Hotline: 0941068156
Thứ năm, 23/01/2025 11:01
Thứ năm, 18/05/2023 20:05
TMO – Trong giai đoạn 2020-2022, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ đối với 576 vụ cháy, tổ chức tìm kiếm cứu nạn, trực tiếp cứu được 217 người và hướng.
Theo Báo cáo Kết quả về hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2020 – 2022, lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ TP. HCM đã thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ đối với 576 vụ cháy, tổ chức tìm kiếm cứu nạn, trực tiếp cứu được 217 người và hướng dẫn cho gần 300 người tự thoát nạn trong các đám cháy; tổ chức di dời, bảo vệ tài sản cho người dân, doanh nghiệp trong các vụ cháy.
Ngoài ra, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ còn thực hiện nhiệm vụ nạn, cứu hộ đối với 646 vụ tai nạn, sự cố (trong đó, có 246 vụ tai nạn, sự cố dưới nước, 103 vụ tai nạn, sự cố trong nhà – công trình, 35 vụ tai nạn, sự cố giao thông đường bộ, đường thủy nội địa và 262 vụ tai nạn, sự cố khác); kết quả: đã cứu được 217 người, tìm được 95 thi thể nạn nhân, lặn tìm, trục vớt được nhiều phương tiện giao thông đường thủy...
Diễn tập phòng cháy chữa cháy cấp cơ sở. Ảnh: M.T
Cũng theo Báo cáo, về công tác tuyên truyền, đã có 16.476 cuộc tuyên truyền miệng với 215.245 người tham gia; Tuyên truyền cơ sở: 34.547 cuộc với 140.254 người tham gia; Tuyên truyền khu dân cư: 149 cuộc với 10.560 người tham gia. Bên cạnh đó, đã gọi điện thoại nhắc nhở 30.371 đơn vị là chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sơ tăng cường công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy, chủ động tự kiểm tra phương tiện phòng cháy, chữa cháy được trang bị; Thực hiện 314 lượt tuyên truyền an toàn về phòng cháy, chữa cháy lưu động bằng loa phát thanh tại các tuyến đường, các khu dân cư trên địa bàn.
UBND TP. HCM yêu cầu tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ như tổ chức tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, lập danh sách các cơ sở nguy hiểm cháy, nổ, có nguy cơ xảy ra cháy lớn, hậu quả thiệt hại nghiêm trọng để tập trung triển khai các biện pháp quản lý chặt chẽ, hiệu quả về an toàn phòng cháy, chữa cháy; Tập trung giải quyết xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy, cơ sở gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp với quy hoạch và có nguy cơ cháy, nổ đan xen trong khu dân cư trên địa bàn.
Ngoài ra, hướng dẫn nhà thầu xây dựng, đơn vị tư vấn, giám sát thi công công trình phải nghiên cứu và thực hiện nghiêm ngay từ đầu những quy định về phòng cháy, chữa cháy; Hướng dẫn chủ đầu tư thường xuyên tự kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy, bảo trì, bảo dưỡng các hệ thống kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy, phương tiện chữa cháy đã trang bị, lắp đặt trong công trình; thường xuyên kiểm tra, củng cố và duy trì hoạt động của lực lượng tại chỗ; Rà soát, bổ sung các phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ nhà chung cư, nhà cao tầng, hầm; đối với các chung cư cao tầng có quy mô lớn, các cơ sở sản xuất, dịch vụ thương mại tập trung đông người cần có phương án phối hợp nhiều lực lượng trong công tác chữa cháy, cứu nạn;Tập trung nghiên cứu, đề xuất trang bị những phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cần thiết đối với chung cư cao tầng.
Kim Phụng
Bình luận