Hotline: 0941068156
Thứ năm, 24/04/2025 06:04
Thứ ba, 22/04/2025 14:04
TMO - Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, cả nước hiện có khoảng hơn 50 nghìn ha sắn bị nhiễm bệnh khảm lá virus.
Tại tỉnh Quảng Bình, theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, toàn tỉnh đã trồng hơn 6.300ha sắn, đạt 97% kế hoạch đề ra trong vụ sắn năm 2025. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế trên đồng ruộng, đến nay, có 1.356ha bị nhiễm bệnh khảm lá sắn. Huyện Bố Trạch là địa phương có diện tích nhiễm bệnh lớn nhất với 1.010ha, tiếp đến là Lệ Thủy 175ha, Tuyên Hóa 96ha, Quảng Trạch 70ha và Minh Hóa 5ha... Tỉ lệ cây bị nhiễm phổ biến ở mức 10-15% nhưng có nơi lên tới 30-50%, thậm chí có nơi cục bộ lên đến 90%.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị cho biết, qua kiểm tra trên đồng ruộng, đến thời điểm này toàn tỉnh có gần 1.130 ha diện tích sắn bị nhiễm bệnh khảm lá. Nguyên nhân là do một số địa phương vẫn chưa thật sự quyết liệt trong việc thực hiện các biện pháp quản lý bệnh; người dân vẫn còn thờ ơ, vẫn sử dụng giống từ những vùng bị bệnh khảm lá sắn để trồng mới...
Cả nước hiện có khoảng hơn 50 nghìn ha sắn bị nhiễm bệnh khảm lá virus (Ảnh minh họa).
Dự báo những ngày tới, bệnh khảm lá virus có khả năng tiếp tục lây lan, gia tăng diện tích nhiễm tại các khu vực miền trung, Tây Nguyên và Nam Bộ. Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật yêu cầu các tỉnh phòng chống bệnh khảm lá virus hại sắn theo tinh thần Chỉ thị số 5957/CT-BNN-BVTV ngày 6/8/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường).
Những tỉnh đã phát hiện bệnh, phải khẩn trương thành lập, kiện toàn và duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống bệnh khảm lá sắn ở các cấp. Ngành nông nghiệp địa phương, các cơ quan, tổ chức liên quan nghiêm túc áp dụng các biện phòng, chống bệnh khảm lá sắn theo hướng dẫn trong quy trình kỹ thuật phòng trừ bệnh khảm lá sắn do Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã ban hành.
Trong đó, cần chỉ đạo cấm việc vận chuyển hom giống sắn ra khỏi vùng dịch hoặc sang địa phương khác; tuyên truyền, hướng dẫn nông dân, người sản xuất không trồng các giống sắn đã xác định nhiễm bệnh nặng; tổ chức phòng trừ bọ phấn là môi giới truyền bệnh; khuyến cáo các tổ chức, cá nhân trồng sắn chuyển sang cây trồng khác hoặc dừng trồng sắn ít nhất một vụ để cắt nguồn bệnh,...
Đối với các tỉnh chưa phát hiện bệnh, cục yêu cầu các đơn vị liên quan tiến hành rà soát kỹ diện tích trồng sắn để phát hiện, tiêu hủy nguồn bệnh kịp thời; ngăn chặn triệt để việc sử dụng cây sắn đã nhiễm bệnh làm giống; kiểm soát chặt, không để tổ chức, cá nhân vận chuyển giống từ các vùng đang có dịch bệnh về địa phương.
Ngành nông nghiệp và các cơ quan chuyên môn hướng dẫn nông dân tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, trừ bệnh theo quy trình kỹ thuật của Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật ban hành, tuyên truyền về tác hại của bệnh và các biện pháp phòng chống cho người trồng sắn./.
Ngọc Trang
Bình luận