Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 06:01
Thứ năm, 05/01/2023 03:01
TMO - Thời gian tới, tỉnh Sơn La triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn ngăn chặn, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm; cải thiện chất lượng môi trường tại các khu vực đang có nguy cơ ô nhiễm; ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học; nâng cao năng lực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn chế chất thải phát sinh, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Năm 2022, việc thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường tiếp tục được Sơn La quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực. Đã lồng ghép công tác bảo vệ môi trường với chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường được triển khai sâu rộng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, tích cực đưa Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 vào cuộc sống, góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trên toàn tỉnh.
Sơn La đã quan tâm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường ngay từ giai đoạn lập dự án đầu tư, cũng như xem xét, lựa chọn, phê duyệt thủ tục về môi trường, kiểm soát chặt chẽ các dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm cao. Với các dự án đầu tư có yếu tố công nghệ phải thực hiện thẩm định công nghệ, đăng ký chuyển giao công nghệ, rà soát, kiên quyết không cho phép sử dụng công nghệ trong danh mục cấm chuyển giao theo quy định.
Thời gian qua, công tác thanh, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất nông sản được UBND tỉnh quyết liệt chỉ đạo triển khai
Hiện nay, tỉnh Sơn La đang áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia, chưa ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường của địa phương. Đối với công tác xử lý chất thải rắn, tỉnh Sơn La đang triển khai xây dựng quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có lồng ghép nội dung quản lý chất thải rắn. Hiện nay, trên địa bàn thành phố Sơn La đã được đầu tư Khu liên hợp xử lý chất thải rắn sử dụng phương pháp ủ sinh học làm phân Compost với công suất 80 tấn/ngày.
Đối với rác thải sinh hoạt trên tại các huyện được thu gom, vận chuyển về các bãi chôn lấp rác thải trên địa bàn để xử lý. Công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường được thực hiện nghiêm. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN&MT, UBND cấp huyện tăng cường thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đặc biệt yêu cầu kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở có lượng chất thải lớn, các cơ sở chế biến nông sản, chăn nuôi.
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, các chỉ tiêu về môi trường trong năm 2022 trên địa bàn tỉnh đạt được như sau: tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh Sơn La đạt 46,4%. Trên 95% dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; trên 93% dân số đô thị được sử dụng nước sạch; 100% các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý; 90,9% chất thải rắn đô thị và 80% chất thải rắn nông thôn được thu gom… Hoàn thành Dự án thu gom, xử lý nước thải thành phố Sơn La với quy mô công suất 6.857m3/ngày đêm; dự án cấp thoát nước đô thị Mộc Châu, công suất 4.500m3/ngày đêm...
Năm 2023 và giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Sơn La đã đề ra 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong Kế hoạch bảo vệ môi trường tỉnh, bao gồm: Hỗ trợ xử lý các điểm nóng về môi trường ở địa phương, cụ thể tiến hành duy trì hoạt động của công trình bảo vệ môi trường các dự án đã được đầu tư đảm bảo vận hành có hiệu quả, xử lý đạt tiêu chuẩn kỹ thuật môi trường đối với nước thải, chất thải rắn phát sinh. Triển khai thực hiện các dự án phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải khu vực đô thị và nông thôn theo hướng giảm tỷ lệ chôn lấp, tăng tỷ lệ tái chế, tái sử dụng rác thải.
Ngành chức năng đẩy mạnh quan trắc, kiểm soát chất lượng môi trường, ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm nguồn nước.
Thứ hai, phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường được triển khai thông qua việc xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền của UBND cấp tỉnh theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Xây dựng, ban hành quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong đó có phương án bảo tồn đa dạng sinh học, sinh cảnh quan trọng, khu bảo tồn thiên nhiên và phân vùng môi trường.
Tiếp tục thực hiện chương trình quan trắc môi trường năm 2022-2025, tổng hợp và công bố số liệu quan trắc môi trường hằng năm. Kiểm soát chặt chẽ các KCN, CCN trong việc xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung, lắp đặt hệ thống thiết bị kiểm soát, giám sát hoạt động xả thải theo quy định và truyền số liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường. Bên cạnh đó, đánh giá, dự báo chất lượng môi trường nước mặt, trầm tích, khả năng chịu tải của môi trường nước mặt đối với sông, hồ trên địa bàn tỉnh. Kiểm kê đánh giá nguồn thải, mức độ ô nhiễm sông, hồ trên địa bàn; đánh giá dự báo chất lượng môi trường không khí, điều tra, đánh giá, xác định và khoanh vùng các khu vực có nguy cơ ô nhiễm môi trường đất trên địa bàn.
Thứ ba, về nhiệm vụ quản lý chất thải được nhấn mạnh đến nhiệm vụ tăng cường quản lý chất thải rắn, chất thải rắn nguy hại ở các đô thị, KCN. Tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt khu vực đô thị và nông thôn, trọng tâm là việc phân loại rác thải tại nguồn, nâng cao năng lực thu gom, triển khai một số mô hình điểm về xử lý rác thải nông thôn, vận hành hoạt động các bãi chôn lấp chất thải hợp vệ sinh.
Thứ tư, bảo tồn đa dạng sinh học: Tổ chức triển khai Luật Đa dạng sinh học; Triển khai hoạt động quản lý, phát triển di sản thiên nhiên. Phòng ngừa, ngăn chặn sự xâm nhập của các loài sinh vật vật ngoại lai, sinh vật biến đổi gen gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Quản lý bảo vệ các khu bảo tồn, đất ngập nước quan trọng, khu vực đa dạng sinh học cao, hành lang đa dạng sinh học... hưởng ứng và triển khai sáng kiến Trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với xử lý rác thải, Sơn La chú trọng giảm tỷ lệ chôn lấp, tăng tỷ lệ tái chế, tái sử dụng rác thải (Ảnh minh họa: NN)
Thứ năm, tăng cường năng lực quản lý môi trường thông qua việc xây dựng và thực hiện phương án về tổ chức, cán bộ của cơ quan để đảm bảo thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn theo đúng quy định. Tổ chức tập huấn, đào tạo nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước về môi trường từ tỉnh đến cơ sở xã, phường nhằm đảm bảo năng lực trong quản lý, ứng phó với các vấn đề môi trường hiện nay. Xây dựng và đưa vào hoạt động thống nhất quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin về môi trường và đa dạng sinh học.
Thứ sáu, tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, trong đó đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa thân thiện với môi trường, tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đặc biệt là công tác phân loại chất thải rắn tại nguồn và hạn chế sử dụng túi nilon một lần.
Thứ bảy, tiếp tục triển khai Chỉ thị của Chính phủ về một số nhiệm vụ cấp bách về bảo vệ môi trường. Trong đó, đẩy mạnh rà soát tình hình thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường, các quy chuẩn áp dụng, các chương trình giám sát môi trường của các dự án theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, trong đó tập trung rà soát các dự án đầu tư lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Thực hiện chế độ kiểm tra, giám sát đặc biệt đối với các dự án, KCN, CCN, làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ lớn, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường trên diện rộng, thông qua các Tổ công tác liên ngành, chương trình kiểm tra định kỳ, chế độ giám sát. Rà soát quy hoạch, nhu cầu xử lý, chôn lấp, năng lực đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường của các cơ sở xử lý, chôn lấp chất thải trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung hướng dẫn rà soát, xây dựng quy hoạch quản lý chất thải rắn trên cơ sở đánh giá, dự báo nhu cầu xử lý, chôn lấp chất thải, khả năng đáp ứng của các cơ sở xử lý, chôn lấp chất thải.
Cuối cùng, đẩy mạnh ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua hoạt động phát triển thị trường carbon trong nước; Xây dựng hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cấp tỉnh; Xây dựng báo cáo đánh giá tác động, tính dễ bị tổn thương, rủi ro, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu cấp tỉnh; Điều tra, thống kê, giám sát, lập danh mục chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính.
Để triển khai các nhiệm vụ bảo vệ môi trường đạt hiệu quả, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ban, ngành, các huyện, thành phố để hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023. Tập trung kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về môi trường từ cấp tỉnh đến huyện, xã, bảo đảm ở cấp huyện có cán bộ chuyên trách về quản lý môi trường, cấp xã có cán bộ phụ trách công tác bảo vệ môi trường.
Dự kiến, tổng dự toán chi sự nghiệp môi trường năm 2023 trên địa bàn tỉnh Sơn La là hơn 165 tỷ đồng, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm gồm: Lập Báo cáo chuyên đề về hiện trạng môi trường; Điều tra, thống kê, đánh giá nguy cơ sự cố môi trường; Điều tra, đánh giá, phân loại chất lượng môi trường đất; Giám sát, kiểm tra, nghiệm thu việc quản lý vận hành Khu xử lý chất thải rắn thành phố; Hỗ trợ vận hành hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục Nhà máy xử lý nước thải thành phố; Hỗ trợ phân loại tại nguồn, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố và huyện Quỳnh Nhai…
Minh Hoàng
Bình luận