Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 00:01
Thứ tư, 14/02/2024 07:02
TMO - Để chủ động triển khai thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, trồng cây, trồng rừng, cả nước đã và đang chung sức, đồng lòng góp sức trồng mới 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025.
Biến đổi khí hậu toàn cầu, các hiện tượng thời tiết cực đoan, bão, lụt, sạt lở, hạn, mặn đã gây hậu quả nặng nề đến tính mạng, tài sản nhân dân. Thực tiễn này đang đặt ra yêu cầu bảo vệ và phát triển rừng quyết liệt hơn, vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ chiến lược lâu dài. Để chủ động triển khai thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, trồng cây, trồng rừng, cả nước đã và đang chung sức, đồng lòng góp sức trồng mới 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025.
Phong trào "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" vào mỗi dịp Tết Nguyên đán vừa góp phần quan trọng vào việc trồng cây, vừa tạo lan tỏa cho Đề án "Trồng một tỷ cây xanh". Trong đó, dịp Xuân Nhâm Dần 2022 các địa phương đã trồng mới được trên 4.000 ha rừng tập trung tương đương 6,5 triệu cây, cùng với 25 triệu cây phân tán. Dịp Xuân Quý Mão 2023 cả nước đã chuẩn bị được 170 triệu cây giống để trồng hàng nghìn héc-ta rừng và hàng triệu cây phân tán. Dự kiến dịp Xuân Giáp Thìn 2024 có hàng triệu cây xanh được trồng để hưởng ứng "Tết trồng cây".
Dự kiến dịp Xuân Giáp Thìn 2024 có hàng triệu cây xanh được trồng để hưởng ứng "Tết trồng cây".
Ngày 01/4/2021 Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt đề án thực hiện Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh “Vì một Việt Nam xanh” trên quy mô toàn quốc trong giai đoạn 2021-2025. Theo đề án trồng cây xanh này, sẽ có gần 700 triệu cây xanh được trồng phân tán ở khu vực đô thị và nông thôn, và hơn 300 triệu cây xanh trồng rừng tập trung.
Để góp sức cùng cả nước thực hiện mục tiêu này, Quảng Ninh đã đặt nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025 hoàn thành trồng 12.411.218 cây (tương đương diện tích 7.092ha), trong đó 4.294.000 cây phân tán (tương đương diện tích 3.533,1ha) và 8.117.218 cây trồng rừng tập trung (tương đương diện tích 3.559,2ha). Riêng trong năm 2023, toàn tỉnh trồng 5 triệu cây xanh theo đề án Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ.
Nhằm mục tiêu giữ vững tỷ lệ che phủ rừng, nâng cao chất lượng rừng, công tác trồng và bảo vệ rừng luôn được Quảng Ninh quan tâm thực hiện. Hiện tỉnh đang tập trung chỉ đạo triển khai Tết trồng cây xuân Giáp Thìn 2024 và trồng rừng vụ xuân. Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 16/KH-UBND (ngày 26/1/2024) về việc tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Giáp Thìn 2024 gắn với trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa và hưởng ứng Đề án trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số 17/KH-UBND (ngày 26/1/2024) về tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Giáp Thìn 2024 gắn với trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa và hưởng ứng Đề án trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, các địa phương sẽ đồng loạt tổ chức Lễ phát động Tết trồng cây vào ngày 15/2 (ngày 6 tháng Giêng). Trong ngày tổ chức Lễ phát động Tết trồng cây, toàn tỉnh phấn đấu trồng tối thiểu 1 triệu cây tại rừng trồng tập trung và trồng cây phân tán tại khu vực đô thị, nông thôn. Trong đó, tập trung trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa có giá trị kinh tế cao, trọng tâm trồng rừng bằng lim, giổi, lát; trồng cây hoàn nguyên, phục hồi môi trường, phát triển thành rừng cây gỗ lớn đảm bảo mục tiêu bảo vệ, phát triển bền vững để hoàn thành chỉ tiêu được giao cả năm 2024.
Để tiếp tục thực hiện Đề án 'Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025' và đề án 'Phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với du lịch', tỉnh Thái Bình phấn đấu trồng khoảng 1,5 triệu cây xanh các loại. Theo kế hoạch, với 1,5 triệu cây xanh sẽ được tỉnh Thái Bình triển khai trồng trong năm 2024, bao gồm: 80.000 cây lâm nghiệp, tương đương 50ha trồng mới và trồng bổ sung rừng; trồng hơn 1,4 triệu cây phân tán nội đồng. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023, toàn tỉnh đã triển khai trồng được hơn 1,76 triệu cây xanh các loại.
Trong đó, cây lâm nghiệp có 33.000 cây bần chua tương đương 17ha rừng; cây phân tán nội đồng vụ xuân có hơn 1,7 triệu cây gồm cây ăn quả, cây dược liệu, cây bóng mát…; cây ăn quả có 20.050 cây, chủ yếu là mít dai vàng do Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và các doanh nghiệp trong tỉnh hỗ trợ. Với kết quả này đã góp phần để Thái Bình gia tăng diện tích và chất lượng rừng giúp bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai, chống biến đổi khí hậu, tạo không gian đô thị, nông thôn đẹp, hiện đại, văn minh.
Các địa phương phấn đấu đạt được các mục tiêu trồng mới cây xanh để góp sức triển khai hiệu quả đề án.
Trong năm 2024, toàn tỉnh Quảng Nam sẽ phấn đấu trồng mới hơn 11 triệu cây xanh theo đề án Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021- 2025 của Chính phủ. Theo đó, phong trào "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" trên phạm vi toàn tỉnh dự kiến triển khai từ ngày 15/2 - 5/3/2024 với chương trình chính là Lễ phát động ra quân trồng cây đầu năm nhân dịp Tết Nguyên đán. Ngoài ra, Sở NN&PTNT phát động phong trào trồng cây chào mừng 65 năm ngày Lâm nghiệp Việt Nam.
Theo chỉ tiêu kế hoạch, toàn tỉnh phấn đấu trồng 11,161 triệu cây (trong đó có 10,465 triệu cây xanh phân tán; 696 nghìn cây xanh tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng trồng sản xuất). Lựa chọn cây trồng phù hợp với điều kiện lập địa, sinh thái ở mỗi địa phương. Trong đó, tổ chức trồng ở những nơi đất trống tại khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư tập trung; trong các cơ quan, trường học, bệnh viện; khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, ven đường, dọc bờ sông, vùng phòng hộ ngoài đê biển…
Theo Cục Lâm nghiệp, trong ba năm 2021 - 2023 thực hiện Đề án, cả nước đã trồng được gần 770 triệu cây xanh đạt trên 121% so với kế hoạch; trong đó có 344,5 triệu cây xanh phân tán, còn lại là cây xanh tập trung. Tổng nguồn vốn huy động để thực hiện Đề án trong 3 năm qua là gần 9,5 nghìn tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách nhà nước chiếm 23,8%, nguồn vốn còn lại từ xã hội hoá và nguồn vốn khác. Trong hai năm 2024 – 2025, Đề án tiếp tục trồng trên 492 triệu cây xanh; trong đó có hơn 275 triệu cây và 98.210 ha rừng trồng tương đương với trên 216 triệu cây.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị rà soát đánh giá kết quả thực hiện Đề án, nếu cây trồng bị chết thì trồng bổ sung; tiếp tục trồng cây theo kế hoạch đã được phê duyệt; truyền thông để mọi người hiểu, biết lợi ích và tham gia trồng cây; khi thực hiện trồng cây phải linh hoạt chủ động. Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị Cục Lâm nghiệp và các đơn vị khác, giải quyết ngay kiến nghị của các địa phương thuộc thẩm quyền, việc thuộc thẩm quyền cấp trên thì báo cáo ngay. Đề nghị các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế tiếp tục hỗ trợ kinh phí, sáng kiến để thực hiện Đề án.
Minh Hương
Bình luận