Hotline: 0941068156
Thứ hai, 05/05/2025 20:05
Thứ hai, 05/05/2025 12:05
TMO - Ủy ban châu Âu (EC) đề nghị Việt Nam gửi báo cáo tiến độ khắc phục tồn tại gỡ "thẻ vàng" về Chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) trước 15/9 và sẽ thực hiện đợt thanh tra lần 5 vào cuối năm 2025.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết mới đây, Tổng vụ các vấn đề hàng hải và thủy sản của Ủy ban châu Âu (DG-MARE) đã công văn đề nghị Việt Nam gửi báo cáo tiến độ về thực hiện chống đánh bắt IUU trước ngày 15/9/2025 và DG-MARE sẽ thực hiện đợt thanh tra lần thứ 5 vào cuối năm 2025 nếu báo cáo cho thấy sự tiến triển giải quyết các tồn tại.
Theo đó, phía DG-MARE đề nghị Việt Nam cần tập trung khắc phục một số tồn tại trong quản lý và kiểm soát tàu cá, bao gồm kiểm soát hoạt động trên biển và tại cảng, xử lý các hành vi ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình (VMS), vượt ranh giới cho phép khai thác, đặc biệt là tình trạng vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài.
Nguyên nhân DG-MARE lùi thời gian sang thanh tra là do tại lần làm việc trực giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam với Đoàn Thanh tra của EC vào tháng 1/2025, EC thấy các kết quả triển khai các khuyến nghị vẫn chưa đạt như ý muốn của phía EC.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong bối cảnh tình hình vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp vẫn tiếp diễn, từ đầu năm đến hết tháng 4/2025 đã ghi nhận 9 vụ việc với 36 ngư dân thuộc các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu bị bắt giữ tại Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Đặc biệt, vụ việc ngày 24/02/2025, khi Thái Lan bắt giữ tàu cá KG-95441-TS của tỉnh Kiên Giang, được xem là nghiêm trọng và là một trong những lý do chính khiến EC quyết định lùi thời gian tổ chức đợt thanh tra thực tế lần thứ 5 tại Việt Nam, dự kiến trước đó vào tháng 3/2025.
Các địa phương dồn tổng lực trong chống khai thác IUU (Ảnh minh họa).
Trước tình hình trên, Bộ đã kịp thời báo cáo Thủ tướng và đề xuất các giải pháp nhằm ngăn chặn, xử lý triệt để tình trạng tàu cá vi phạm khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài. Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trên cơ sở các chỉ đạo của Thủ tướng và Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã khẩn trương rà soát, đánh giá tồn tại, nguyên nhân và xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần đạt được trước thời điểm gửi báo cáo tiến độ vào tháng 9/2025.
Thực hiện các yêu cầu từ phía EC, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm từ tháng 5 đến hết tháng 8/2025. Theo đó, tất cả tàu cá đã đăng ký đều phải gắn biển số, đánh dấu theo quy định của Thông tư số 23/2018/TT-BNNPTNT. Đồng thời, các loại tàu phục vụ nuôi trồng thủy sản và tàu dịch vụ cũng được đăng ký đầy đủ, nhằm loại bỏ tình trạng tàu cá không đánh dấu, không biển số hoạt động tại các địa phương. Đối với những tàu không có nhu cầu đăng ký, đăng kiểm, hay không đủ điều kiện hoạt động sau ngày 31/12/2024, sẽ bị giải bản theo quy định tại Thông tư 06/2024/TT-BNNPTNT.
Nhà nước cũng ban hành chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho các chủ tàu đang sử dụng nghề cấm, nhằm đảm bảo sinh kế và thu nhập cho người dân. Công tác đăng ký, sang tên, chuyển nhượng tàu cá cũng được siết chặt. Những trường hợp mua bán tàu không thực hiện đầy đủ quy trình pháp lý, không sang tên đổi chủ, sẽ không được phép hoạt động khai thác. Các cơ sở công chứng vi phạm quy định về chứng thực hợp đồng mua bán, chuyển nhượng tàu cá sẽ bị xử lý nghiêm theo Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Về kiểm soát hoạt động khai thác, các cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm tàu cá vi phạm tại cảng cá. Lực lượng chuyên môn sẽ giám sát tàu rời và cập cảng, sản lượng bốc dỡ, và thực hiện hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử (eCDT). Danh sách các cơ sở thu mua thủy sản cũng được lập và quản lý, chỉ cho phép mua sản phẩm từ tàu đã bốc dỡ tại cảng theo đúng quy định tại Nghị định 38/2024/NĐ-CP.
Với sản phẩm thủy sản nhập khẩu, Việt Nam thực hiện nghiêm Hiệp định các biện pháp quốc gia có cảng (PSMA). Nguồn lực được bố trí để xác minh thông tin tàu và sản phẩm nhập khẩu, thiết lập kênh liên hệ với các tổ chức nghề cá quốc tế. Công tác kiểm tra, giám sát tại cảng biển, nhà máy chế biến, xuất khẩu được tổ chức bài bản. Việc kiểm soát thủy sản nhập khẩu bằng tàu container cũng được tăng cường, với cơ chế phối hợp liên ngành và nguồn lực đầy đủ...
Theo báo cáo của Cục Thủy sản và Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), trong quý I/2025, sản lượng khai thác thủy sản cả nước đạt 880.000 tấn, không tăng so với cùng kỳ năm ngoái, ngược lại sản lượng nuôi trồng thủy sản lại tăng hơn 5%, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt gần 2,3 tỷ USD, tăng mạnh hơn 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong bối cảnh xuất khẩu đang phục hồi mạnh mẽ, gỡ "thẻ vàng" IUU của EC không chỉ là yêu cầu bắt buộc để duy trì đà phục hồi mà còn là điều kiện tiên quyết để mở rộng thị trường xuất khẩu hải sản Việt Nam.../.
Thu Hà
Bình luận