Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 01:01
Chủ nhật, 11/08/2024 13:08
TMO – TP. HCM đã gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư hồ sơ Quy hoạch TP. HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được tiếp thu, giải trình theo Báo cáo thẩm định quy hoạch. Đồng thời, đã hoàn thiện Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP. HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060 gửi Bộ Xây dựng.
Theo đó, tại Hội nghị Đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với TP. HCM về kết quả kinh tế-xã hội và thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội vừa diễn ra mới đây, Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi cho biết GRDP 6 tháng đầu năm của TP. HCM ước tăng 6,46% so với cùng kỳ, cao nhất từ năm 2020 đến nay, đóng góp 19,64% vào tốc độ tăng trưởng chung của cả nước. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 7 tháng là 309.000 tỷ đồng, đạt gần 64% dự toán năm, tăng gần 17,3% so với cùng kỳ.
Trong tháng 7, các lĩnh vực kinh tế tiếp tục có chuyển biến tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,6%. Kim ngạch xuất khẩu tăng 10%; kim ngạch nhập khẩu tăng 5,9%; chỉ số Sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 6,2% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 8,4%. Ngành du lịch tiếp tục duy trì phát triển và đạt mức tăng trưởng cao; tổng doanh thu du lịch tăng 15,4%; khách quốc tế đến Thành phố tăng 30,3%; khối lượng vận tải hành khách công cộng tăng 20,8% so với cùng kỳ.
TP. HCM phấn đấu cuối năm 2024 sẽ đưa vào khai thác vận hành tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).
Địa phương này đã tổ chức đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm, tập trung tìm cách tháo gỡ các dự án vướng mắc pháp lý để triển khai thực hiện bước đầu mang lại kết quả; tập trung hoàn thành tuyến Metro số 1; Đẩy mạnh triển khai các công trình giao thông trọng điểm như: Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3; Dự án xây dựng nút giao thông An Phú, TP. Thủ Đức; Dự án xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa, quận Tân Bình; Dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50…
Ngoài ra, TP. HCM đã gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư hồ sơ Quy hoạch TP. HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được tiếp thu, giải trình theo Báo cáo thẩm định quy hoạch; đã hoàn thiện Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP. HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060 gửi Bộ Xây dựng. Các chương trình hợp tác với các địa phương tiếp tục được triển khai hiệu quả, thiết thực. Nhiều hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật có sức lan tỏa, tổ chức chu đáo các chương trình chào mừng các ngày lễ lớn. Các hoạt động kỷ niệm, lễ hội, sự kiện được tổ chức tiết kiệm, ý nghĩa. Công tác cải cách hành chính, an sinh xã hội, giải quyết việc làm tiếp tục được quan tâm; dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát...
Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND TP. HCM, địa phương này hiện còn một số hạn chế như: Năng lực hấp thụ vốn, giải ngân đầu tư công chưa đạt. Một số cơ chế, chính sách đột phá theo Nghị quyết 98 nhằm khơi dậy tiềm năng, huy động nguồn lực chậm đi vào cuộc sống. Do đó, thời gian tới sẽ tập trung các giải pháp để thực hiện kế hoạch năm, trong đó tập trung giải ngân đầu tư công; tháo gỡ các vướng mắc, tăng khả năng hấp thụ vốn; triển khai Chỉ thị về tăng trưởng, tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách động lực của Nghị quyết 98 gắn với triển khai Nghị định 84 vừa được ban hành. Tập trung hoàn thiện đề án, dự án trọng điểm trình cơ quan có thẩm quyền để trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về Trung tâm Tài chính quốc tế, về hệ thống đường sắt đô thị và về Dự án Vành đai 4.
Riêng đối với Đề án phát triển Hệ thống Đường sắt đô thị TP. HCM, Đề án này đặt mục tiêu đến năm 2035, xây dựng hoàn thành khoảng 183km đường sắt đô thị (loại hình vận tải hành khách khối lượng lớn, tần suất cao). Đến năm 2045, xây dựng thêm khoảng 168,36km để hoàn thiện 7 tuyến đường sắt đô thị (theo Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060), nâng tổng chiều dài đường sắt đô thị lên khoảng 351,08km. Cụ thể, tuyến đường sắt đô thị số 2 (42,58km); tuyến đường sắt đô thị số 3 (32,64km); tuyến đường sắt đô thị số 4 (6,58km); tuyến đường sắt đô thị số 5 (21,37km); tuyến đường sắt đô thị số 6 (30,95km); tuyến đường sắt đô thị số 7 (51,23km).
Đến năm 2060, xây dựng hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị số 8, số 9, số 10 (theo dự thảo Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060), nâng tổng chiều dài đường sắt đô thị lên khoảng 510,02km. Cụ thể, tuyến đường sắt đô thị số 8 (42,8km); tuyến đường sắt đô thị số 9 (28,3km); tuyến đường sắt đô thị số 10 (87,84km). Để đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư phát triển mạng lưới đường sắt đô thị, cần thiết phải xây dựng và trình cấp thẩm quyền cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội mang tính đột phá.
PHƯƠNG ĐIỀN
Bình luận