Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 01:01
Thứ tư, 05/07/2023 14:07
TMO - Trong những năm qua, các địa phương, đơn vị trong tỉnh Đắk Lắk đã ngày càng chủ động hơn trong công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế-xã hội bền vững; trong đó, công tác lập kế hoạch phòng, chống thiên tai giữ vai trò rất quan trọng sẽ góp phần chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó kịp thời, hiệu quả; giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Với mật độ sông suối lớn, địa hình đa dạng, Đắk Lắk là một trong những tỉnh có tiềm năng lớn về thủy lợi, thủy điện, thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, do đặc thù về khí hậu, địa hình, địa lý tự nhiên, Đắk Lắk là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng của rất nhiều loại hình thiên tai khác nhau, thường xảy ra hàng năm, như: hạn hán, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất, lốc, sét, mưa đá. Ngoài ra, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tỉnh Đắk Lắk còn xuất hiện hiện tượng thời tiết lạnh, gió mạnh, mưa trái vụ...
Đặc biệt, trong những năm gần đây, cùng với sự biến đổi của khí hậu toàn cầu, tình hình thiên tai cả nước nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng diễn biến ngày càng phức tạp, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và phát triển kinh tế của Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2010-2020 khoảng 15.000 tỷ đồng.
Với diện tích đất rừng trên địa bàn tỉnh rất lớn nên trong mùa khô còn chịu ảnh hưởng loại hình thiên tai cháy rừng. Các khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao và rất cao gồm địa bàn các huyện: M’Drắk, Krông Bông, Ea Kar, Lắk, Krông Năng, Krông Búk, Buôn Đôn, Ea Súp, Ea H’Leo; diện tích rừng có nguy cơ cháy cao khoảng 237.790 ha. Dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hoạt động phát triển kinh tế xã hội của con người thì nguy cơ cháy rừng ngày càng cao.
Với hạ tầng phục vụ công tác phòng chống thiên tai, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện đã xây dựng được 856 công trình thủy lợi (tổng số hồ đập đứng thứ 2 cả nước) gồm 619 hồ chứa (tổng dung tích trữ khoảng 650 triệu m3), 161 đập dâng, 76 trạm bơm và 02 hệ thống đê bao. Tổng chiều dài hệ thống kênh mương các loại khoảng 2.428 km, đã kiên cố được gần 66%. Trong đó các hồ chứa thủy lợi có dung tích trữ nước lớn là hồ chứa Ea Soup thượng (147 triệu m3), hồ chứa Krông Buk hạ (109 triệu m3), hồ chứa Buôn Triết (25 triệu m3), hồ chứa Ea H’leo 1, hồ chứa Krông Pách thượng đang xây dựng (122,69 triệu m3) với nhiệm vụ vận hành trong mùa mưa lũ vừa đảm bảo an toàn công trình, tham gia giảm nhẹ lũ cho hạ du đồng thời phải tích đủ nước để phục vụ sản xuất phòng chống hạn hán là hết sức quan trọng. Tổng diện tích đất gieo trồng được tưới trực tiếp từ hệ thống công trình thủy lợi đạt khoảng trên 152 nghìn ha.
Toàn tỉnh Đắk Lắk và lân cận hiện có 04 trạm khí tượng là Buôn Mê Thuột, Buôn Hồ, Lắk, M’Đrắk; 05 trạm đo thủy văn trên dòng chính các sông suối (sông Srêpôk có 02 trạm Cầu 14, Bản Đôn; sông Krông Buk có trạm Krông Buk, sông Krông Ana có trạm Giang Sơn và sông Krông Knô có trạm Đức Xuyên); có 76 trạm đo mưa phục vụ công tác phòng chống thiên tai trải đều trên địa bàn tỉnh với mật độ xấp xỉ 173 km2/trạm (trong đó 22 trạm đo mưa thuộc mạng lưới quốc gia quản lý; 45 trạm đo mưa chuyên dùng thuộc mạng lưới dùng riêng do tỉnh quản lý).
Theo Viện khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, hiện nay biến đổi khí hậu dẫn tới những thay đổi về tần suất, cường độ, phạm vi không gian, và thời gian của các hiện tượng thời tiết và khí hậu cực đoan, có thể dẫn đến các hiện tượng thời tiết và khí hậu khắc nghiệt chưa từng thấy. Để sẵn sàng chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh cần tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp.
Tỉnh Đắk Lắk chủ động các phương án sẵn sàng ứng phó, giảm nhẹ thiệt hại do các loại hình thiên tai nhất là mưa lũ.
Hàng năm, Đắk Lắk rà soát và ban hành quyết định kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh và phân công nhiệm vụ thành viên nhằm huy động tối đa nguồn lực của các cơ quan, tổ chức tham gia công tác phòng, chống giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai. Hoàn thiện chế tài và thực hiện kiểm soát, quản lý chặt chẽ việc xây dựng, nâng cấp nhà ở, công trình ven sông suối để hạn chế ảnh hưởng do sạt lở và làm tăng nguy cơ sạt lở. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về lĩnh vực xây dựng và công trình thủy lợi trong hành lang bảo vệ nguồn nước;
Phổ biến kiến thức, hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, nhất là kỹ năng ứng phó khi xảy ra tình huống thiên tai lớn, phức tạp cho các cấp chính quyền cơ sở, đơn vị phòng chống thiên tai các cấp, các nhóm đối tượng trong xã hội để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống, giảm thiệt hại; Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai vào cộng đồng: Tổ chức diễn tập phương án ứng phó với các loại hình thiên tai nguy hiểm (ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, bão mạnh, mưa đá...) ở cộng đồng cấp xã; Xây dựng và nhân rộng mô hình xã điển hình về thực hiện nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng trong phòng chống thiên tai.
Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống thiên tai các cấp theo hướng chuyên nghiệp, thường xuyên được đào tạo, tập huấn để nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ. Hàng năm tổ chức các Hội nghị đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai giai đoạn 2022÷2025 đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng của cộng đồng về phòng chống thiên tai.
Nâng cao năng lực, chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai thông qua việc xây dựng, rà soát phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo rủi ro thiên tai (lũ, ngập lụt, hạn hán, sạt lở đất), bản đồ ngập lụt vùng hạ du các hồ đập lưu vực sông suối nhiều đập và hồ chứa: Xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du đập các hồ chứa nước, đặc biệt hệ thống hồ Ea Soup hạ, Ea Soup thượng huyện Ea Súp làm cơ sở xây dựng phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp và phương án ứng phó với thiên tai. Thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên dự báo, cảnh báo khí tượng, thủy văn, quan trắc, dự báo vận hành liên hồ chứa... cấp tỉnh.
Đối với giải pháp công trình: Địa phương này chú trọng đầu tư, nâng cấp, xây dựng mới công trình thủy lợi phục vụ phát triển kinh tế xã hội và phòng chống hạn hán, giảm nhẹ lũ hạ du. Từ năm 2010 đến nay toàn tỉnh đã nâng cấp được 205 công trình (173 hồ chứa, 21 đập dâng và 11 trạm bơm) và xây dựng mới được 144 công trình (94 hồ chứa, 38 đập dâng và 12 trạm bơm) góp phần nâng cao năng lực phòng ngừa ứng phó với bão, ngập lụt, đảm bảo cấp nước phòng chống hạn hán phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt, công nghiệp và phát điện.
Nâng cấp, sửa chữa đảm bảo an toàn công trình: Giai đoạn 2022-2025 sửa chữa, nâng cấp khoảng 100 công trình (92 hồ chứa, 5 đập dâng và 3 trạm bơm), trong đó ưu tiên 15 công trình hồ đập mất an toàn, xuống cấp nghiêm trọng. Xây dựng mới các công trình thủy lợi: Giai đoạn 2022-2025 đề xuất xây dựng mới 68 công trình (49 hồ chứa, 3 đập dâng và 16 trạm bơm) trong đó xây dựng hệ thống đường ống hồ Ea H’Leo 1, hoàn thiện hồ chứa nước Yên Ngựa, trạm bơm Du Kmal và xây dựng mới hồ chứa nước Krông Năng, Ea Khai; Ưu tiên xây dựng mới 25 công trình thủy lợi.
Bên cạnh đó, địa phương này cũng triển khai các giải pháp nâng cấp, mở rộng công trình nâng cao hiệu quả sử dụng nước: Ngoài 5 công trình (hồ Krông Búk hạ, hồ Buôn Jong, hồ Ea Kuăng, hồ Trung Tâm, hồ Đồi 500) đã được ADB 8 cam kết tài trợ nguồn vốn để mở rộng khu tưới, nâng cao hiệu quả sử dụng nước. Đề xuất mở rộng khu tưới tưới ở các công trình: Hệ thống hồ Ea Súp, mở rộng khu tưới thêm 450 ha so với hiện nay; hồ Krông Năng mở rộng thêm 1.000 ha so với thiết kế thành 8.500 ha, công trình chuyển nước từ Buôn Tua Srah sang hồ Buôn Triết mở rộng khu tưới của hồ Buôn Triết thêm 2.200 ha.
Các công trình thủy lợi như đập thủy điện của Nhà máy Thủy điện Buôn Kuốp điều tiết không chỉ đảm bảo nguồn nước trước hạn hán, xâm nhập mặn và còn vận hành an toàn trong mùa mưa lũ.
Triển khai xây dựng các công trình phòng chống lũ, sạt lở bờ sông, bờ suối Cải tạo, nạo vét, thanh thải vật cản trên các tuyến sông suối để tăng cường khả năng thoát lũ gồm: sông Krông Nô đoạn qua địa bàn huyện Lắk; nhánh sông Krông Buk hạ lưu hồ Krông Buk hạ đến nhập lưu sông Krông Păc; sông Krông Pắc đoạn qua địa bàn xã Ea Ô, Ea Păl huyện Ea Kar; sông Krông Bông đoạn qua địa bàn xã Hòa Lễ, Hòa Phong huyện Krông Bông và nhiều nhánh suối trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục điều tra, khảo sát đánh giá tình hình sạt lở bờ sông, bờ suối trên địa bàn tỉnh, đặc biệt các tuyến sông suối chảy qua khu vực dân cư trọng điểm hoặc có thể ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng đường xá, cầu cống, công trình thủy lợi.
Triển khai các giải pháp kỹ thuật ứng phó với tình trạng sạt lở bờ sông, bờ suối như sau: Cắm biển cảnh báo sạt lở, cắm mốc bảo vệ bờ sông bờ suối; Trồng tre và cỏ vertiver bảo vệ bờ; di dời dân cư khỏi phạm vi sạt lở và phạm vi bờ sông, bờ suối; Xây dựng công trình phòng, chống sạt lở bảo vệ khu đô thị, khu dân cư tập trung có nguy cơ sạt lở theo kế hoạch, quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; Xây dựng các công trình chỉnh trị sông nhằm giữ ổn định tỷ lệ phân lưu, ổn định dòng chảy, hình tái sông, bờ sông tại các khu vực trọng điểm có diễn biến xói bồi phức tạp. Xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng (hồ, đập, trạm bơm, kênh mương, giao thông, kè, công trình cấp nước...) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ quốc phòng, an ninh kết hợp tác dụng phòng chống thiên tai.
Lắp đặt hệ thống giám sát mực nước hồ chứa, đo mưa lưu vực hồ tự động cho ít nhất 15 hồ chứa lớn gồm: Hồ Ea Kao, hồ Ea Chư Kăp hạ, hồ Buôn Jông, hồ Ea Rớt, hồ Ea Kar, hồ Ea Knốp, hồ Ea Nhái, hồ Buôn Tría, hồ Buôn Triết, hồ Đắk Minh, hồ Ea Bông, hồ Yang Reh, hồ Ea Kuang, hồ Ea Uy, hồ Vụ Bổn. Khuyến khích đơn vị Quản khai thác công trình thủy lợi lắp đặt hệ thống quan trắc mực nước hồ, lưu lượng cống tự động theo công nghệ phù hợp điều kiện kinh tế.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình thời tiết, Đắk Lắk chú trọng đến phương án ứng phó với hạn hán, thiếu nước, cháy rừng. Đây là loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là những năm gần đây, đã gây thiệt hại rất lớn đến đời sống của nhân dân. Để chủ động đối phó với tình hình hạn hán có thể xảy ra, đảm bảo đủ nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của nhân dân cần thực hiện một số giải pháp: Tổ chức nạo vét hệ thống kênh mương, cửa vào các cống lấy nước, trạm bơm tưới, ao, giếng, khơi thông dòng chảy, lắp đặt trạm bơm dã chiến, phương tiện lấy nước để chủ động vận hành, đảm bảo đủ điều kiện dẫn nước thông thoáng từ đầu mối tới mặt ruộng, tận dụng mọi nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt.
Đề xuất kế hoạch điều tiết các hồ chứa thủy điện để cung cấp nước cho vùng hạ du trong các thời kỳ khô hạn, bảo đảm đủ nước phục vụ sinh hoạt, nông nghiệp; với các hồ chứa thủy điện đang có dung tích trữ thấp, đề nghị không phát điện theo thị trường cạnh tranh, ưu tiên phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp.
Lắp đặt các biển hiệu cấp dự báo cháy rừng đặt tại trụ sở các đơn vị, đầu mối giao thông gần các khu vực có khả năng xảy ra cháy rừng. Xác định, phân vùng các khu vực rừng trọng điểm có nguy cơ cháy theo mức độ rất cao, cao, trung bình. Rà soát lại các vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao với quy mô đám cháy lớn để bổ sung phương án chữa cháy rừng, tùy theo diễn biến tình hình thời tiết và thực tiễn khu vực rừng có nguy cơ xảy ra cháy lớn tại các địa phương, đảm bảo việc hỗ trợ huy động lực lượng chữa cháy khi vượt quá tầm kiểm soát và khả năng giải quyết của địa phương
Đối với thiên tai do lốc, sét, mưa đá, đây là loại hình thiên tai xảy ra có tính cục bộ, trên diện hẹp, có mức độ nguy hiểm cao, đặc biệt về tính mạng của con người và khó dự báo sớm. cấp độ rủi ro thiên tai có 2 cấp. Hàng năm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk thường xuyên chịu ảnh hưởng của lốc, sét, mưa đá. Vùng trọng điểm ảnh hưởng gồm các huyện: Ea Súp, Buôn Đôn, Krông Búk, M’Đrăk, Krông Năng, Ea Kar.... Đắk Lắk khuyến cáo nhân dân chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó với lốc, sét, mưa đá; chỉ đạo địa phương vùng ảnh hưởng tăng cường phương châm 4 tại chỗ, tập trung huy động mọi nguồn lực để ứng cứu và khắc phục hậu quả, thực hiện vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh, trật tự xã hội vùng xảy ra lốc, sét, mưa đá.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương phối hợp với UBND các cấp chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể các phường, xã, thôn, buôn giúp đỡ những gia đình bị nạn sửa chữa, nhà cửa; chủ động hỗ trợ kịp thời đối với các gia đình bị thiệt hại nặng; hướng dẫn kiểm tra, báo cáo thiệt hại, lập văn bản kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả, ổn định đời sống nhân dân...
Lê Dương
Bình luận