Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 17:01
Thứ bảy, 10/09/2022 04:09
TMO - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, hiện nay gần 80% chiều dài bờ biển Đông Cà Mau bị sạt lở. Trước thực trạng này, UBND tỉnh đang triển khai nhiều phương án đặc biệt chú trọng đến các giải pháp công trình nhằm hạn chế thiệt hại từ sạt lở bờ biển đến sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Cụ thể, trong 107 km bờ biển Đông ở Cà Mau thì hiện có khoảng 82,3 km bị sạt lở. Những năm qua, tuyến bờ biển Đông sạt lở nghiêm trọng, bình quân sạt lở mỗi năm từ 45-50m, đặc biệt tại những cửa biển, cửa sông. Sở NN&PTNT tỉnh cho biết, hiện địa phương đang riển khai đầu tư các công trình bảo vệ với chiều dài 41,6 km; còn lại chiều dài là 40,7 km đang được đề xuất cần bảo vệ bằng giải pháp công trình.
Tuyến bờ biển Đông đang bị sạt lở nhanh, xuất hiện nhiều vị trí sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: BCM
Theo đó, bằng nhiều nguồn đầu tư khẩn cấp, đã có 12,9 km kè đã và đang được đầu tư xây dựng tại những vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm, với nguồn lực đầu tư trên 745 tỷ đồng. Những vị trí đã hoàn thành gồm: Đất Mũi, Vàm Xoáy, Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển) và Tân Thuận (huyện Đầm Dơi); hiện đang triển khai tại cửa Hốc Năng, Kênh Năm Ô Rô - Kênh Năm, Kênh Năm - Chùm Gọng.
Đối với các vị trí sạt lở đang triển khai các bước đầu tư với chiều dài trên 28,6 km, trên cơ sở nguồn vốn ngân sách Trung ương phân bổ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang triển khai thực hiện đầu tư 5 dự án với tổng chiều dài 16,5 km. Trong đó, đang triển khai thực hiện 3,2 km; còn hơn 13,2 km đang thiếu vốn 780 tỷ đồng. Với trên 12,1 km còn lại, đang được Ban Quản lý Trung ương các dự án thủy lợi triển khai.
Cà Mau đề xuất sử dụng nguồn thuộc Dự án “Xây dựng hạ tầng bảo vệ bờ biển tổng hợp, phòng chống xói lở, chống mất đất vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với đổi khí hậu” từ nguồn ODA của Chính phủ Đức để đầu tư kè phòng, chống sạt lở bờ biển Đông là 38,8km với kinh phí dự kiến 1.308 tỷ đồng.
Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định giao kế hoạch vốn thực hiện 2 dự án bảo vệ bờ biển Đông trên địa bàn tỉnh Cà Mau với số tiền 210 tỷ đồng, gồm: Dự án đầu tư xây dựng kè chống sạt lở bờ biển Đông đoạn từ Đất Mũi đến cửa biển Vàm Xoáy (kế hoạch vốn năm 2022 là 30 tỷ đồng và năm 2023 là 70 tỷ đồng); Dự án đầu tư xây dựng kè chống xói lở bờ biển đoạn từ Kênh Năm Ô Rô đến Kênh Năm, huyện Ngọc Hiển (năm 2022 là 32 tỷ đồng và năm 2023 là 78 tỷ đồng).
Tỉnh Cà Mau đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án kè chống sạt lở bờ biển Tây và Đông trên địa bàn tỉnh. Ảnh: VT
Cà Mau có chiều dài bờ biển khoảng 254 km kéo dài từ biển Đông sang biển Tây. Những năm gần đây dưới tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng tình hình sạt lở ở bờ biển tỉnh Cà Mau diễn biến hết sức phức tạp và khó lường.
Qua quan trắc sạt lở ở bờ biển Tây bình quân từ 20-25m/năm, cá biệt có những nơi lên đến 50m/năm, ở biển Đông bình quân từ 45-50m/năm. Trước thực trạng sạt lở ngày càng gia tăng, tỉnh Cà Mau đã khẩn trương xây dựng các công trình kè bảo vệ phòng, chống sạt lở bờ biển, bảo vệ an toàn cho ngàn hàng hộ dân sống gần khu vực kè.
Theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử, mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, song năng lực phòng chống thiên tai của tỉnh còn hạn chế. Thiệt hại do thiên tai trên thực tế của tỉnh Cà Mau là vô cùng lớn so với thống kê.
Nhằm tăng cường những giải pháp giúp tỉnh giảm nhẹ nhất thiệt hại do thiên tai, Cà Mau kiến nghị Trung ương có cơ chế thí điểm thực hiện xã hội hoá kè biển, các dự án tái định cư để đảm bảo hạ tầng, sinh kế cho người dân. Tiếp tục đầu tư hệ thống kè, đê biển trong cả nước nói chung, tỉnh Cà Mau nói riêng để bảo vệ tính mạng, tài sản, sản xuất của người dân và khôi phục rừng phòng hộ ven biển.
Đức Bảo
Bình luận