Hotline: 0941068156
Thứ năm, 23/01/2025 11:01
Thứ năm, 01/08/2024 10:08
TMO – Để triển khai hiệu quả quy định ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) trong Luật Bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng, trình ban hành 3 Nghị định; 5 Thông tư; 6 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 1 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và 1 tiêu chuẩn quốc gia.
Theo Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), trong năm 2024, Bộ TN&MT đã hoàn thành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, trình Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 81-KL/TW.
Kết luận số 81-KL/TW đề ra nhiệm vụ phải xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính của từng ngành, lĩnh vực; thiết lập và vận hành hiệu quả thị trường các-bon; giao Ban Cán sự đảng Chính phủ nghiên cứu đề xuất xây dựng Nghị quyết về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu để trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tham mưu xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận.
Hà Nội và TP. HCM đang nỗ lực triển khai các giải pháp giảm phát thải trong hoạt động giao thông. Ảnh minh họa.
Để triển khai hiệu quả quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu trong Luật Bảo vệ môi trường, Bộ TN&MT đã xây dựng, trình ban hành 3 Nghị định; 5 Thông tư; 6 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 1 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và 1 tiêu chuẩn quốc gia. Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 496/QĐ-TTg ngày 11/6/2024 về Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozon, chất gây hiệu ứng nhà kính; trong đó đã tích hợp nội dung làm mát bền vững. Với Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 02/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý tín chỉ các-bon nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định, Bộ TN&MT đang phối hợp với các Bộ liên quan và các địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao.
Trước bối cảnh diễn biến đàm phán quốc tế về biến đổi khí hậu và tình hình thực tiễn trong nước đã đặt ra những yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT.
Dự thảo Nghị định sửa đổi tập trung vào một số nội dung: Tăng cường công tác kiểm kê khí nhà kính; phát triển thị trường carbon, sàn giao dịch carbon; phân bổ hạn ngạch cho các cơ sở, doanh nghiệp tham gia thị trường carbon; quản lý tín chỉ carbon; trao đổi tín chỉ carbon quốc tế; quy định về bảo vệ tầng ozon. Cục Biến đổi khí hậu nhận định, đây là những vấn đề mới và Bộ TN&MT đã nhận được nhiều ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, tổ chức, các địa phương. Dự thảo đã được Bộ Tư pháp thẩm định để hoàn thiện trình Chính phủ. Để thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính quốc gia, thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Bộ TN&MT đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính cập nhật năm 2024.
Ngày 3/6/2013, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết 24-NQ/TW về chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2020, về cơ bản, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính; có bước chuyển biến cơ bản trong khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững, kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học nhằm bảo đảm chất lượng môi trường sống, duy trì cân bằng sinh thái, hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường. Đến năm 2050, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả và bền vững tài nguyên; bảo đảm chất lượng môi trường sống và cân bằng sinh thái, phấn đấu đạt các chỉ tiêu về môi trường tương đương với mức hiện nay của các nước công nghiệp phát triển trong khu vực.
HẢI YẾN
Bình luận