Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 23:11
Thứ tư, 17/05/2023 14:05
TMO - Thống kê của ngành chức năng tỉnh Lào Cai cho thấy, hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đang chịu tác động lớn từ tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài. Nhằm chủ động hạn chế những thiệt hại, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai các biện pháp cấp bách để chủ động phòng, chống hạn, nắng nóng.
Theo dự báo, năm 2023 sẽ ảnh hưởng nặng của ELNino trên phạm vi cả nước nên dự báo trong thời gian tới tình trạng khô hạn trên diện rộng, cháy rừng có thể xảy ra rất cao. Trong thời gian từ nay đến giữa tháng 6, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có khoảng 1.406 ha lúa và các cây trồng cạn bị ảnh hưởng khô hạn; nhiều xã vùng cao thiếu nguồn nước sinh hoạt, phục vụ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và khả năng phát sinh dịch bệnh liên quan đến khô hạn là rất cao.
Tại huyện Si Ma Cai với địa hình chủ yếu là đồi núi, người dân canh tác ở những nơi có độ dốc cao, phần lớn diện tích không chủ động được nước nước tưới và sản xuất nông nghiệp bị chi phối rất lớn bởi yếu tố thời tiết. Theo thống kê của huyện Si Ma Cai, trong tổng số hơn 4.400 ha ngô và một số loại cây trồng cạn đã gieo trồng từ đầu năm 2023 đến nay, toàn huyện có 700 ha có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hạn hán, trong đó 195 ha có khả năng thiệt hại dưới 30%.
Theo kế hoạch sản xuất năm 2023, Si Ma Cai gieo cấy hơn 1.800 ha lúa vụ mùa. Tuy nhiên, vì thiếu nước trầm trọng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn lùi thời vụ gieo cấy thêm 1 tháng (từ tháng 5 sang tháng 6 dương lịch) và điều chỉnh 300 ha không chủ động được nước sang cây trồng cạn, cây chịu hạn tốt hơn. Đối với kế hoạch trồng 100 ha cây dược liệu trong năm nay cũng “tạm hoãn” vào thời điểm này vì nắng nóng và chờ thời điểm thích hợp sẽ triển khai trồng trong thời gian tới.
Nhiều diện tích ngô tại huyện Mường Khương đang trong tình trạng thiếu nước. Ảnh: HĐ.
Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Mường Khương, có 7 xã trong tình trạng thiếu nước gồm Pha Long, Dìn Chin, Tả Gia Khâu, Tả Thàng, Lùng Khấu Nhin, Lùng Vai, Bản Lầu. Theo Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai, do ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài, lượng mưa thấp, 13 hồ chứa ở Lào Cai đã chạm ngưỡng mực nước chết. Cụ thể, tại thị xã Sa Pa có hồ Thác Bạc; huyện Bảo Yên có hồ Khuổi Lếch; Mường Khương có các hồ Na Ri, Tảo Giàng 1, Củm Hoa, Thịnh Ổi, Na Nối; Văn Bàn có hồ Tống Tư; Bát Xát có hồ Vĩ Kẽm; Bảo Thắng có các hồ Đồng Tâm, An Tiến, Cốc Tủm; thành phố Lào Cai có hồ Ông Lừu. Đặc biệt, khoảng 200ha lúa vụ xuân thiếu nước, mặt ruộng khô cạn, có khả năng ảnh hưởng đến năng suất.
Để chủ động phòng, chống và ứng phó với hạn hán, nắng nóng UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, Ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai các biện pháp Đối với sản xuất lúa vụ xuân và lúa mùa ở vùng cao: Chỉ đạo các tổ chức quản lý thủy nông cơ sở tăng cường công tác quản lý khai thác công trình thủy lợi, tận dụng mọi nguồn nước tích trữ trong các ao, hồ, vùng trũng thấp; huy động Nhân dân nạo vét, sửa chữa hệ thống kênh mương, sử dụng hiệu quả các máy bơm hiện có phục vụ chống hạn; tăng cường huy động nhân lực cơ quan chuyên ngành và hệ thống khuyến nông, cán bộ trung tâm dịch vụ nông nghiệp chỉ đạo, hướng dẫn Nhân dân chuyển đổi diện tích cây trồng cho phù hợp; thực hiện các biện pháp trữ nước, sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm…
Về sản xuất cây trồng cạn: Chỉ đạo thực hiện tốt khâu phát dọn thực bì, kiểm soát việc đốt nương đề phòng cháy rừng, lựa chọn thời điểm có độ ẩm thuận lợi để gieo trồng. Trường hợp gặp thời tiết nắng nóng ảnh hưởng sinh trưởng cây trồng cạn thì thực hiện phương án chỉ đạo trồng dặm, trồng lại để bù lại diện tích trong vụ kế tiếp.
Đối với sản xuất lâm nghiệp: Huy động tối đa lực lượng kiểm lâm triển khai phương án phòng, chống cháy rừng theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại các công điện, văn bản thời gian vừa qua; tăng cường công tác chăm sóc các vườn ươm để chuẩn bị đủ giống cho kế hoạch trồng rừng, chỉ đạo Nhân dân thực hiện tốt khâu chuẩn bị đất, đào hố để sẵn sàng cho trồng rừng khi thời tiết thuận lợi.
Về chăn nuôi, nuôi thủy sản: Chỉ đạo việc đảm bảo thức ăn, nước uống, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt đối với khu vực vùng cao núi đá; hướng dẫn Nhân dân tận thu các nguồn thức ăn để chế biến dự trữ thức ăn trong mùa khô hạn; tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi kỹ thuật chăn thả, cách làm chuồng nuôi nhốt đảm bảo thoáng mát an toàn cho đàn gia súc, gia cầm...
Đối với nhiệm vụ đảm bảo nguồn nước sinh hoạt: Tập trung kiểm tra ngay tình hình nước sinh hoạt các khu vùng núi cao, nơi thường xuyên thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô; thực hiện ngay việc sửa chữa, khắc phục hư hỏng công trình và tổ chức huy động phương tiện vận chuyển nước từ nơi khác trữ đầy vào các bể chứa, dụng cụ chứa nước, các điểm trữ nước phục vụ chăn nuôi; tăng cường phổ biến hướng dẫn cho người dân sử dụng các thiết bị lọc đơn giản để nâng cao chất lượng nước phòng ngừa dịch bệnh…
Các ngành chức năng triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo nguồn nước cho sản xuất trước nắng nóng, khô hạn kéo dài. Ảnh: HĐ
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân công nhiệm vụ cho đơn vị trực thuộc theo dõi chặt chẽ tình hình hạn hán, nắng nóng cung cấp đầy đủ thông tin cảnh báo ngắn hạn cho các địa phương, phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên kiểm tra các điểm có nguy cơ hạn và vùng bị thiệt hại, tư vấn kỹ thuật xử lý khắc phục hạn hán, tổng hợp tình hình hạn hán và đề xuất biện pháp hỗ trợ khắc phục báo cáo UBND tỉnh.
Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi diễn biến thời tiết, dự báo, cảnh báo và nhận định về nguồn nước mặt, nước ngầm để kịp thời cung cấp thông tin phục vụ cho chỉ đạo sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Đài Khí tượng Thủy văn Lào Cai tăng cường công tác quan trắc, dự báo tình hình hạn hán, nắng nóng và phối hợp chặt chẽ các cơ quan tuyên truyền, cơ quan quản lý thiên tai để cảnh báo sớm và thông tin kịp thời phục vụ công tác phòng chống hạn, nắng nóng trên phạm vi toàn tỉnh.
Mới đây, tại Công điện về chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chủ động chỉ đạo, triển khai quyết liệt các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, không để thiếu nước cho sinh hoạt, thủy điện và ảnh hưởng tới sản xuất, nhất là đối với các lĩnh vực trọng yếu.
Các địa phương chủ động thực hiện giải pháp cung cấp nước, không để thiếu nước cho sinh hoạt và chăn nuôi, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của nhân dân, nhất là đối với vùng núi, vùng ven biển thường xảy ra thiếu nước sinh hoạt. Căn cứ tình hình cụ thể về nguồn nước và khả năng cấp nước, điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp, chuyển đổi diện tích trồng lúa ở vùng hạn hán, chưa bảo đảm cấp nước sang cây trồng cạn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nguồn nước, hướng dẫn điều tiết nước tại các hồ chứa thủy lợi, quản lý nguồn nước trong các hệ thống công trình thủy lợi; thường xuyên kiểm tra, đánh giá cân đối nguồn nước để điều chỉnh kế hoạch sử dụng nước phù hợp đáp ứng tốt nhất nhu cầu nước sinh hoạt và sản xuất. Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi sát diễn biến thời tiết, tăng cường dự báo, cảnh báo, nhận định về tình hình khí tượng thủy văn, kịp thời cung cấp thông tin phục vụ chỉ đạo sản xuất phù hợp với điều kiện nguồn nước và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn...
Lê Hà
Bình luận