Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 01:11
Thứ sáu, 16/06/2023 13:06
TMO - Nhằm hạn chế tối đa những thiệt hại từ các vị trí sạt lở bờ sông, kênh rạch nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm trên địa bàn, UBND TP.HCM yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra và kiên quyết xử lý những trường hợp xây dựng công trình, nhà ở lấn chiếm hành lang bảo vệ bờ sông, kênh rạch.
Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM) cho biết, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 32 vị trí sạt lở, trong đó có 8 vị trí đặc biệt nguy hiểm và 24 vị trí nguy hiểm. Trong đó, thành phố Thủ Đức có 8 vị trí, huyện Nhà Bè có 7 vị trí, huyện Bình Chánh có 4 vị trí, huyện Cần Giờ có 7 vị trí, quận Bình Thạnh có 4 vị trí, huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi mỗi huyện có 1 vị trí.
Đến thời điểm này có 23/32 vị trí có chủ trương đầu tư dự án kè chống sạt lở. TP.HCM đang triển khai thực hiện các dự án kè chống sạt lở; đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt và sớm triển khai thi công các dự án kè phòng, chống sạt lở thuộc thẩm quyền của địa phương, đơn vị làm chủ đầu tư. TP.HCM đặt mục tiêu sớm hoàn thành đưa vào sử dụng để phát huy hiệu quả phòng, chống sạt lở bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của người dân trong các khu vực bị ảnh hưởng của sạt lở.
TP.HCM hiện có 32 điểm sạt lở nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm.
Theo đánh giá của ngành chức năng, TP.HCM chịu tác động bởi yếu tố biến đổi khí hậu, thiên tai xảy ra trên địa bàn làm ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội, đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân trên địa bàn. Năm 2023, theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, tình hình thời tiết sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Chính vì vậy UBND TP.HCM yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, lãnh đạo các đơn vị, địa phương triển tổ chức rà soát các kế hoạch, phương án phòng, chống ứng phó thiên tai. Đồng thời điều chỉnh, cập nhật, bổ sung phù hợp với các phương án ứng phó thiên tai của thành phần và tình hình thực tế địa phương.
Sở NN&PTNT thành phố được giao chủ trì phối hợp cùng các đơn vị, địa phương kiểm tra, rà soát các vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn. Sau khi rà soát sẽ có báo cáo UBND TP.HCM công bố các vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm trên địa bàn thành phố năm 2023. Đồng thời, tiếp tục tổ chức cắm biển cảnh báo sạt lở bờ sông, kênh, rạch đối với danh mục các vị trí sạt lở đã được công bố chưa có biển cảnh báo và duy tu, sửa chữa, thay thế những biển cảnh báo đã cắm nhưng bị mất, hư hỏng, ngã đổ. Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT cần phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền cho người dân sinh sống xung quanh để biết và chủ động phòng, tránh.
Để hạn chế tối đa tác động của tình trạng sạt lở đến đời sống, tính mạng của người dân, các địa phương đang đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng của các dự án công trình kè chống sạt lở bảo vệ khu dân cư trong thời gian ngắn nhất. Từ đó, sớm có mặt bằng phục vụ thi công hoàn thành dứt điểm các dự án kè trên địa bàn thành phố nhằm phòng chống sạt lở, ngăn triều bảo vệ an toàn khu dân cư.
Đối với 9/32 vị trí sạt lở trong danh mục đã được công bố nhưng chưa có chủ trương đầu tư dự án kè chống sạt lở, TP.HCM đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải sớm có báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư 1 dự án tại TP Thủ Đức, 1 dự án tại huyện Bình Chánh. Đồng thời, giao UBND TP Thủ Đức, huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ và huyện Bình Chánh thông báo, cảnh báo cho người dân trong khu nguy cơ sạt lở biết để chủ động phòng tránh. Cùng với đó, khảo sát đề xuất giải pháp xử lý sạt lở cho 7 vị trí còn lại để báo cáo UBND thành phố
Trên cơ sở danh mục các vị trí sạt lở đã được UBND TP.HCM công bố, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho người dân sinh sống xung quanh khu vực sạt lở để biết và chủ động phòng tránh, ứng phó. Đối với các vị trí đã xảy ra sạt lở, tiến hành rào chắn, khoanh vùng ngăn không cho người và phương tiện vào khu vực sạt lở để đảm bảo an toàn. Xây dựng và triển khai phương án ứng phó và xử lý cấp bách khu vực sạt lở nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân.
Kè chống sạt lở là một trong những giải pháp quan trọng góp phần khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông.
Để chủ động ứng phó với tình hình sạt lở, thời gian qua TP.HCM đang triển khai các phương án kiểm tra, xử lý các hành vi lấn chiếm hành lang sông, kênh, rạch; giải tỏa các khu vực lấn chiếm hành lang sông, kênh, rạch đã tồn tại từ trước để tạo mỹ quan đô thị, hạn chế sạt lở bờ; tổ chức cắm biển cảnh báo các vị trí có nguy cơ sạt lở để người dân được biết và có phương án phòng tránh. Cùng với đó là thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân không lấn chiếm hành lang sông, kênh, rạch; sắp xếp, bố trí lại dân cư tại khu vực nguy cơ sạt lở cao đến nơi định cư an toàn.
TP.HCM sẽ triển khai điều tra, đánh giá, cập nhật cơ sở dữ liệu về sạt lở bờ sông, bờ biển, phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành bản đồ về hiện trạng sạt lở, công trình phòng chống sạt lở trên địa bàn thành phố. Tại Kế hoạch tổng thể phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn TP.HCM đến năm 2030 do UBND TP.HCM vừa ban hành. Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, giám sát sạt lở và quản lý bờ sông, lòng sông, bờ biển, giảm thiểu tác động làm gia tăng nguy cơ sạt lở; phấn đấu đến năm 2023 các khu dân cư ven sông, ven biển ở vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở đều được cảnh báo kịp thời và được hướng dẫn kỹ năng ứng phó khi xảy ra sạt lở.
Đồng thời, quản lý chặt chẽ việc xây dựng công trình, nhà cửa tại khu vực ven sông, ven biển. Chủ động sắp xếp lại dân cư, di dời dân cư ra khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở bờ sông, bờ biển, phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành 100% việc di dời các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở. Ngoài ra, phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành xử lý sạt lở tại các khu vực trọng điểm xung yếu ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, hệ thống đê điều, cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng ven sông, ven biển.
Minh Thu
Bình luận