Hotline: 0941068156
Thứ năm, 21/11/2024 16:11
Thứ tư, 16/10/2024 06:10
TMO - Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP.HCM yêu cầu các sở, ngành và đơn vị liên quan để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống, ứng phó các đợt triều cường giữa tháng 10.
Ngày 15/10, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, trong 12h qua, mực nước tại các trạm vùng hạ lưu hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai lên nhanh theo kỳ triều cường Rằm tháng Chín (âm lịch) và ở mức cao. Mực nước tại các trạm vùng hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai sẽ tiếp tục lên nhanh trong 5 ngày tới. Đỉnh triều cao nhất đợt này có khả năng xuất hiện vào ngày 19-20/10 (tức 17-18/9 âm lịch).
Cụ thể, tại trạm Phú An và Nhà Bè có thể đạt mức 1,7-1,75m (trên báo động 3 khoảng 0,1-0,15m). Thời gian xuất hiện từ 4-7h và 16-19h. Tại trạm Thủ Dầu Một (sông Sài Gòn) đạt mức 1,75-1,8m (trên báo động 3 là 0,15-0,2m). Trạm Biên Hòa (sông Đồng Nai) đạt mức 2-2,1m (xấp xỉ hoặc trên báo động 2 khoảng 0,1m). Mức độ rủi ro thiên tai khu vực hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai ở cấp độ 2. Theo Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ, đây là kỳ triều cường cao trong năm, cần đề phòng mưa lớn kết hợp với triều cao gây ngập úng ở các vùng trũng thấp, ven sông ảnh hưởng đến giao thông, các hoạt động kinh tế - xã hội khu vực TP.HCM. Dự báo một số tuyến đường khu vực trũng, thấp, ven sông, kênh rạch ở TP.HCM có thể bị ngập như: Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn (quận 7), Lê Văn Lương, Đào Sư Tích, Phạm Hữu Lầu (huyện Nhà Bè) và quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh),...
TP. HCM triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó với đợt triều cường trong những ngày tới. (Ảnh minh hoạ).
Để phòng chống, ứng phó với các đợt triều cường sắp tới, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP HCM đã đề nghị UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện chủ động tổ chức kiểm tra, rà soát bờ bao, cống, cửa van ngăn triều xung yếu và chuẩn bị vật tư để kịp thời xử lý, gia cố bờ bao xung yếu. Tránh để xảy ra tình trạng bể, tràn bờ bao, sự cố cửa van cống kiểm soát triều gây ngập úng ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân. UBND quận 12, huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, thiết bị kịp thời khắc phục sớm nhất nếu xảy ra sự cố thuộc các gói thầu của Dự án Bờ hữu ven sông Sài Gòn trên phạm vi địa bàn quản lý.
Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng, Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác dịch vụ Thủy lợi TP HCM và Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP HCM phối hợp với UBND TP Thủ Đức và các quận - huyện chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị kịp thời xử lý các vị trí bờ bao, cống kiểm soát triều, kênh dẫn dòng xung yếu; vận hành hiệu quả các cửa xả, cống kiểm soát triều, trạm bơm.
Đồng thời, các đơn vị cần phối hợp với Công an TP HCM bố trí máy bơm nước di động để kịp thời khắc phục các điểm ngập úng do triều cường gây ra. Đối với các tuyến đường ngập do triều cường, đề nghị các đơn vị có biện pháp đảm bảo an toàn nhằm tránh xảy ra tai nạn khi ngập úng.
Các chủ đầu tư những dự án giao thông, hạ tầng đô thị, thủy lợi chủ động tổ chức kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý ngay các vị trí đê bao, bờ bao, kè, cống, kênh dẫn dòng xung yếu thuộc phạm vi các gói thầu dự án của đơn vị.
Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP HCM cũng đề nghị Công an TP HCM chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp Lực lượng Thanh niên xung phong tổ chức các lực lượng cơ động điều tiết giao thông tại các khu vực trọng điểm bị ngập úng do triều cường gây ra.
Ngoài ra, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền Nam căn cứ vào tình hình thời tiết trên lưu vực, mực nước hồ, lưu lượng về hồ và diễn biến mực nước triều trên sông Sài Gòn phối hợp với Văn phòng thường trực Ban để kịp thời đề xuất Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP trong việc vận hành hồ Dầu Tiếng nhằm đảm bảo an toàn công trình và giảm ngập lụt cho hạ du, tránh tổ hợp bất lợi do triều cường, mưa lớn kết hợp xả lũ.
Bích Thuỷ
Bình luận