Hotline: 0941068156
Thứ năm, 05/12/2024 02:12
Thứ hai, 29/11/2021 14:11
TMO - Là đối tượng có nguy cơ cao với thiên tai và biến đổi khí hậu, nhiều tổ chức quốc tế đã và đang nỗ lực triển khai các dự án nhằm hỗ trợ Việt Nam nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu (BĐKH) cho trẻ em.
Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), trẻ em Việt Nam là một trong những nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhất trước các tác động của biến đổi khí hậu, điều này đe dọa đến sức khỏe, giáo dục và sự an toàn của các em. Theo thống kê, khoảng 1 tỷ trẻ em ( gần 50%) trên toàn thế giới có “nguy cơ cực kỳ cao”.
Tại Việt Nam nằm trong “Top 10” quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu, mỗi năm, thiên tai đều gây thiệt hại lớn về người và cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng trực tiếp sinh kế của người dân. Và, trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất của những thảm hoạ thiên nhiên.
Ngành Giáo dục tỉnh Điện Biên đã và đang triển khai nhiều hoạt động giáo dục ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai cho trẻ em.
Các nhà khoa học khẳng đinh, trẻ em Việt Nam ảnh hưởng nhiều nhất bởi ô nhiễm không khí và lũ lụt. Ngoài ra, còn phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng do sinh kế của gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và thiên tai.
Vấn đề sẽ trở lên nghiêm trọng khi đến năm 2050, nhiệt độ trung bình dự kiến tăng thêm 1-2 độ C có thể dẫn đến tỷ lệ hạn hán cao hơn với cường độ lớn hơn và tăng lượng mưa dẫn đến mực nước biển dâng cao 1 mét dọc theo các vùng ven biển. Điều này sẽ có tác động thay đổi cuộc sống ở các vùng đất thấp như đồng bằng Sông Cửu Long. Khi năng suất cây trồng bị ảnh hưởng, hiệu suất kinh tế suy giảm thì đời sống của người dân ngày càng khó khăn, điều kiện chăm sóc cho trẻ em cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Phó Đại diện UNICEF tại Việt Nam, Bà Lesley Miller cho biết, môi trường sống ở Việt Nam ngày càng có nhiều rủi ro hơn đối với trẻ em; nhưng nếu chúng ta hành động ngay từ bây giờ, chúng ta có thể ngăn ngừa tình trạng trở nên tồi tệ hơn. Đảm bảo tiếp cận mạng lưới an sinh phù hợp và các dịch vụ tăng cường khả năng chống chịu như nước sạch, chăm sóc sức khỏe và giáo dục, sẽ giúp bảo vệ tương lai của trẻ em.
Thời gian qua, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đã có nhiều chương trình hỗ trợ các cơ quan chính phủ, cộng đồng, gia đình và trẻ em Việt Nam tăng cường khả năng chống chọi và đương đầu với thiên tai, biến đổi khí hậu. Tất cả các dự án đều nhằm mục đích giảm thiểu các tác động và sự tổn thương của trẻ em. Mới đây nhất, Đại sứ quán Nhật Bản và UNICEF Việt Nam đã công bố dự án kéo dài 4 năm nhằm tăng cường khả năng ứng phó với rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu cho trẻ em.
Dự án sẽ trang bị cho trẻ em, gia đình và cộng đồng kiến thức, kỹ năng sống để chuẩn bị và ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai ở khu vực miền Trung và khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ước tính khoảng 20.000 người, bao gồm 9.000 trẻ em sẽ được hưởng lợi từ việc tăng cường tiếp cận với các dịch vụ nước sạch, vệ sinh môi trường ngày càng được cải thiện và 10.000 trẻ em dưới 5 tuổi sẽ được sàng lọc suy dinh dưỡng cấp tính nặng để có các biện pháp can thiệp vào năm 2025.
Theo Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam: Trẻ em, đối tượng ưu tiên quan tâm đến biến đổi khí hậu và môi trường sạch, sẽ đóng vai trò trung tâm trong dự án này với tư cách là tác nhân tạo ra sự thay đổi vì một cộng đồng xanh, sạch và an toàn. Dự án sẽ tạo điều kiện cho trẻ em tham gia phát triển chính sách về BĐKH. Dự án cũng phù hợp với Chiến lược của Tokyo 2018 về Hợp tác Mekong-Nhật Bản, đã được Người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam thông qua tại Hội nghị Cấp cao Mekong Nhật Bản lần thứ mười. Trong đó, các nước tham gia sẽ tập trung tăng cường khả năng ứng phó và hợp tác để giải quyết biến đổi khí hậu trong khu vực.
Gia Kiệt
Bình luận