Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 06:11
Thứ bảy, 18/02/2023 05:02
TMO - Để bảo đảm nguồn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, tỉnh Bạc Liêu đã triển khai thực hiện các giải pháp chủ động phòng chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất.
Theo các chuyên gia khí tượng nhận định, mùa khô và xâm nhập mặn ở Nam Bộ diễn ra từ tháng 12/2022 - 3/2023, tương đương so với cùng kỳ mùa khô năm 2021 - 2022. Tuy nhiên, mức độ khô hạn của mùa khô năm nay không gay gắt như các năm trước. Để bảo đảm nguồn nước tưới cho vụ lúa đông xuân 2022 - 2023, vụ hè thu 2023, ngành Nông nghiệp tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn.
Theo đó, ngành Nông nghiệp tỉnh phối hợp với Đài Khí tượng - Thủy văn tỉnh, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam theo dõi chặt chẽ diễn biến hạn mặn; tăng cường khảo sát, đánh giá xâm nhập mặn trên các tuyến kênh chính; kịp thời thông báo cho người dân biết để chủ động trong sinh hoạt và sản xuất. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã xây dựng kịch bản rủi ro thiên tai theo hai cấp độ 1 và 2, với các phương án ứng phó cụ thể cho từng trường hợp nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra đối với sản xuất nông nghiệp. Đảm bảo ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất, đồng thời quản lý chặt chẽ chất lượng, vệ sinh nguồn nước để phục vụ cấp nước sinh hoạt cho người dân.
Các địa phương triển khai nạo vét, khơi thông tuyến kênh mương nội đồng để dẫn nước phục vụ sản xuất. Ảnh: Chí Linh
Điều tiết, vận hành hợp lý hệ thống các công trình đầu mối, góp phần điều hòa, phân bổ hợp lý nguồn nước được tích trữ trong khu vực nội đồng nhằm đáp ứng cho nhu cầu sinh trưởng và phát triển của cây trồng trong suốt mùa khô 2022 - 2023. Các địa phương trong tỉnh tập trung nạo vét kênh, mương tăng khả năng trữ nước ngọt sử dụng trong mùa khô, gia cố đắp mới các đập ngăn mặn theo thời vụ, làm bờ bao bảo vệ lúa đông xuân 2022-2023 và phòng, chống hạn mặn cho sản xuất vụ lúa hè thu 2023. Bố trí, sắp xếp thời gian vận hành các cống phân ranh để điều tiết nước mặn - ngọt cho các vùng chuyên canh và luân canh…
Sở NN&PTNT thường xuyên cập nhật độ mặn trong ngày, lịch vận hành các cống, thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin để người dân biết; vận hành các trạm cấp nước sinh hoạt nông thôn để cấp nước sinh hoạt cho người dân trong trường hợp xảy ra hạn, xâm nhập mặn kéo dài; đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống hạn, mặn; xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn, mặn ngắn hạn, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tưới tiên tiến, tiết kiệm nước…
UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tập trung hoàn thiện hệ thống thủy lợi nội đồng, phục vụ sản xuất nhất là trong mùa khô.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, vụ lúa đông xuân 2022 - 2023, nông dân trên toàn tỉnh đã tiến hành xuống giống trên diện tích 42.925ha. Hiện lúa đang bước vào giai đoạn trỗ bông. Trong khi các địa phương trong vùng chuyên canh đang cần trữ nước ngọt cho vụ lúa đông xuân thì ở những vùng chuyển đổi, người dân cũng bước vào vụ tôm lại cần nguồn nước mặn.
Để tránh xảy ra tình trạng xung đột mặn - ngọt, hoặc thừa ngọt - thiếu mặn khiến cho tôm nuôi không thể phát triển, hiện ngành Nông nghiệp các địa phương cũng đang triển khai các phương án dẫn nước mặn về đồng, nhưng vẫn đảm bảo việc quản lý, kiểm soát tốt nguồn nước ở những vùng giáp ranh, hạn chế thấp nhất việc nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng gây thiệt hại cho người dân trong vùng sản xuất lúa.
Trước tình hình xâm nhập mặn tại ĐBSCL, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạo, khẩn trương tăng cường theo dõi sát thông tin dự báo xâm nhập mặn của các cơ quan chuyên ngành khí tượng, thủy văn và cơ quan thuộc Bộ NN&PTNT cung cấp (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam).
Các tỉnh, thành phố tổ chức quan trắc, giám sát tình hình xâm nhập mặn tại các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng để kịp thời hướng dẫn người dân lấy nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt; khẩn trương thực hiện trữ nước trong hệ thống kênh, rạch, hồ, ao phân tán, vận hành công trình thủy lợi hợp lý để lấy nước, bảo đảm trữ đủ lượng nước ngọt sử dụng trong thời gian xâm nhập mặn gia tăng và cả trong mùa khô. Đặc biệt, người dân lưu ý bảo đảm đáp ứng tối đa nhu cầu nguồn nước cho sinh hoạt và cây ăn trái.
Các địa phương thường xuyên phổ biến thông tin về tình hình xâm nhập mặn trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân, tổ chức liên quan chủ động đề phòng ảnh hưởng của xâm nhập mặn đến sản xuất, dân sinh; chủ động sử dụng các nguồn kinh phí để thực hiện khẩn cấp các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, lưu ý nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh trục.
Lê Nam
Bình luận