Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 14:11
Chủ nhật, 26/02/2023 21:02
TMO - Cây xanh đô thị và rừng đóng vai trò lưu giữ và hấp thụ lượng lớn carbon thải ra khí quyển. Do đó, việc không ngừng tăng độ che phủ rừng và diện tích cây xanh cho thấy Việt Nam đang tích cực thực hiện cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất của nhân loại, gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu, nước biển dâng và các hiện tượng thời tiết cực đoan, đe doạ trực tiếp tới cuộc sống sinh hoạt của con người, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia. Thực tại đáng lo ngại đó đã buộc các quốc gia phải có những hành động mạnh mẽ, cùng đoàn kết để giải quyết những thách thức chung của toàn cầu về chống biến đổi khí hậu.
Cây xanh đóng vai trò quan trọng trong ứng phó biến đổi khí hậu.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã cam kết giảm phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, ủng hộ những tuyên bố và sáng kiến quan trọng về bảo vệ rừng tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26); "Cam kết đi đôi với hành động" tại COP27. Đồng thời, Việt Nam cũng là quốc gia điển hình, tích cực hưởng ứng "Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái" do Liên Hợp Quốc phát động.
Trong quá trình thực hiện các cam kết mục tiêu nói trên, cây xanh đô thị và rừng đóng vai trò rất quan trọng. Theo đó, cây xanh có thể lưu giữ và hấp thụ lượng lớn carbon thải ra khí quyển. Tại Việt Nam, theo thống kê, độ che phủ rừng đã tăng từ 28% vào năm 1990 lên trên 42% vào năm 2022. Hệ thống cây xanh đã hấp thụ được trên 70 triệu tấn carbon. Đây là bằng chứng sinh động nhất cho thấy Việt Nam là quốc gia tích cực, tham gia có trách nhiệm để góp phần thực thi hiệu quả các cam kết quốc tế về chống biến đổi khí hậu.
Trong những năm qua, nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã khởi xướng và tham gia tích cực nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực, như: Trồng cây, phát triển hệ thống cây xanh, hỗ trợ sinh kế cho người dân; truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu… các hoạt động này đã đạt hiệu quả và tạo sức lan tỏa trên phạm vi cả nước.
Theo các chuyên gia, để tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm từng bước đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 như đã cam kết, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt cần tiếp tục phát triển, gia tăng mảng xanh ở cả khu vực đồng bằng, trung du và vùng núi. Các chuyên gia cho rằng, cần vận động các doanh nghiệp, các tổ chức vào cuộc, coi đây là trách nhiệm đóng góp của doanh nghiệp với cộng đồng.
Quốc Dũng
Bình luận