Hotline: 0941068156
Thứ tư, 14/05/2025 07:05
Thứ ba, 13/05/2025 12:05
TMO - UBND TP. HCM giao Sở Xây dựng phối hợp với quận, huyện, TP. Thủ Đức kiểm tra, rà soát tình trạng sinh trưởng, phát triển của hệ thống cây xanh đô thị để có biện pháp xử lý phù hợp, kịp thời, đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.
Chủ tịch UBND TP. HCM vừa có chỉ đạo về việc đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão năm 2025 trên địa bàn thành phố. Theo đó, Chủ tịch UBND TP. HCM giao UBND quận, huyện, TP. Thủ Đức tập trung triển khai kế hoạch thực hiện các công trình, các dự án giải quyết ngập tại các tuyến đường thuộc địa bàn quản lý; kịp thời báo cáo vướng mắc gửi Sở Xây dựng, đề xuất giải pháp thực hiện để đẩy nhanh tiến độ theo yêu cầu.
Đồng thời tăng cường tuần tra, phát hiện và xử lý chế tài đủ sức răn đe đối với những trường hợp cố tình vi phạm; quan tâm xử lý các trường hợp xây dựng lấn chiếm hệ thống thoát nước; ứng dụng phần mềm FEDS để theo dõi, cập nhật và có giải pháp giải quyết ngập tại các tuyến đường nhánh, hẻm.
Đường Đặng Thùy Trâm, quận Bình Thạnh nước ngập sâu gần cả bánh xe, khiến nhiều phương tiện chết máy trong sáng 10/5 (Ảnh: TK)
Sở Xây dựng được giao yêu cầu các chủ đầu tư phải nhanh tiến độ thực hiện các dự án xóa, giảm ngập, đặc biệt là giải quyết 12 tuyến đường trục chính thường xuyên ngập giai đoạn 2025 - 2030. Thực hiện dẫn dòng đảm bảo, hạn chế ngập do ảnh hưởng trong quá trình thi công các dự án: cải tạo rạch Bà Tiếng, dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên và các dự án phát triển giao thông trên địa bàn thành phố... Hướng dẫn, theo dõi, phối hợp hỗ trợ với các đơn vị, địa phương kịp thời xử lý khi có ngập nước tại các tuyến đường khi có mưa lớn, kết hợp triều cường.
Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với UBND quận, huyện, TP Thủ Đức kiểm tra, rà soát tình trạng sinh trưởng, phát triển của hệ thống cây xanh đô thị để có biện pháp xử lý phù hợp, kịp thời, đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Cùng với đó, bố trí lực lượng ứng phó khi có mưa bão; tổ chức khắc phục, xử lý ngay các trường hợp cây xanh ngã đổ (nếu có) để đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn, hạn chế tối đa những rủi ro, thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra sự cố cây xanh trên địa bàn thành phố.
Chủ động rà soát hiện trạng cây xanh, đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ là nhiệm vụ quan trọng được nhấn mạnh triển khai.
Sở Xây dựng chỉ đạo lực lượng thanh tra chuyên ngành xử lý nghiêm các trường hợp không đảm bảo an toàn xây dựng, xâm hại hệ thống cây xanh đường phố, làm hư hỏng các công trình hạ tầng kỹ thuật, nhất là gây hư hỏng hệ thống cống thoát nước. Ngoài ra, thường xuyên kiểm tra, rà soát hệ thống cây xanh đường phố, công viên; trồng thay thế những cây bị sâu bệnh, già cỗi, sam thân, bọng gốc, nghiêng có khả năng gãy đổ gây nguy hiểm; lấy nhánh khô, cắt mé gọn những cây có bộ tán lá lớn (nhánh xụ, cành vươn dài), chống sửa cây nghiêng.
Trận mưa sáng 10/5 vừa qua kéo dài một tiếng rưỡi với lượng nước đo được gần 230 mm khiến nhiều khu vực và tuyến đường TP.HCM ngập quá nửa bánh xe như Song Hành, Nguyễn Văn Quá (quận 12), đường Lê Đức Thọ, Phạm Huy Ích, Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp), Đặng Văn Bi (thành phố Thủ Đức)...
Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, trận mưa ngày 10/5 có lượng mưa lớn nhất tại TP.HCM kể từ đầu năm 2025 đến nay, vượt xa mức trung bình nhiều năm. Theo đó, lượng mưa đo được ở một số trạm tự động như Củ Chi đạt 223,2mm, An Phú đạt 123,8mm, Thủ Đức đạt 112,4mm,… Một số khu vực khác thuộc Nam Bộ cũng có mưa to như La Ngà (Đồng Nai) đạt 152,6mm, Đức Hòa (Long An) đạt 124mm, Tân Uyên (Bình Dương) đạt 118,2mm, Sở Sao (Bình Dương) đạt 115,6mm, Bến Cát (Bình Dương) đạt 110,4mm.../.
Thu Thảo
Bình luận