Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 23:01
Chủ nhật, 30/07/2023 12:07
TMO - Tháng 7 về, cũng là thời điểm nông dân trồng lê ở huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) rộn ràng thu hái lê chín. Những cành lê trĩu quả, đung đưa trong nắng, trải khắp các núi đồi, thung lũng. Năm nay, người dân trồng lê ở Nguyên Bình vui hơn vì lê được mùa, được giá.
Cây lê VH6 có nguồn gốc từ Đài Loan (Trung Quốc) được di thực về huyện Nguyên Bình, trồng nhiều ở các xã vùng cao Yên Lạc, Vũ Nông, Quang Thành, Ca Thành... với tổng diện tích hơn 234 ha và đã có khoảng 41 ha cho thu hoạch quả. Năng suất đạt 8 tấn/ha, với giá bán trung bình 30.000 đồng/kg, ước tính doanh thu bình quân đạt khoảng 240 triệu đồng/ha.
Quang Thành được biết đến là xã vùng cao thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Nơi đây khí hậu mát mẻ cùng với thổ nhưỡng phù hợp nên thích hợp để phát triển cây ăn quả ôn đới như lê VH6. Xã có 404 hộ, chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao, trong số đó thì có khoảng hơn 75% số hộ hiện nay đang trồng cây lê với diện tích 90,5 ha, chủ yếu tại các xóm Nà Lèng, Hoài Khao, Quang Thượng, Quang Bình, hiện nay đã có khoảng 5 ha cây lê đang cho thu hoạch.
Giống lê VH6 được trồng nhiều tại Quang Thành theo phương pháp hữu cơ, bảo đảm sản phẩm sạch và bền vững. Quả lê có trọng lượng trung bình khoảng 200 - 300 gam/quả, quả to có thể đạt trọng lượng từ 500 - 600 gam. Những quả lê được bọc từ sớm sẽ có màu vàng trắng và những quả lê bọc muộn hơn sẽ có màu xanh phớt hồng. Quả lê khi chín rất giòn, ngọt và đậm vị, mọng nước. Ngay từ thời điểm tháng 5, người dân ở Quang Thành đã bắt đầu tập trung vào việc thu hoạch lê và bán lẻ ở thị trấn Nguyên Bình, thành phố Cao Bằng.
Mô hình trồng cây lê theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình anh Triệu Kiềm Vạng, xóm Nà Lèng, xã Quang Thành đang vào dịp thu hoạch. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cây hơn 100 gốc đang sai trĩu quả, anh Vạng chia sẻ: Đây là giống lê VH6 do Trung tâm Khuyến nông và Giống nông lâm nghiệp tỉnh Cao Bằng thực hiện mô hình trồng 5 ha cây lê từ năm 2016, tôi là một trong 20 hộ của xã tham gia mô hình. Năm nay là năm thứ hai cây bắt đầu cho quả, do chăm sóc đúng kỹ thuật nên quả rất sai, to đều, chất lượng đảm bảo ngon, ngọt, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Qua trồng lê và kết quả thu hoạch 1 - 2 năm đầu, tôi nhận thấy so với trồng ngô, lúa thì giá trị kinh tế của cây lê cao gấp nhiều lần. Tuy nhiên, đòi hỏi người trồng lê phải biết áp dụng đúng quy trình kỹ thuật canh tác, từ khâu vin cành, tạo tán, ngắt hoa trái vụ đến tỉa quả, bọc quả… cây mới cho quả to, mẫu mã đẹp. Gia đình tôi rất hy vọng vào việc mở rộng diện tích trồng cây lê.
Những cây lê 7 năm tuổi của gia đình anh Vạng trung bình mỗi cây thu hoạch được khoảng từ 10 - 30 kg. Năm nay, thời tiết khá thuận lợi cho cây lê. Với giá bán ở ngoài thị trường, loại quả to được 60.000 đồng/kg, loại nhỡ có giá 30.000 đồng/kg, ước tính cuối vụ lê, gia đình anh Vạng sẽ thu hoạch được hơn 1 tấn quả với doanh thu từ 20 - 30 triệu đồng. Mỗi sản phẩm xuất đi, thu nhập lại về, tạo động lực để gia đình anh thêm gắn bó lâu dài với cây lê.
Vụ lê năm nay, bà con nông dân được mùa và được giá, sản lượng lê của toàn xã Quang Thành ước đạt 8 tấn/ha. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cây lê giúp nâng cao chất lượng sản phẩm quả lê vụ sau cao hơn vụ trước. Đây là tín hiệu đáng mừng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nơi rẻo cao này.
Ông Hoàng Quốc Chấn, Chủ tịch UBND xã Quang Thành cho biết: Đối với vụ lê VH6 tại xã Quang Thành trong năm nay được đánh giá về tỉ lệ đậu quả cao nhất từ những năm triển khai trồng cho đến nay. Sản lượng năm nay cũng đạt cao hơn so với các năm, chất lượng quả được đánh giá tốt, quả ngọt, mọng, tròn đều. Để đạt được kết quả này, bà con nông dân đã thực hiện theo hướng dẫn của các phòng ban chuyên môn, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, đặc biệt là công nghệ vin cành để tạo tán và tỉa cành, tỉa quả đảm bảo đúng theo tỉ lệ hướng dẫn.
Từ kết quả của vụ mùa năm nay, trong thời gian tới, xã Quang Thành sẽ tiếp tục tuyên truyền bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ những diện tích đất rẫy trồng ngô kém hiệu quả và một số diện tích đất ruộng do thời tiết hạn hán không thể cấy lúa được, sẽ chuyển sang trồng cây lê để tạo thêm thu nhập. Hiện nay, công tác giới thiệu, quảng bá sản phẩm cũng đã được các cơ quan, các đơn vị của huyện thực hiện quảng bá trên trang Zalo, Facebook và các trang du lịch cộng đồng của Nguyên Bình để quảng bá đến thị trường.
Những năm gần đây, cây lê đã được xác định là loại có giá trị kinh tế của huyện Nguyên Bình. Hiện, diện tích lê toàn huyện là hơn 234 ha. Theo kế hoạch, đến năm 2025, huyện Nguyên Bình sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng lê tại các xã vùng cao Yên Lạc, Vũ Nông, Quang Thành, Ca Thành... đạt 300 ha; thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết phát triển sản xuất cây lê tập trung, tạo thương hiệu, chất lượng cho sản phẩm quả lê, đồng thời chú trọng định hướng tìm thị trường liên kết để bao tiêu sản phẩm cho các hộ trồng lê yên tâm phát triển sản xuất.
Năm nay, lê được mùa, năng suất cao. Người trồng lê Nguyên Bình đang tất bật thu hoạch những quả ngọt để phục vụ thị trường. Với những giá trị kinh tế mà cây lê mang lại sẽ giúp cho người dân xóa đói, giảm nghèo và có đời sống tốt hơn. Theo dự kiến, vụ lê năm 2023 trên địa bàn huyện sẽ kết thúc vào cuối tháng 7 dương lịch.
Tạ Thành - Ánh Tuyết
Bình luận