Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 05:01
Thứ ba, 10/10/2023 13:10
TMO - Ô nhiễm tiếng ồn không chỉ ảnh hưởng đến đời sống người dân mà còn làm xấu đi bộ mặt của đô thị. Chính vì vậy, thời gian qua TP.HCM đã đưa ra nhiều biện pháp để phòng ngừa, giảm thiểu cũng như xử lý các hành vi vi phạm về tiếng ồn.
Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM vấn nạn tiếng ồn đô thị không phải là vấn đề có thể dễ dàng giải quyết triệt để và nhanh chóng. Từ các phản ảnh của nhân dân về vấn đề tiếng ồn trong khu dân cư, thành phố quyết tâm và nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm kiểm soát tiếng ồn, đảm bảo chất lượng môi trường sống của nhân dân thành phố.
Cụ thể, UBND đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, chỉ thị về tăng cường công tác quản lý nhà nước, xử lý vi phạm về tiếng ồn. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về tiếng ồn, đặc biệt là tiếng ồn trong khu dân cư. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị các bộ ngành Trung ương hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến tiếng ồn. Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai xây dựng và phổ biến tài liệu hỗ trợ truyền thông “Vấn nạn tiếng ồn và hành động của chúng ta”; đôn đốc và triển khai biểu mẫu thống kê báo cáo công tác tuyên truyền và xử lý tiếng ồn tại các địa phương.
Đến nay, các sở ngành, UBND TP Thủ Đức và các quận huyện, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM và các tổ chức thành viên đều đã có kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và đôn đốc triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp tăng cường công tác tuyên truyền, xử lý các hành vi vi phạm về tiếng ồn trên địa bàn. Tại các địa phương, UBND các quận huyện và TP Thủ Đức một mặt duy trì tổ chức các đợt tuyên truyền, phổ biến đến doanh nghiệp và người dân về tác hại của tiếng ồn đến sức khỏe và ảnh hưởng đến an ninh trật tự khu dân cư; quy định pháp luật về xử lý vi phạm về tiếng ồn; các giải pháp của thành phố và quận trong kiểm tra, giám sát, xử lý tiếng ồn; trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dịch vụ và trách nhiệm của người dân.
Đồng thời, thực hiện rà soát, lập danh sách các cá nhân, hộ gia đình, cơ sở kinh doanh, dịch vụ… có sử dụng thiết bị phát âm thanh gây ồn, huyên náo, lấn chiếm lòng đường, lề đường, vỉa hè, gây mất an ninh trật tự để tiến hành yêu cầu ký cam kết chấp hành quy định về tiếng ồn. Rà soát, bổ sung nội dung về tiếng ồn trong quy ước khu phố, ấp; thiết lập các kênh tiếp nhận phản ánh về tiếng ồn và thông tin rõ đến người dân; đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp bị phản ảnh về tiếng ồn.
TP.HCM triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng ô nhiễm tiếng ồn trên địa bàn. Ảnh: NN.
Để kịp thời ghi nhận, giải quyết phản ảnh của người dân về tình trạng gây ồn, TP.HCM đã thiết lập nhiều kênh tiếp nhận thông tin phản ánh về tiếng ồn để kịp thời xử lý như Tổng đài 1022; đường dây nóng về ô nhiễm môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường (số điện thoại 028.38290568); đường dây nóng, cổng thông tin điện tử, các ứng dụng mạng xã hội của quận, huyện, phường, xã, thị trấn, hệ thống mặt trận các cấp…
Theo số liệu của Sở Thông tin và Truyền thông, trong 8 tháng của năm 2023, cổng thông tin 1022 đã tiếp nhận 11.115 tin phản ánh về tiếng ồn, thấp hơn so với số tin phản ánh 8 tháng của năm 2022 (11.693 tin). Trong đó, số tin phản ánh trung bình ngày cuối tuần gấp hơn 1,4 lần ngày trong tuần, số tin phản ánh khung giờ tối (18 đến 22 giờ) gấp 3,1 lần khung giờ ban ngày, khung giờ khuya đến sáng (22 giờ đến 6 giờ) cũng gấp 1,5 lần khung giờ ban ngày.
Tổng hợp thông tin từ 22 quận, huyện, thành phố Thủ Đức cho thấy năm 2022, toàn thành phố đã kiểm tra và phát hiện 8.679 trường hợp có vi phạm, trong đó nhắc nhở 8.544 trường hợp và xử phạt 135 trường hợp (chủ yếu xử phạt theo Nghị định 144/NĐ-CP với 102 trường hợp). Tổng số tiền xử phạt hơn 422 triệu đồng. So với năm 2021, số trường hợp đã kiểm tra phát hiện vi phạm tăng 2,3 lần (8.679 trường hợp năm 2022 so với 3.697 trường hợp năm 2021, tổng số tiền phạt cũng tăng tương ứng 2,5 lần).
Thành phố cần có các biện pháp quyết liệt, giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm tiếng ồn từ các hoạt động sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ diễn ra trong khu dân cư.
Ban Đô thị HĐND TP. HCM cho rằng, thời gian tới, thành phố cần có các biện pháp quyết liệt, giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm tiếng ồn từ các hoạt động sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ diễn ra trong khu dân cư. Các cơ quan chức năng cần phối hợp cùng đoàn kiểm tra liên ngành quận, huyện tiến hành tiếp xúc, nhắc nhở các cơ sở có dấu hiệu vi phạm về tiếng ồn; yêu cầu viết cam kết về việc tuân thủ các quy định về tiếng ồn trong sản xuất, kinh doanh và các hoạt động phát sinh tiếng ồn; vận động các cơ sở, hộ kinh doanh tháo gỡ các loa nhạc thường xuyên gây ồn.
Lực lượng Công an TP. Thủ Đức và 21 quận, huyện, Công an phường, xã, thị trấn cần chủ động phối hợp các đơn vị địa phương tổ chức kiểm tra, nhắc nhở, xử lý vi phạm về tiếng ồn; nhắc nhở các hộ gia đình, hộ kinh doanh dịch vụ… mở âm lượng vừa đủ, phù hợp với sinh hoạt chung, không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân trong khu vực. Ngoài ra, lập danh sách các điểm thường xuyên có sử dụng thiết bị âm thanh vi phạm về an ninh trật tự, gây ồn ào, huyên náo, lấn chiếm lòng, lề đường, hành lang an toàn đường bộ để tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm.
Đặc biệt, chú trọng xây dựng các tiêu chí chấp hành các quy định tiếng ồn trong khu dân cư vào quy ước, hương ước tại cộng đồng dân cư, vào phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; biên soạn bản cam kết bảo đảm các quy định về an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường trong khu dân cư đến cơ sở kinh doanh, hộ gia đình; đặc biệt là các hộ mặt tiền có kinh doanh hoặc cho thuê kinh doanh ký cam kết không sử dụng thiết bị âm thanh gây ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép.
Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có quy định rõ tại Điều 22 quy định xử phạt hành vi gây ồn từ cảnh cáo đến phạt hành chính 160-320 triệu đồng. Số tiền này sẽ tỷ lệ thuận với các mức độ gây ồn được đo bằng đơn vị decibel theo thiết bị của cơ quan chức năng.
Trong đó, đối với tiếng ồn cố định trong phạm vi cố định, không gian kín mà có thể đo đạc được: từ phạt cảnh cáo đến phạt tiền 160 triệu đồng với cá nhân; 320 triệu đồng với tổ chức, đồng thời cơ sở gây ồn sẽ bị đình chỉ hoạt động 3-6 tháng hoặc 6-12 tháng tùy mức độ ảnh hưởng đến địa phương. Đối với hành vi gây ồn trong không gian mở, gồm 3 hành vi phổ biến: tụ tập nhiều người gây mất trật tự bị phạt 1-2 triệu đồng; gây ồn huyên náo trong khung giờ 22h-8h phạt 500.000 đồng đến 1 triệu đồng; hoặc dùng loa phóng thanh, chiêng trống, thổi kèn cổ động tại những nơi không cho phép sẽ bị phạt 1-2 triệu đồng.
Ngoài các mức phạt trên, cơ quan chức năng cũng xử lý dựa trên các nghị định khác như xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa quảng cáo, giao thông đường bộ và đường sắt, kế hoạch đầu tư, thương mại , sản xuất buôn bán… trong khu dân cư.
Đức Hòa
Bình luận