Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 21:01
Chủ nhật, 28/04/2024 15:04
TMO - Tỉnh Bình Thuận xác định việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn là nhiệm vụ trọng tâm, mang tính chất lâu dài và cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và của mọi tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Trong đó, UBND các cấp, nhất là cấp cơ sở và các tổ chức chính trị - xã hội giữ vai trò then chốt.
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, chậm nhất đến ngày 31/12/2024, hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt; thực hiện giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang gấp rút hoàn thiện, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành, chỉ đạo các địa phương triển khai những quy định nêu trên.
Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi ngày cả nước phát sinh khoảng hơn 60 nghìn tấn rác thải sinh hoạt, trong đó khu vực đô thị chiếm 55%, khu vực nông thôn chiếm 45%. Hiện mới có 13% tổng số rác thải phát sinh hằng ngày được đem đốt, 16% được chế biến và khoảng 71% rác là chôn lấp. Tuy nhiên, việc xử lý rác thải theo cả ba phương pháp này đều gặp khó khăn bởi rác thải không được phân loại, từ rác vô cơ, hữu cơ cho đến rác thải nhựa đều lẫn trộn vào nhau, cho nên có đến hơn 70% lượng rác thải buộc phải thực hiện chôn lấp. Đáng chú ý, tại các điểm xử lý rác thải theo kiểu chôn lấp thủ công luôn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, sức khỏe người dân...
Bộ TN&MT đã ban hành hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt (Ảnh minh họa: TH).
Để triển khai phân loại rác tại nguồn đồng bộ trên cả nước từ năm 2025, Bộ TN&MT đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện, mới đây là Văn bản số 9368/BTNMT-KSONMT về hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Hướng dẫn này đưa ra nhận diện tối đa chủng loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân và phân loại thành ba nhóm chất thải chính theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường. Nhóm một: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế (giấy thải; nhựa thải; kim loại thải; thủy tinh thải; vải, đồ da; đồ gỗ; cao-su; thiết bị điện, điện tử thải bỏ).
Nhóm hai: Chất thải thực phẩm (thức ăn thừa; thực phẩm hết hạn sử dụng; các loại rau, củ, quả, trái cây và các phần thải bỏ sau khi sơ chế, chế biến món ăn; các sản phẩm bỏ đi từ thịt gia súc, gia cầm, thủy, hải sản). Nhóm ba: Chất thải rắn sinh hoạt khác (chất thải nguy hại; chất thải cồng kềnh; chất thải khác còn lại. Thí dụ, giấy thải, nhựa thải, kim loại thải thì loại sản phẩm chứa đựng bên trong sau đó thu gọn, ép dẹt, giảm kích thước thể tích). Đối với chất thải nguy hại cần bảo đảm được đựng, chứa trong vật đựng, túi, bao bì để an toàn, tránh phát tán ra ngoài môi trường. Chất thải cồng kềnh cần thu gọn, giảm thể tích, nếu tháo dỡ thì các bộ phận sau tháo dỡ được phân loại vào các nhóm chất thải tương ứng.
Cùng với các địa phương trên cả nước thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, UBND Bình Thuận vừa ban hành Kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, đồng thời, giao Sở TN&MT Bình Thuận hướng dẫn các địa phương triển khai và báo cáo định kỳ kết quả thực hiện.
Việc triển khai kế hoạch này nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn, từng bước hình thành thói quen và ý thức tự giác thực hiện việc phân loại CTRSH tại nguồn; tăng cường khả năng tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng, giảm khối lượng CTRSH phải xử lý theo phương án chôn lấp trực tiếp. Qua đó, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý, đồng thời, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Bình Thuận cũng đã xác định việc phân loại CTRSH tại nguồn là nhiệm vụ trọng tâm, mang tính chất lâu dài và cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và của mọi tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Trong đó, UBND các cấp, nhất là cấp cơ sở và các tổ chức chính trị - xã hội giữ vai trò then chốt. Cụ thể, mục tiêu trong năm 2024, UBND cấp huyện và UBND cấp xã ban hành chương trình, kế hoạch, mô hình phân loại, thu gom, tập kết, vận chuyển, xử lý, tái chế CTRSH phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.
Xây dựng các bộ tài liệu tuyên truyền về phân loại CTRSH tại nguồn và đội ngũ tuyên truyền phân loại CTRSH tại nguồn đến các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư; quy hoạch các điểm tập kết, trạm trung chuyển CTRSH trên địa bàn; đưa vào hoạt động các điểm tập kết, trạm trung chuyển CTRSH đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định; kiện toàn lại hệ thống, mạng lưới và đội ngũ thu gom, vận chuyển CTRSH từ cấp huyện đến cấp xã.
Bình Thuận phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ CTRSH được phân loại tại nguồn ở các phường, thị trấn đạt 70% và tỷ lệ CTRSH được phân loại ở các xã đạt 30% (Ảnh minh họa).
Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Bình Thuận phấn đấu đạt 100% các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh sẽ được trang bị các kiến thức về phân loại CTRSH tại nguồn. Tỷ lệ CTRSH được phân loại tại nguồn ở các phường, thị trấn đạt 70% và tỷ lệ CTRSH được phân loại ở các xã đạt 30%. Tỷ lệ CTRSH đô thị được thu gom, xử lý theo quy định đạt 90%. Tỷ lệ CTRSH nông thôn được thu gom, xử lý theo quy định đạt 80%. Tỷ lệ CTRSH được tái chế đạt trên 70%. Tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định đạt 98%.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Thuận, ngoài việc tuyên truyền, UBND cấp huyện cũng phải quy hoạch, xây dựng trạm trung chuyển CTRSH trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố; chỉ đạo UBND cấp xã xây dựng, bố trí các điểm tập kết CTRSH tại các xã, phường, thị trấn; tăng số lượng và đa dạng hóa các đơn vị tham gia thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH trên địa bàn.
Đồng thời, các cơ sở thu gom, vận chuyển CTRSH trên địa bàn phải đầu tư, nâng cấp các trang thiết bị và phương tiện thu gom, vận chuyển CTRSH đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định; tăng cường thêm nhân lực để đáp ứng nhu cầu thu gom, vận chuyển CTRSH kịp thời, không để tồn đọng gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường; công khai rộng rãi về địa điểm, tần suất và lộ trình, tuyến thu gom từng nhóm CTRSH sau phân loại đến các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để biết và chuyển giao theo đúng quy định.
Riêng đối với chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và chất thải nguy hại, thì có thể lựa chọn phương án thu gom tại điểm cố định hoặc thu gom tại nhà theo thời gian, thông báo rộng rãi cho người địa phương biết để thực hiện. Bên cạnh đó, các cơ quan, ban ngành thành lập các Tổ kiểm tra, giám sát của cấp mình, triển khai việc theo dõi, giám sát công tác phân loại CTRSH tại nguồn của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn và công tác thu gom, vận chuyển CTRSH sau phân loại đến các điểm tập kết, cơ sở xử lý, tái chế.
Sở TN&MT Bình Thuận được giao hỗ trợ về chuyên môn cho các địa phương trong công tác phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn; xây dựng các bộ tài liệu tuyên truyền về phân loại CTRSH tại nguồn; tổ chức tuyên truyền, phổ biến Kế hoạch phân loại CTRSH tại nguồn đến các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố để tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư; tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ sở xử lý/tái chế CTRSH trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Đồng thời, Sở TN&MT Bình Thuận chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các địa phương và các cơ quan, đơn vị xây dựng, trình UBND tỉnh ban hành quy định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã phân loại của hộ gia đình, cá nhân để áp dụng theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; triển khai xây dựng Hệ thống thông tin phục vụ công tác quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn của tổ chức, công dân trên địa bàn tỉnh phù hợp với cở sở dữ liệu về môi trường theo Quyết định số 1078/QĐ-UBND ngày 08/6/2023 của UBND tỉnh Bình Thuận...
Thanh Tùng
Bình luận