Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 07:11
Thứ năm, 02/06/2022 15:06
TMO – Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường tỉnh Phú Thọ vừa có đề xuất về giải pháp bảo tồn cây cổ thụ có giá trị, đặc biệt là cây cổ thụ đã được công nhận Cây Di sản Việt Nam.
Theo đó, trong chuyến công tác tại tỉnh Phú Thọ, lãnh đạo Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) đã tham dự hội thảo “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp bảo tồn cây cổ thụ có giá trị” do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường tỉnh Phú Thọ tổ chức.
Tại đây, TS. Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch VACNE và GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh – Anh hùng đa dạng sinh học Asean, Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam đánh giá cao những cố gắng của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường tỉnh Phú Thọ cùng các cơ quan chức năng địa phương trong hoạt động khảo sát phát hiện, vinh danh bảo tồn Cây Di sản, đặc biệt là sáng kiến xây dựng đề tài “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp bảo tồn cây cổ thụ có giá trị”. Đây là việc làm rất cần thiết, cấp bách và có nhiều ý nghĩa to lớn. Hoạt động này không chỉ trực tiếp bảo vệ, kéo dài tuổi thọ cho những cây cổ thụ, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, mà còn góp phần bảo tồn những di sản văn hoá, lịch sử và thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương.
Các chuyên gia khảo sát cây cổ thụ tại Phú Thọ.
Theo TS. Bùi Phúc Khánh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường tỉnh Phú Thọ, đây là hoạt động nhằm huy động sức mạnh cộng đồng cùng chung tay bảo vệ môi trường, kéo dài tuổi thọ cho những cây di sản quý hiếm của ông cha để lại cho con cháu. Bởi hiện nay, đã có hơn mười cây, trong tổng số gần 100 Cây Di sản Việt Nam trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã bị chết do già cỗi, nhiều cây khác đang bị sâu bệnh.
TS Khánh cho rằng, ngoài những nguyên nhân bất khả kháng như: cây quá lâu năm già yếu, bị gãy đổ do dông sét, còn có nhiều yếu tố tác động do con người, gây tổn hại cho cây. Vì thế, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường tỉnh Phú Thọ đã xây dựng kế hoạch khảo sát và sau đó triển khai hình thành tổ chức tại cơ sở, với những định chế, cam kết và phân công trách nhiệm bảo vệ (an ninh, an toàn), chăm sóc (phòng trừ sâu bệnh, bón phân, cắt tỉa…) cụ thể cho từng cây. Những hoạt động này hoàn toàn dựa vào sự đóng góp và giám sát của cộng đồng; dưới sự hướng của chuyên gia, các cơ quan chức năng và tổ chức xã hội địa phương.
Sau khi khảo sát, lập phiếu điều tra về tình trạng sức khỏe và môi trường sống của từng cây, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường tỉnh Phú Thọ phối hợp với chính quyền cơ sở (xã, phường) xây dựng nội dung, kế hoạch bảo vệ, chăm sóc cụ thể cho cây nhanh phục hồi và phát triển. Những hoạt động này, hoàn toàn dựa vào nguồn lực đóng góp của cộng đồng, theo phương thức: tự nguyện, công khai, minh bạch, hiệu quả.
Cụ thể, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường tỉnh Phú Thọ phối hợp với chính quyền, các đoàn thể của địa phương tổ chức họp, lấy ý kiến của cộng đồng. Trên cơ sở ý kiến thống nhất của tập thể cộng đồng, chính quyền xã (phường) mới ra quyết định thành lập Ban quản lý, bảo vệ và chăm sóc Cây Di sản. Mọi hoạt động của tổ chức này đều nằm trong khuôn khổ những điều khoản trong Quy ước kèm theo Quyết định thành lập của chính quyền sở tại.
Phạm Dung
Bình luận