Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 18:11
Thứ hai, 05/02/2024 07:02
TMO - Đồng Nai là tỉnh dẫn đầu cả nước về số lượng các khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động. Địa phương này đang triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất tại khu vực kinh tế này.
Theo Ban quản lý các KCN Đồng Nai, tính đến nay, trong 33 KCN được thành lập trên địa bàn tỉnh thì có 31 khu đã thu hút dự án đầu tư và đi vào hoạt động về cơ bản xây dựng hoàn thành nhà máy xử lý nước thải tập trung. Hiện tổng công suất thiết kế nhà máy xử lý nước thải tập trung của các KCN trên địa bàn tỉnh được nâng lên 205,8 nghìn m3/ngày đêm. Bên cạnh đó, có 25 KCN được lắp đặt và vận hành thiết bị quan trắc nước thải tự động. Các nhà máy xử lý nước thải tập trung trên địa bàn tỉnh đang hoạt động tương đối tốt với sự giám sát của Ban quản lý các KCN và sở, ngành liên quan.
Đến tháng 11/2023, trên địa bàn tỉnh vẫn còn 6 KCN chưa lắp đặt và vận hành thiết bị quan trắc nước thải tự động, 9 trường hợp khác thuộc đối tượng phải lắp đặt hệ thống này cũng chưa thực hiện vì chưa hết thời hạn. Tại các KCN cũng còn 11 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động chưa đấu nối nước thải về khu xử lý tập trung. Có 17/50 cơ sở chưa lắp quan trắc tự động khí thải. Đối với chất thải rắn công nghiệp thông thường và nguy hại, mặc dù tỷ lệ thu gom đạt cao nhưng phần nhiều chở đi nơi khác xử lý.
Hoàn thiện hạ tầng bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp là nhiệm vụ quan trọng được địa phương này chú trọng triển khai.
Thông tin từ Sở TN&MT Đồng Nai cho biết, hiện các KCN đã đầu tư hơn 2,3 ngàn tỷ đồng cho hạng mục xử lý nước thải tập trung. Ngoài ra, tỉnh cũng đầu tư quan trắc tự động cho các KCN để giám sát chất lượng nước thải sau xử lý. Định kỳ và đột xuất, các đơn vị chức năng thực hiện thu mẫu nước thải tại khu xử lý của các KCN, thực hiện kiểm soát ô nhiễm môi trường khoảng 250 DN/năm. Trong những năm gần đây phần lớn các DN chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở chưa chấp hành đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường. Đối với những trường hợp vi phạm môi trường, tỉnh kiên quyết xử phạt hành chính và yêu cầu khắc phục hậu quả.
Mới đây, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai đã ban hành Kế hoạch số 43/KH-KCNĐN về việc thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại các KCN Đồng Nai. Theo đó, các công ty kinh doanh hạ tầng KCN, các DN trong KCN quán triệt các bộ phận, phòng, ban và người lao động gắn nhiệm vụ triển khai thực hiện công tác bảo vệ môi trường với hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt hàng ngày. Người đại diện theo pháp luật, cán bộ, nhân viên chuyên trách, kiêm nhiệm công tác bảo vệ môi trường trong DN, tổ chức hoạt động trong KCN tiếp tục nghiên cứu, xác định, xây dựng lộ trình thực hiện cụ thể cho từng quý, từng năm và thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu đã đề ra.
Kiểm soát chất lượng nguồn nước thải tại các khu công nghiệp là nhiệm vụ quan trọng nhằm kiểm soát, ngăn ngừa nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: HĐ.
Theo Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, các nhiệm vụ quan trọng đối với Đồng Nai cũng như các DN hiện nay là phát triển kinh tế theo hướng sinh thái, tuần hoàn, tăng trưởng xanh, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, hạn chế thấp nhất phát triển các nhóm ngành có nguy cơ cao gây ô nhiễm, suy thoái môi trường. DN được khuyến khích sử dụng các loại nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu thân thiện với môi trường; phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng nhiên liệu sạch trong các hoạt động sản xuất và tiêu dùng.
Để thực hiện hoàn thành tốt các mục tiêu trên, tỉnh Đồng Nai sẽ tập trung thực hiện tốt công tác lập, thẩm định và thực hiện nghiêm báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường đối với các dự án được phê duyệt; không thu hút đầu tư các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, tiêu tốn tài nguyên; kiểm soát chặt chẽ ô nhiễm môi trường, nhất là tại các KCN, cụm công nghiệp, khu đô thị...; tiếp tục đầu tư xây dựng và nâng cấp hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các KCN, cụm công nghiệp; tăng cường công tác quản lý về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh yêu cầu Sở TN&MT, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai và các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác giám sát; thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của doanh nghiệp. Nâng cao công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường với các dự án mới. Đồng thời, đôn đốc, yêu cầu các KCN hoàn thành đấu nối nước thải về khu xử lý tập trung, lắp đặt quan trắc tự động.
Ngoài ra, tỉnh cũng kiến nghị các bộ, ngành quy định, hướng dẫn cụ thể các giải pháp về quy hoạch quản lý chất thải rắn công nghiệp mang tính vùng và tập trung, hạn chế việc vận chuyển chất thải đi xa, xử lý phân tán tại nhiều cơ sở nhỏ dễ tạo điều kiện cho vi phạm pháp luật, khó kiểm soát; hướng dẫn xây dựng các tiêu chí sàng lọc, tiếp nhận các dự án đầu tư theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
UBND tỉnh giao Ban Quản lý các khu công nghiệp chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố Long Khánh và Biên Hòa tiếp tục tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát việc xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung của các khu công nghiệp đang hoạt động; đôn đốc, kiểm tra việc đấu nối nước mưa, nước thải của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp; giám sát việc xây dựng hạ tầng thu gom, xử lý nước thải của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.
Đức Mạnh
Bình luận