Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 05:01
Thứ tư, 02/08/2023 13:08
TMO - Tình trạng sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh Long An ngày càng diễn ra nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân ở nhiều khu vực. Địa phương này đang triển khai nhiều giải pháp nhằm sẵn sàng các phương án ứng phó, giảm thiệt hại do sạt lở gây ra.
UBND tỉnh Long An cho biết, các sông, kênh rạch chính trên địa bàn tỉnh Long An có tổng chiều dài hơn 8.286km, trong đó có hơn 800km nằm trên các sông, kênh rạch lớn có nền đất mềm yếu, dòng nước chảy xiết có nguy cơ xảy ra sạt lở cao. Từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình sạt lở, sụt lún đất trên địa bàn diễn biến phức tạp. Toàn tỉnh xảy ra 9 điểm sạt lở nghiêm trọng tại khu vực bờ sông Vàm Cỏ Tây, kênh Dương Văn Dương (huyện Thạnh Hóa); bờ sông Cần Giuộc (huyện Cần Giuộc); bờ sông Vàm Cỏ Tây (huyện Tân Trụ); rạch Ông Bán (huyện Cần Đước); đê bao sông Vàm Cỏ Tây (huyện Thủ Thừa); rạch Bàu Le (Cần Đước); rạch Bà Hai Màng; bờ Đông kênh Cà Nhíp và bờ Bắc kênh Tân Hòa (huyện Tân Thạnh), với tổng chiều dài sạt lở khoảng 1.920m, làm sạt lở 7 căn nhà, 2 hàng rào của nhà dân và nhiều diện tích đất, giá trị thiệt hại khoảng 2 tỉ đồng.
Trong đó, có 2 điểm sạt lở đặc biệt nghiêm trọng nằm ở địa bàn huyện Tân Thạnh. Vị trí sạt lở nằm tại Ngã tư bờ Đông kênh Cà Nhíp và bờ Bắc kênh Tân Hòa; chiều dài sạt lở khoảng 205 m, lấn sâu vào phía mái taluy của tuyến đường bờ đông Kênh Cà Nhíp và đường bờ Bắc kênh Tân Hòa từ 3-5m, chiều sâu từ mặt đất đến đáy kênh khoảng 7m.
Địa phương đã thực hiện xử lý gia cố tạm thời bằng cừ dừa để chống sạt lở sâu vào phần lưu không của tuyến đường. Ngoài ra, còn 2 điểm đặc biệt nghiêm trọng khác nằm ở thuộc khu vực bờ sông Vàm Cỏ Tây ấp Bến Kè, Nước Trong, Voi Đình, xã Thuỷ Đông và tại khu vực cầu Bún Bà Của (Km 65+400), Quốc lộ 62 - Quốc lộ N2 thuộc ấp 2, xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hoá, tỉnh Long An.
Sạt lở sông Vàm Cỏ Tây (đoạn qua xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa) cắt đứt con đường huyết mạch của trên 500 hộ dân. Ảnh: LN.
Huyện Thạnh Hóa có 2 điểm sạt lở đặc biệt nghiêm trọng: điểm thứ 1 là khu vực bờ sông Vàm Cỏ Tây áp Bến Kè, Nước Trong, Voi Đình), xã Thuỷ Đông, huyện Thạnh Hoá với tổng chiều dài sạt lở khoảng 50m, đất sạt lở và lún sâu từ mặt đất hiện trạng xuống đáy sông khoảng 4 - 6m (dạng hàm ếch), chiều rộng sạt lở sâu vào phía bờ khoảng12-13m. Ngoài ra, trong khu vực sạt lở còn xuất hiện nhiều vết nứt rộng từ 2-10cm, phạm vi xuất hiện vết nứt có chiều dài khoảng 160m và có khả năng tiếp tục xảy ra sạt lở. Điểm thứ 2 tại khu vực cầu Bún Bà Của (Km 65+400), Quốc lộ 62 - Quốc lộ N2 thuộc ấp 2, xã Thủy Tây xảy ra 01 vụ sạt lở làm sạt lở lề đường phía kênh Dương Văn Dương với chiều dài 20m, bị sụp lún 90cm so với mặt đường hiện trạng làm hư hỏng hàng rào bảo vệ an toàn đường giao thông và gây khó khăn cho phương tiện tham gia giao thông.
Tại huyện Cần Giuộc, từ đầu năm đến nay địa phương này xảy ra 2 điểm sạt lở nghiêm trọng. Điểm sạt lở thứ nhất tiếp giáp giữa sông Cần Giuộc với Đường tỉnh 826C sạt lở khoảng 36m, làm sụt lún 7 căn nhà của 2 hộ dân, tổng thiệt hại gần 1,4 tỉ đồng. Hiện, điểm sạt lở đang được tỉnh thi công công trình kè chống sạt lở. Điểm sạt lở thứ hai tại vị trí Rạch Bàu Le giáp sông Kênh Hàn, thuộc ấp Thạnh Trung, xã Phước Vĩnh Đông. Vụ sạt lở sụt lún với chiều dài 80m, trong đó làm sạt lở, sụt lún nghiêm trọng một đoạn đường dân sinh khoảng 20m, chiều sâu sụt lún từ 2-3m, sạt lở lấn sâu từ bờ rạch đến sát mép hàng rào nhà dân khoảng 8m làm cắt đứt hoàn toàn tuyến đường dân sinh của 16 hộ dân sinh sống bên trong (trong khu vực có khoảng 30 hộ sinh sống).
Hiện, điểm sạt lở này, địa phương đã vận động người dân xử lý, gia cố tạm bằng cừ dừa ngoài đường bêtông để bảo vệ ổn định phần đất còn lại, đồng thời huyện cũng đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí thực hiện kè chống sạt lở và đã được thông qua. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có 9 điểm sạt lở, nguy cơ sạt lở như ngã ba Xóm Câu (ấp Mương Chài, xã Phước Lại); đường Xóm Đáy - Lò Than (ấp Đông An, xã Phước Vĩnh Đông); bến phà Ba Làng (ấp Đông An, xã Phước Vĩnh Đông),...
Huyện Thạnh Hóa có 2 điểm sạt lở đặc biệt nghiêm trọng: điểm thứ 1 là khu vực bờ sông Vàm Cỏ Tây áp Bến Kè, Nước Trong, Voi Đình), xã Thuỷ Đông, huyện Thạnh Hoá với tổng chiều dài sạt lở khoảng 50m, đất sạt lở và lún sâu từ mặt đất hiện trạng xuống đáy sông khoảng 4 - 6m (dạng hàm ếch), chiều rộng sạt lở sâu vào phía bờ khoảng12-13m. Ngoài ra, trong khu vực sạt lở còn xuất hiện nhiều vết nứt rộng từ 2-10cm, phạm vi xuất hiện vết nứt có chiều dài khoảng 160m và có khả năng tiếp tục xảy ra sạt lở. Điểm thứ 2 tại khu vực cầu Bún Bà Của (Km 65+400), Quốc lộ 62 - Quốc lộ N2 thuộc ấp 2, xã Thủy Tây xảy ra 01 vụ sạt lở làm sạt lở lề đường phía kênh Dương Văn Dương với chiều dài 20m, bị sụp lún 90cm so với mặt đường hiện trạng làm hư hỏng hàng rào bảo vệ an toàn đường giao thông và gây khó khăn cho phương tiện tham gia giao thông.
Huyện Tân Trụ có một điểm sạt lở tại khu vực bờ sông Vàm Cỏ Tây thuộc ấp Bình Hòa, xã Đức Tân, chiều dài sạt lở khoảng 50m, bề rộng từ điểm sạt lở đến mép đất nhà dân khoảng 10m, độ sâu từ 6-8m; sạt lở đã làm cuốn trôi xuống sông một cây dừa và một ao cá của người dân. Hiện người dân đã gia cố tạm thời bằng bẹ dừa nước và cây tràm để ngăn sạt lở. Huyện Cần Đước, có một điểm sạt lở tại khu vực sạt lở tại vị trí Rạch Ông Bán (tuyến đường giao thông liên ấp 3-4), xóm Trễ, xã Phước Đông với chiều dài khoảng 150m, trong đó có một đoạn khoảng 20m bị sạt lở nghiêm trọng, chiều sâu sụt lún từ 1-3m, lấn sâu từ bờ rạch đến sát mép đường bê tông khoảng 10m.
Nguyên nhân sạt lở, sụt lún là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cùng với tác động của dòng chảy, lượng tàu, thuyền, sà lan có tải trọng lớn lưu thông qua lại ngày, đêm, di chuyển với vận tốc lớn làm cho đất dưới lòng sông, kênh bị xói mòn, tạo thành hố sâu, hàm ếch gây sạt lở ngày càng nghiêm trọng và có chiều hướng gia tăng.
UBND tỉnh yêu cầu các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm chủ động phương án cảnh báo, ứng phó với sạt lở trên địa bàn.
Để phát huy tính chủ động và thực hiện tốt hơn công tác phòng, chống thiên tai trong thời gian tới, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh kiến nghị đoàn công tác, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai tổng hợp báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét trình Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ kinh phí cho Long An thực hiện 14 công trình phòng, chống thiên tai cấp bách tại 14 điểm sạt lở trên địa bàn tỉnh để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, với tổng kinh phí gần 3.800 tỷ đồng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An cho biết, nhằm hủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với sạt lở đất mùa mưa, bão trên địa bàn tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh đề nghị các cấp, các ngành cần thường xuyên theo dõi chặt chẽ các bản tin về tình hình thời tiết, mưa, bão, lũ, triều cường của các cơ quan chuyên môn và trên website Ban Chỉ huy PCTT&TKCN để tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, chủ động đề ra các giải pháp phòng, tránh, ứng phó và khắc phục kịp thời các thiệt hại do thiên tai gây ra.
Đồng thời, các cấp, các ngành cần tăng cường tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm tra, rà soát nhằm phát hiện sớm những khu vực xung yếu, có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất để có biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời. Đặc biệt, các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, quản lý, giám sát chặt chẽ để sớm phát hiện, ngăn chặn những trường hợp khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông, kênh, rạch; tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp, báo cáo về tình hình thiệt hại do sạt lở đất và thiên tai khác.
Nguyễn Nga
Bình luận