Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 23:11
Thứ hai, 24/06/2024 08:06
TMO - Không chỉ tập trung thu hút các nhà đầu tư có quy mô vốn lớn, các dự án đầu tư công nghệ cao, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc luôn ưu tiên các nhà đầu tư triển khai những dự án thân thiện với môi trường, qua đó, đảm bảo cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh.
Theo báo cáo của Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh, hiện 9 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đi vào hoạt động đều bảo đảm đầy đủ hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường theo quy định, gồm: Hệ thống quan trắc nước thải tự động, hệ thống xử lý nước thải tập trung, hệ thống thoát nước mưa, khu vực lưu giữ chất thải rắn và các công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường khác.
Tỉnh Vĩnh Phúc xác định không vì lợi ích kinh tế mà đánh đổi môi trường, phát triển các khu công nghiệp phải đi đôi với bảo vệ môi trường hướng tới sự bền vững. Trên thực tế, vài năm trước tỉnh đã cương quyết từ chối một số dự án có nguy cơ gây ô nhiễm, đặc biệt đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không chấp nhận Dự án dệt - nhuộm có tổng vốn đầu tư 350 triệu USD của một tập đoàn có vốn đầu tư nước ngoài do lo ngại nguy cơ gây ô nhiễm.
Khi thu hút các dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, Vĩnh Phúc yêu cầu các chủ đầu tư dành tối thiểu 10% quỹ đất cho trồng cây xanh.
Đáng chú ý, khi thu hút các dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, Vĩnh Phúc yêu cầu các chủ đầu tư dành tối thiểu 10% quỹ đất cho trồng cây xanh, tỉnh cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo vệ môi trường. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có một số khu công nghiệp xây dựng hạ tầng rất bài bản. Điển hình như Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc có hạ tầng và cảnh quan môi trường đầu tư đồng bộ, hiện đại.
Đây là khu công nghiệp đã và đang tạo sức hấp dẫn với các nhà đầu tư lớn, các doanh nghiệp lớn nước ngoài. Chủ đầu tư Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc đã dành trên 20% diện tích toàn khu cho hệ thống cây xanh, mặt nước và đường giao thông. Ngoài ra, trong các tuyến đường nội khu, công ty cũng đầu tư xây dựng 3 tuyến kênh với tổng chiều dài 3,6 km, không chỉ là nơi tiêu thoát nước mưa, chống ngập úng mà còn là nơi trữ nước tưới cây, cân bằng môi trường sinh thái.
Toàn bộ Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc rộng hơn 213 ha đã được xây tường bao kiên cố bao kín bốn hướng, có hệ thống điện chiếu sáng, thiết bị giám sát bảo vệ được đầu tư đồng bộ để đảm bảo an ninh. Phía sát ngoài tường rào khu công nghiệp có hàng trăm cây xanh được trồng từ năm 2020 đang vươn cao khắp các tuyến đường thuộc phạm vi khu công nghiệp. Hiện, Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc đã hình thành các khu sản xuất màu xanh và những cung đường xanh, các khuôn viên của nhà xưởng mỗi doanh nghiệp cũng được trồng cây cảnh, thảm cỏ...
Ngoài Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc, trên địa bàn tỉnh còn có Khu công nghiệp Bá Thiện (Bình Xuyên), Khu công nghiệp Bá Thiện II (Bình Xuyên), Khu công nghiệp Khai Quang (Vĩnh Yên) cũng được đầu tư đồng bộ về hạ tầng, quan tâm đầu tư các cây xanh và thảm cỏ phát triển tốt, bao phủ trên diện rộng.
Nhằm thu hút đầu tư, Vĩnh Phúc đang nỗ lực nâng cao thứ hạng chỉ số xanh (PGI) thông qua việc đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ môi trường. Năm 2023, Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố đạt 22,29 điểm, cao hơn 5,94 điểm so với năm 2022. Đây là công cụ chính sách hữu ích, nhằm hỗ trợ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đồng thời đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh như mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương; trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp; mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác.
Tỉnh Vĩnh Phúc tạo điều kiện để các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất. Ảnh: BVP.
Với mục tiêu duy trì và nâng cao chỉ số PGI của tỉnh nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố có chỉ số PGI dẫn đầu cả nước vào những năm tiếp theo, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 196 về cải thiện, nâng cao chỉ số PGI đến năm 2025. Theo đó, tỉnh đã đưa ra nhóm nhiệm vụ và giải pháp cụ thể cải thiện cho từng chỉ số thành phần trong chỉ số PGI. Yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, xã nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc duy trì và cải thiện kết quả, thứ bậc xếp hạng chỉ số PGI của tỉnh; đẩy mạnh tuyên truyền và nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về ý nghĩa và tầm quan trọng của chỉ số PGI.
Hiện thực hóa mục tiêu trên, thời gian qua, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo vệ môi trường luôn được các sở, ban, ngành quan tâm triển khai thực hiện hiệu quả. Cùng với đó, chủ động triển khai các phương án ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu, tập trung nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai; kịp thời khắc phục hậu quả sau thiên tai, giảm mức thấp ảnh hưởng đến đời sống nhân và hoạt động của các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Đồng thời tích cực phối hợp xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Đến nay, 100% các khu công nghiệp và một số doanh nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động đối với nước thải, khí thải kết nối liên tục về cơ quan quản lý để kịp thời xử lý các tình huống. Đặc biệt, tỉnh đã cắt giảm 52% thời gian giải quyết đối với thủ tục thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường xuống còn 30 ngày (quy định là 45 ngày). Qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí, tiết kiệm thời gian cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính...
Thời gian tới, bên cạnh nhiệm vụ đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển các khu, cụm công nghiệp và để đảm bảo môi trường phát triển bền vững trong các KCN, Vĩnh Phúc sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp, chủ đầu tư hạ tầng KCN, các làng nghề, cụm công nghiệp; đồng thời ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, hiện đại, không gây ô nhiêm môi trường; kiên quyết từ chối tiếp nhận, cấp phép đầu tư cho những dự án công nghệ lạc hậu, có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao.
Đồng thời, để tăng khả năng phòng ngừa, giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm môi trường, tỉnh sẽ luôn coi việc kiểm soát ô nhiễm các nguồn thải đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý Nhà nước về môi trường và được duy trì thực hiện thường xuyên.
Trên cơ sở "lấy phòng ngừa là chính", trong thời gian tới, lực lượng chức năng về môi trường tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, giám sát hoạt động thu gom, xử lý chất thải đối với các doanh nghiệp trong các KCN, cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đối với các vi phạm trong lĩnh vực môi trường sẽ bị cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh, nhằm đảm bảo định hướng của tỉnh Vĩnh Phúc trong phát triển các công nghiệp phải đi đôi với công tác bảo vệ môi trường nhằm tạo ra một môi trường đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Thu Hà
Bình luận