Hotline: 0941068156
Thứ hai, 07/04/2025 07:04
Chủ nhật, 06/04/2025 09:04
TMO – Các chương trình mục tiêu quốc gia dù đã nỗ lực triển khai thực hiện, Tuy nhiên vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập. Đơn cử, ‘Chương trình xây dựng nông thôn mới’ vẫn còn huyện nghèo thuộc 04 tỉnh (Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên) "trắng xã nông thôn mới" và 04 tỉnh (Cao Bằng, Điện Biên, Quảng Bình, Kon Tum) chưa có đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Theo Văn phòng Chính phủ, Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về tình hình triển khai thực hiện và chuẩn bị công tác tổng kết các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 nêu rõ: Các Bộ, ngành, địa phương thời gian qua đã nỗ lực, cố gắng và đạt được những kết quả tích cực trong triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia.
Tuy nhiên, thực tiễn triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc và thách thức như: Tỷ lệ giải ngân tuy có chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là giải ngân vốn sự nghiệp còn thấp; còn những nhóm mục tiêu khó hoàn thành; một số nơi còn rủi ro tái nghèo; khó huy động nguồn lực xã hội hóa và vốn đối ứng của địa phương để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Các chương trình mục tiêu quốc gia góp phần nâng cao đời sống người dân khu vực vùng nông thôn, vùng núi. Ảnh minh họa.
Một số dự án, nội dung thành phần, đối tượng thụ hưởng, định mức hỗ trợ chưa phù hợp tình hình thực tiễn hoặc đã hết đối tượng; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới của một số vùng vẫn còn khoảng cách chênh lệch lớn, vẫn còn huyện nghèo thuộc 04 tỉnh (Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên) "trắng xã nông thôn mới" và 04 tỉnh (Cao Bằng, Điện Biên, Quảng Bình, Kon Tum) chưa có đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; năng lực và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ thực thi nhiệm vụ ở một số địa phương còn hạn chế; các bộ, ngành, địa phương đang tập trung chủ yếu cho công tác kiện toàn, sắp xếp bộ máy tổ chức, đơn vị hành chính, phần nào ảnh hưởng đến tiến độ tổ chức triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; đâu đó có tình trạng không muốn đạt chuẩn nông thôn mới và không muốn thoát nghèo vì không còn là đối tượng thụ hưởng những chính sách an sinh xã hội về giáo dục, y tế, bảo hiểm, trợ cấp…
Để hoàn thành các mục tiêu đặt ra đối với 3 chương trình (phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới) có ý nghĩa hết sức quan trọng này, trong thời gian từ nay đến cuối năm 2025, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục phấn đấu để cơ bản hoàn thành các mục tiêu được giao trong công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện các thủ tục phân bổ, giao số vốn còn lại chưa phân bổ; kịp thời phân bổ, giao kinh phí thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cho cơ quan, đơn vị trực thuộc ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung; đặc biệt cần tính đến những vấn đề có thể phát sinh khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp theo chủ trương mới để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia bảo đảm liên tục, không xảy ra khoảng trống, vướng mắc. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan, đơn vị trong thực tiễn triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; phấn đấu hoàn thành 100% mục tiêu, chỉ tiêu được Quốc hội giao và giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Dân tộc và Tôn giáo khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tổng hợp phương án đề xuất phân bổ vốn, kinh phí còn lại của các chương trình mục tiêu quốc gia. Hoàn thành tổng kết việc thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 trong Quý II năm 2025; trên cơ sở đó xây dựng hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư các Chương trình giai đoạn 2026 - 2030 theo quy định bảo đảm thiết thực, hiệu quả, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không chồng chéo và phù hợp với tình hình thực tiễn.
Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát các quy định về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia để đề xuất cấp có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung bảo đảm phù hợp tình hình thực tiễn và không gián đoạn công tác triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp... Bộ Dân tộc và Tôn giáo khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan và Hội đồng thẩm định nhà nước hoàn thiện hồ sơ Quyết định điều chỉnh Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 theo đúng quy định…/.
BÙI HOÀNG
Bình luận