Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 25/01/2025 03:01
Thứ bảy, 20/01/2024 14:01
TMO - Ngành khoa học và công nghệ đã nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ nhằm xử lý chất thải rắn, chất thải, rác thải sinh hoạt; xử lý chất thải công nghiệp, làng nghề, chất thải chăn nuôi; xử lý sự cố môi trường; xây dựng các mô hình kinh tế xanh và một số mô hình, giải pháp tổng thể bảo vệ môi trường phù hợp với tăng trưởng xanh.
Trong những năm qua, cùng với việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về khoa học và công nghệ (KHCN) các cơ chế chính sách cũng đã được đổi mới, hoàn thiện đáp ứng yêu cầu hoạt động KHCN của các ngành, lĩnh vực. Theo đó, đối với nội dung quản lý và bảo vệ môi trường, các cơ chế chính sách về KHCN đã bám sát, phù hợp với chủ trương, chính sách phát triển ngành KHCN.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), để triển khai chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Bộ KH&CN trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Bên cạnh đó, Bộ KH&CN đã xây dựng và triển khai một số chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ quản lý và bảo vệ môi trường như: Chính sách nghiên cứu, ứng dụng, phát triển và chuyển giao công nghệ, trong đó hỗ trợ phát triển KH&CN lĩnh vực công nghiệp môi trường; bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; cảnh báo và dự báo tai biến thiên nhiên và sự cố môi trường biển, ứng phó với biến đổi khí hậu ở vùng biển Việt Nam phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển... thông qua các Chương trình KH&CN cấp quốc gia; Chính sách phát triển nguồn lực nhằm hỗ trợ để ươm tạo công nghệ, ươm tạo, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN, tạo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN…
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, góp phần giảm phát thải, bảo vệ môi trường. Ảnh minh họa.
Đối với công tác bảo vệ môi trường, giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020, Bộ KH&CN đã triển khai thực hiện các Chương trình KHCN liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường như: Về bảo vệ môi trường đã nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ nhằm xử lý chất thải rắn, chất thải, rác thải sinh hoạt; xử lý chất thải công nghiệp, làng nghề, chất thải chăn nuôi; xử lý sự cố môi trường; xây dựng các mô hình kinh tế xanh và một số mô hình, giải pháp tổng thể bảo vệ môi trường phù hợp với tăng trưởng xanh.
Về quản lý tài nguyên đã xác lập cơ sở khoa học cho việc nhận dạng đầy đủ và đánh giá đúng vị thế của các dạng tài nguyên thiên nhiên quan trọng; nâng cao hiệu quả khai thác tổng hợp, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đã cung cấp luận cứ khoa học, góp phần xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quản lý hoạt động khoáng sản, Bộ KH&CN đã tổ chức triển khai nhiệm vụ đánh giá, phát huy các giá trị dịch vụ hệ sinh thái, cảnh quan, tài nguyên di truyền thông qua số lượng và tỷ lệ nguồn gen được đánh giá cho lĩnh vực môi trường, nông nghiệp, công nghiệp, an ninh quốc phòng...
Trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ/ngành, địa phương liên quan để định hướng một số hoạt động đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tiếp thu, áp dụng các công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, hiện đại trên thế giới cho ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường. Ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng và đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, ít chất thải và cacbon thấp thông qua các Chương trình KH&CN. Bên cạnh đó, rà soát và hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy định kỹ thuật hỗ trợ nâng cao công tác quản lý chất lượng thiết bị, sản phẩm thân thiện với môi trường; Tiếp tục triển khai kiểm soát và xây dựng cách thức thống kê thường xuyên đối với các hàng hóa là máy móc thiết bị, công nghệ và các loại sản phẩm có ảnh hưởng xấu tới môi trường và sức khỏe cộng đồng.
THU LIÊN
Bình luận