1% trong giai đoạn 2016-2019. Sự tăng trưởng này một phần là do hiệu ứng cơ sở thấp, được thúc đẩy bởi phục hồi của tiêu dùng cá nhân trong nước sau đại dịch Covid-19 và hoạt động mạnh mẽ trong sản xuất định hướng xuất khẩu.
Việt Nam là một trong những quốc gia khu vực Đông Nam Á mở cửa du lịch sớm nhất sau đại dịch Covid-19. Ảnh minh hoạ
Do tác động trong nước và bên ngoài, tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến sẽ chậm lại ở mức 6,3% vào năm 2023. Tốc độ tăng trưởng của ngành dịch vụ sẽ ở mức vừa phải khi các tác động từ hậu Covid-19 giảm dần. Động lực tăng trưởng chính sẽ là nhu cầu trong nước, có thể bị ảnh hưởng bởi lạm phát ước tính cao hơn (trung bình 4,5%) vào năm 2023. Với nhu cầu bên ngoài yếu hơn, đóng góp của xuất khẩu ròng sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng. Nền kinh tế dự kiến sẽ được hưởng lợi việc thực hiện một phần Chương trình hỗ trợ kinh tế 2022-2023. Một chính sách tiền tệ linh hoạt—phối hợp chặt chẽ với các mục tiêu của chính sách tài khóa—sẽ giúp kiểm soát lạm phát trong nước.
Theo giới chuyên gia, rủi ro với triển vọng tăng trưởng nhìn chung cân bằng. Tăng trưởng yếu hơn dự kiến tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là Mỹ, Trung Quốc và khu vực đồng tiền chung châu Âu - có thể ảnh hưởng đến triển vọng xuất khẩu. Khả năng lạm phát cao hơn có thể ảnh hưởng đến nhu cầu trong nước. Việc thắt chặt hơn nữa các điều kiện tài chính toàn cầu có thể ảnh hưởng đến lĩnh vực tài chính của Việt Nam, vốn đang gặp phải những điểm yếu trong cân đối kế toán ở khu vực doanh nghiệp, ngân hàng và hộ gia đình, ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư, người tiêu dùng trong nước và do những cải cách chưa hoàn thiện. Những thách thức trong quá trình thực hiện cũng có thể cản trở việc thực hiện chương trình đầu tư công theo kế hoạch. Mặt khác, triển vọng tăng trưởng được cải thiện ở Trung Quốc, Mỹ hoặc EU và nhu cầu toàn cầu mạnh hơn dự kiến có thể giúp tăng xuất khẩu và do đó tăng trưởng cao hơn dự báo cơ sở.
Báo cáo của WB cũng chỉ ra 4 nội dung cải cách có thể giúp mở ra tiềm năng để khu vực này đem lại thêm nhiều việc làm và tạo thêm nhiều giá trị gia tăng. Để có thể hoàn thành mục tiêu trở thành nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần khai thác hiệu quả hơn nữa khu vực dịch vụ đa dạng để duy trì tăng trưởng năng suất bền vững. Điều đó bao hàm phải thực hiện những cải cách nhằm nâng cao năng suất khu vực dịch vụ và đóng góp liên ngành để phục vụ tăng trưởng năng suất trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo chế biến và nông nghiệp.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, kết quả đạt được của Việt Nam trong khu vực dịch vụ còn chưa bắt nhịp được với các quốc gia như Malaysia, Philippines và Indonesia. Kim ngạch xuất khẩu của những lĩnh vực dịch vụ giàu hàm lượng tri thức và đòi hỏi kỹ năng cao, được gọi là "dịch vụ đổi mới sáng tạo toàn cầu", chỉ chiếm 9% tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ. Trong khi, các lĩnh vực đó chỉ đóng góp 6,4% việc làm trong toàn khu vực dịch vụ, bao gồm công nghệ thông tin-truyền thông, tài chính và dịch vụ hành nghề chuyên môn, là những lĩnh vực dịch vụ có năng suất cao nhất trong nền kinh tế.
Do đó, để đẩy nhanh tăng trưởng trong khu vực này, Việt Nam cần cân nhắc các giải pháp như: Xóa bỏ rào cản về thương mại và đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này và triển khai cải cách để đẩy mạnh cạnh tranh cũng như khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp trong nước; khuyến khích áp dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo từng bước về sản phẩm và quy trình; tăng cường năng lực và kỹ năng làm việc cho cả người lao động và cán bộ quản lý; tập trung vào những dịch vụ có khả năng thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa ở những ngành, lĩnh vực khác, cụ thể là các lĩnh vực chế tạo chế biến. Ngoài ra, các chuyên gia của WB cũng khuyến nghị Việt Nam cần quan tâm xu hướng tiêu dùng tại các nước châu Âu, Hoa Kỳ, chú ý dấu vết carbon các hàng xuất khẩu phải thấp. Do đó, hàng sản xuất trong các nhà máy sử dụng năng lượng tái tạo sẽ cần được ưu tiên hơn là sử dụng nhiệt điện.
Lan Hương
Bình luận