Hotline: 0941068156
Thứ tư, 15/01/2025 15:01
Thứ tư, 15/01/2025 08:01
TMO – Trong quá trình điều tra, đánh giá tài nguyên khoáng sản đất hiếm khuyến khích áp dụng công nghệ GeoAI, đây là công nghệ ứng dụng các thuật toán trí tuệ nhân tạo trong các công tác tổng hợp, phân tích dữ liệu địa chất.
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Thông tư 21/2024 quy định kỹ thuật điều tra, đánh giá tài nguyên và thăm dò khoáng sản đất hiếm. Theo quy định, việc điều tra, đánh giá tài nguyên khoáng sản đất hiếm khuyến khích áp dụng công nghệ GeoAI.
Công nghệ này được khuyến khích áp dụng trong suốt quá trình điều tra, đánh giá tài nguyên khoáng sản đất hiếm. Yêu cầu chung về việc ứng dụng công nghệ GeoAI như sau: Nhân AI phải đảm bảo tính bảo mật về tài liệu nguyên thủy; Thông tin dữ liệu đầu vào gồm cấu trúc địa chất, thông tin về địa chất, mặt cắt địa chất, số liệu địa hóa, địa vật lý, các công trình khoan, các điểm mỏ khoáng sản, địa chất thủy văn, môi trường và các dữ liệu liên quan khác (nếu cần thiết). Kết quả ứng dụng công nghệ GeoAI cần được đánh giá mức độ tin cậy.
Nội dung đánh giá khoáng sản đất hiếm gồm: Thu thập, tổng hợp, xử lý, phân tích các tài liệu thu thập được; luận chứng, xác định mạng lưới, phương pháp, khối lượng các hạng mục công việc phục vụ đánh giá khoáng sản đất hiếm; công tác trắc địa phục vụ địa chất, địa vật lý, công trình khai đảo, khoan.
(Ảnh minh họa)
Khai đào công trình (vết lộ, hố, hào, giếng), khoan; lấy mẫu tại các công trình khai đào, khoan để phân tích, xác định hàm lượng đất hiếm; lấy và phân tích mẫu kỹ thuật; xác định đặc điểm địa chất thủy văn - địa chất công trình của các loại đá trong khu vực đánh giá khoáng sản đất hiếm; tổng hợp các tài liệu, kết quả phân tích để khoanh định diện phân bố của đất hiếm đủ điều kiện tính tài nguyên; khoanh định các khu vực đủ điều kiện chuyển sang thăm dò; công tác địa chất môi trường.
Theo các chuyên gia, Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn (khoảng 22 triệu tấn) và đứng thứ 2 thế giới sau Trung Quốc (44 triệu tấn). Tuy sở hữu trữ lượng đất hiếm lớn, việc khai thác, chế biến các mỏ đất hiếm của Việt Nam còn rất hạn chế, chưa thể phục vụ công nghiệp bán dẫn, xe điện, chưa có nhà máy chế biến từ tinh quặng đất hiếm thành sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Đồng thời, cũng chưa làm chủ được công nghệ chế biến sâu, tách chiết ra sản phẩm đất hiếm.
Nguyên nhân là do các doanh nghiệp được cấp mỏ chưa làm chủ công nghệ chế biến ra sản phẩm đạt yêu cầu như đất hiếm tổng hợp có hàm lượng tối thiểu 95%; đồng thời chưa có công nghệ tách chiết ra các sản phẩm đất hiếm riêng rẽ. Do đó, cần nghiên cứu và có chính sách để doanh nghiệp tham gia chuyển giao công nghệ.
Đất hiếm là tên gọi chung của một nhóm 17 nguyên tố hóa học thuộc bảng tuần hoàn, bao gồm: Scandi (Sc), Ytri (Y) và 15 nguyên tố của nhóm Lanthan (La, Ce, Pr, Nd, Pm, Sm, Eu, Gd, Tb, Dy, Ho, Er, Tm, Yb, Lu). Đất hiếm là nguyên liệu quan trọng trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao như điện tử, quang điện, laser, vật liệu siêu dẫn, chất phát quang, xúc tác, nam châm, chế tạo vũ khí, thiết bị y tế… do đó, đây được xem là nguồn tài nguyên rất quý giá.
BÙI HOÀNG
Bình luận