Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 01:01
Thứ hai, 11/12/2023 14:12
TMO – Tục đốt vàng mã không chỉ được xem như một nét đẹp văn hóa, mà theo quan niệm xưa, đây là phương tiện kết nối giữa cõi dương với cõi âm. Tuy nhiên, nhiều năm gần đây việc đốt vàng mã đang bị biến tướng gây lãng phí, mê muội, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ và ô nhiễm không khí.
Đốt vàng mã từ bao đời nay được xem như nét đẹp văn hoá truyền thống của người Việt. Thể hiện đạo “hiếu”, “uống nước nhớ nguồn”, là cách bày tỏ lòng thành của con cháu với tổ tiên, người thân đã khuất. Bằng cách này hay cách khác, người Việt luôn quan niệm “trần sao” thì “âm vậy” nên những sản phẩm vàng mã thời đại 4.0 hay 5.0 giờ không chỉ đơn giản là vàng mã, quần áo, mũ nón,… mà bao gồm cả nhà lầu, biệt thự, siêu xe, ipad, macbook, thậm chí có cả người giúp việc, … và còn rất nhiều thứ hiện đại khác cũng được phác hoạ qua vàng mã để hóa (đốt) cho người đã khuất.
Những bịch vàng mã chuẩn chị đưa ra thị trường tiêu thụ.
Nói về truyền thống làm vàng mã nhà mình bà T. (Làng nghề vàng mã Phúc Am, Thường Tín, Hà Nội) cho biết: “Tôi làm nghề này hơn chục năm, trước khu này có ba, bốn nhà làm nhưng sau này mọi người học nhau, nhiều nhà làm, nên thành làng nghề. Hồi trước, thợ chủ yếu làm thủ công nhưng giờ có máy móc hiện đại nên nhiều chi tiết in ấn đã được xử lý tốt hơn; làm máy nhanh hơn nhưng làm thủ công đẹp và tinh tế hơn nhiều’”.
Nhiều năm gần đây, thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm vàng mã mang tính thời thượng như nhà lầu, xe hơi,… Bà T. cho biết thêm: “Do tôi chưa biết làm, nếu có điều kiện học tôi cũng sẽ làm những mô hình này. Trần sao thì âm vậy, tôi nghĩ có cầu thì mới có cung, nhu cầu người dân càng cao thì chúng tôi càng làm nhiều”.
Tục đốt vàng mã là nét văn hóa tín ngưỡng của người Việt.
Tục đốt vàng mã theo đúng nghĩa là bày tỏ lòng thành với những người đã khuất giờ đã biến tướng trong tín ngưỡng tâm linh của người Việt. Nhà nhà, người người đua nhau hoá vàng; với quan niệm ai hoá nhiều vàng mã, mua nhiều đồ “xịn” là hiếu kính hơn, hưởng nhiều lộc hơn.
Chia sẻ với Phóng viên bà P. (một trong những người làm nghề vàng mã lâu năm) cho biết: “Nhà tôi làm quanh năm nhưng tập chung vaò dịp rằm tháng Bảy, dịp cuối năm đến ra giêng. Nhà tôi làm ít, do nghề này làm nhành, đơn giản trong khi thu nhập khá nên mọi người đua nhau làm. Những tháng cao điểm có thương lái nhập hàng trăm triệu tiền vàng mã”.
Vật liệu làm đồ hàng mã.
Khó có thể thống kê chính xác, nhưng với thực tế hiện nay, lượng vàng mã đốt hàng năm có thể là rất lớn bởi vàng mã được sử dụng nhiều dịp trong năm. Xét về góc độ môi trường thì đốt vàng mã quá nhiều cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng ô nhiễm không khí, lãng phí tài nguyên, mặt khác, còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Bởi tại các thành phố, khu đô thị, mặc dù chính quyền địa phương đã thường xuyên tuyên truyền vận động người dân đốt vàng mã theo đúng quy định, tuy nhiên thực tế cho thấy nhiều người không thực hiện theo quy định.
Với quan niệm "trần sao, âm vậy" việc đốt vàng mã ngày nay đã biến tướng với đầy đủ các loại (siêu xe, nhà biệt thự, điện thoại "xịn"...)
Đơn cử, tại Hà Nội, vào đầu tháng 2/2021, một trong những vụ hỏa hoạn nghiêm trọng do đốt vàng mã xảy ra tại căn nhà hai tầng do nhóm sinh viên thuê trọ ở ngõ 73 Tam Khương (P. Khương Thượng, Q. Đống Đa) khiến 4 nạn nhân tử vong. Nguyên nhân của vụ cháy được xác định do nhóm sinh viên sau khi tổ chức cúng ông Công, ông Táo, quá trình hóa vàng xong không dùng dụng cụ chứa đựng và không đổ nước dập tro tàn dẫn đến vụ hoả hoạn. Tiếp đến, trưa ngày 9/8/2022, vụ hỏa hoạn xảy ra tại căn nhà trong ngõ 32, phố Hoàng Đạo Thành, phường Kim Giang, quận Thanh Xuân. Theo đó, hỏa hoạn bốc ra từ ngôi nhà 4 tầng, vào thời điểm này, trong nhà có 2 cháu nhỏ đã kịp thời thoát ra ngoài an toàn, nguyên nhân xảy ra cháy cũng được xác định là do đốt vàng mã. Gần đây nhất, vào khoảng 15 giờ ngày 20/1, người dân trong khu vực phát hiện ngọn lửa cùng khói đen mù mịt tỏa ra từ ngôi nhà 4 tầng ở số 41 Đường Thành (mặt nhà phố Yên Thái), phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Nguyên nhân được xác định do đốt vàng mã gây cháy.
Việc đốt vàng mã tùy tiện, không đúng quy định luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, ô nhiễm môi trường không khí.
Trước tình trạng người dân vẫn coi việc đốt vàng mã như một hành động để tỏ tấm lòng thành với người đã khuất và quan niệm đốt càng nhiều thì lộc đến càng lớn cũng như việc biến tướng trong kinh doanh, sử dụng đồ vàng mã, từ nhiều năm nay, chính quyền các địa phương không ngừng vận động người dân giảm thiểu tối đa việc đốt vàng mã, không đốt vàng mã bừa bãi nhằm hướng đến thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh. Tuy nhiên, để thay đổi lối tư duy cũ, từ thực tế cho thấy là rất khó, bởi đốt vàng mã từ nhiều đời nay đã trở thành tín ngưỡng tâm linh, văn hoá truyền thống rất khó xoá bỏ. Do đó, các cấp chính quyền cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, còn đối với người dân, cần hạn chế đốt vàng mã, thay đổi nhận thức để hướng đến đời sống văn minh, bởi có nhiều cách để tỏ tấm lòng thành với người đã khuất thay vì đốt thật nhiều vàng mã.
Hạn chế đốt vàng mã và đốt vàng mã đúng quy định góp phần ngăn chặn ô nhiễm, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh.
Mộc Trà
Bình luận