Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 17:01
Thứ hai, 07/11/2022 08:11
TMO - Tình trạng sạt lở sông Tiền ở khu vực xã Tân Quới, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp có phạm vi ảnh hưởng 1.500m, uy hiếp an toàn tính mạng và tài sản của 351 hộ dân...UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng, các địa phương khẩn trương triển khai các giải pháp ứng phó, hạn chế thiệt hại từ tình trạng trên.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa vừa ban hành Quyết định Công bố tình huống khẩn cấp sạt lở sông Tiền khu vực xã Tân Quới, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp bởi sạt lở ở đây diễn ra hết sức phức tạp và nghiêm trọng. Từ tháng 6/2022 đến nay, đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ sạt lở ảnh hưởng đến đời sống và thiệt hại nhiều tài sản của người dân.
UBND tỉnh Đồng Tháp công bố tình huống khẩn cấp sạt lở sông Tiền khu vực xã Tân Quới, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp với diễn biến và phạm vi ảnh hưởng là 1.500 m (từ bến đò An Long về hạ nguồn). Sạt lở uy hiếp an toàn tính mạng và tài sản của 351 hộ dân sinh sống tại khu vực này, trong đó có 40 hộ dân nằm sát bờ sông, rất nguy hiểm và cần phải di dời khẩn cấp đến nơi an toàn.
UBND tỉnh Đồng Tháp công bố tình huống khẩn cấp sạt lở sông Tiền khu vực xã Tân Quới, huyện Thanh Bình. Ảnh: Hải Dương
Nhằm hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp yêu cầu các đơn vị liên quan và địa phương áp dụng ngay các biện pháp khẩn cấp, gồm di dời 40 hộ dân nằm sát bờ sông đến nơi an toàn xác định vành đai sạt lở, thực hiện việc cắm biển báo, khoanh vùng khu vực nguy hiểm. Đồng thời, UBND tỉnh yêu cầu huyện Thanh Bình điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tuyến dân cư Mã Trường, xã Tân Quới; nghiên cứu bổ sung quy hoạch, đầu tư các cụm, tuyến dân cư để di dời các hộ dân trong vùng sạt lở đến nơi an toàn.
UBND tỉnh chỉ đạo, tổ chức theo dõi sát diễn biến sạt lở, rà soát cập nhật vành đai sạt lở, chuẩn bị các phương án sẵn sàng ứng cứu, hỗ trợ người dân di dời khi sạt lở tiếp tục xảy ra, đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng và hạn chế tối đa thiệt hại tài sản của người dân. Đồng thời đơn vị chức năng thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông về tình trạng sạt lở để người dân biết để chủ động phòng tránh; hạn chế qua lại trong khu vực nguy hiểm.
Trước đó (ngày 6/10), khu vực bờ sông Tiền đoạn qua ấp Thượng, xã Tân Quới, huyện Thanh Bình đã xảy ra vụ sạt lở với chiều dài khoảng 30m, ăn sâu vào đất liền 22m, gây thiệt hại 2 ngôi nhà. Lực lượng chức năng và chính quyền địa phương tổ chức di dời khẩn cấp 17 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm. UBND xã Tân Quới cho biết, toàn xã hiện có chiều dài vành đai nguy cơ sạt lở hơn 9km, với 351 hộ dân đang sinh sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao, khoảng cách nhà tiếp giáp bờ sông từ 7-60m.
Trong đó, ấp Thượng có 43 hộ dân nằm trong vùng sạt lở, từ ngày 30/6 đến giữa tháng 10 tại đây đã xảy ra 4 vụ sạt lở đất với tổng chiều dài hơn 70m, ăn sâu vào đất liền từ 15-22m. Nguyên nhân sạt lở chủ yếu do đang mùa mưa kết hợp với nước dâng cao khiến nền đất mềm, dễ sụt lún. Chính quyền địa phương đã cắm biển báo, khoanh vùng khu vực nguy hiểm, theo dõi sát diễn biến sạt lở.
Tình trạng sạt lở gia tăng mức độ nghiêm trọng, UBND tỉnh chỉ đạo các sở ngành địa phương triển khai giải pháp hạn chế tối đa thiệt hại
Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, cho biết từ đầu năm 2022 đến nay sạt lở bờ sông đã gây thiệt hại cho tỉnh gần 6 tỷ đồng. Sạt lở xảy ra tại 19 xã, phường, thị trấn của 4 huyện: Thanh Bình, Hồng Ngự, Lấp Vò, Cao Lãnh và TP.Cao Lãnh, TP.Hồng Ngự với tổng chiều dài khoảng 26,7 km và diện tích đất bị sạt lở gần 2 ha.
Trước tình hình trên, Tiền Giang chủ động đưa ra các giải pháp công trình và phi công trình ứng phó, phòng, chống sạt lở, bảo vệ tài sản, tính mạng nhân dân và các công trình kiến thiết hạ tầng nông thôn. Tỉnh tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân chủ động ngăn ngừa sạt lở thông qua việc trồng cây chắn sóng, chắn gió, nuôi lục bình gây bồi, tạo bãi... nhằm bảo vệ vườn tược và nhà cửa, khu dân cư. Tiến tới, tỉnh xây dựng quy chế bảo vệ, khai thác hệ thống kênh rạch trên địa bàn một cách hợp lý và hiệu quả bền vững.
Tỉnh giao các địa phương rà soát, kiểm tra, phân loại mức độ ưu tiên khắc phục những điểm sạt lở theo phân cấp quản lý. Những điểm sạt lở nhỏ do xã đầu tư khắc phục, điểm lớn hơn do cấp huyện đầu tư, điểm phức tạp tỉnh sẽ đầu tư khắc phục trên cơ sở huy động các nguồn lực địa phương và nguồn vốn hợp pháp khác.
Lê Kiên
Bình luận