Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 10:11
Thứ sáu, 26/04/2024 14:04
TMO - Giai đoan 2024-2025, TP.HCM đặt chỉ tiêu phát triển tối thiểu 68ha công viên công cộng; tối thiểu 4ha mảng xanh công cộng; trồng mới và cải tạo 12.000 cây xanh.
Đối với việc phát triển công viên, mảng xanh, UBND TP.HCM giao UBND TP.Thủ Đức, các quận, huyện và Ban Quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định và hoàn thành việc xây dựng, đưa vào sử dụng theo đúng tiến độ đối với các dự án đầu tư xây dựng công viên hoặc có hạng mục công viên cây xanh đã được thông qua chủ trương đầu tư công giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó cần rà soát, thu hồi việc sử dụng, cho thuê đất công được quy hoạch là đất công viên để đầu tư xây dựng công viên cây xanh; đầu tư xây dựng, bàn giao quản lý công viên, cây xanh trong các dự án phát triển nhà ở…
Đơn vị liên quan sẽ thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư công viên tại các địa phương có quỹ đất quy hoạch xây dựng công viên cây xanh lớn nhằm đảm bảo chỉ tiêu cây xanh công cộng trên địa bàn TP.HCM đến năm 2030 đạt không dưới 1m2/người; TP.HCM sẽ tập trung đầu tư xây dựng các công viên có quy mô lớn tại các địa phương có quy đất quy hoạch công viên cây xanh lớn nhưng chưa được đầu tư xây dựng như: TP.Thủ Đức, các quận, huyện: 12, 7, Bình Tân, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè.
Giai đoan 2024-2025, TP.HCM đặt chỉ tiêu phát triển tối thiểu 68ha công viên công cộng.
UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện: 12, 7, Bình Tân, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè đề xuất đưa chỉ tiêu đầu tư xây dựng công viên cây xanh công cộng (mỗi địa phương tối thiểu 50ha, riêng TP.Thủ Đức tối thiểu 100ha) vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ của từng địa phương giai đoạn 2026-2030; đồng thời, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Quy hoạch - Kiến trúc để thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư theo quy định.
Bên cạnh đó, UBND TP.HCM cũng khuyến nghị các đơn vị: Sở Xây dựng, UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện phối hợp cùng đơn vị trong và ngoài nước nghiên cứu đề tài, chương trình hợp tác, đào tạo, tận dụng tối đa nguồn lực, kinh nghiệm để phát triển lĩnh vực công viên cây xanh.
Theo kế hoạch, TP.HCM còn thực hiện quy hoạch định hướng chủng loại cây trồng trên các tuyến đường. Quá trình thực hiện phải kết hợp với quy hoạch, thiết kế đô thị, quy mô hạ tầng kỹ thuật hiện hữu để đề xuất hình thái, đặc điểm nhóm loài cây trồng phù hợp. Xây dựng kế hoạch chỉnh trang, thay thế cây đường phố phù hợp với định hướng về chủng loại cây trồng trên địa bàn. Ưu tiên thực hiện tại các tuyến đường có cây xanh kém, chậm phát triển không phù hợp với điều kiện khu vực.
Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, trên địa bàn thành phố có khoảng 11.369ha đất công viên và cây xanh. Trong đó, từ năm 1975 đến nay, thành phố đã nâng cấp, sửa chữa, cải tạo và xây dựng mới các công viên, cây xanh công cộng trên địa bàn thành phố với khoảng 405 công viên, với diện tích 508ha. Trong đó, thành phố đã có công viên lớn như: Công viên Gia Định, Gò Vấp; Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc, Khánh Hội và cầu Sài Gòn…
Theo Chương trình phát triển công viên cây xanh công cộng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020 - 2030, từ năm 2020 đến năm 2025, TP.HCM sẽ phát triển thêm 150ha đất công viên, cây xanh công cộng; giai đoạn năm 2026 đến năm 2030, thành phố sẽ phát triển thêm 450ha đất công viên, cây xanh công cộng. Mục tiêu này nhằm hoàn thành chỉ tiêu đến 2025 đạt diện tích cây xanh đô thị đạt không dưới 0,65m2/người, hướng tới năm 2030, không dưới 1m2/người theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI.
Tuy nhiên, tới thời điểm này, tỷ lệ cây xanh đô thị trên đầu người còn thấp, đạt 0,55m2/người. Đến nay, TP.HCM mới có 21,74ha công viên, cây xanh tăng thêm, đạt khoảng 14,5% so với chỉ tiêu đến năm 2025 phát triển thêm 150ha công viên cây xanh tăng thêm, dự kiến 2025 cũng chỉ đạt trên 100ha, được 75% kế hoạch đặt ra.
Thành phố tiến hành trồng mới và cải tạo 12.000 cây xanh, mở rộng mảng xanh đô thị.
Ngoài ra, Sở Xây dựng TP.HCM cũng đề xuất xây dựng thêm 6 công viên có quy mô lớn từ nguồn đất công hoặc đất trống. Trong đó, lớn nhất là công viên Sài Gòn Safari ở huyện Củ Chi, rộng 485 ha, cách trung tâm khoảng 50 km. Dự án Công viên Sài Gòn Safari nằm trên địa bàn hai xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng, thuộc cụm du lịch văn hóa lịch sử Củ Chi với các khu chức năng thả thú bán hoang dã; trưng bày thú mở (hệ thống chuồng trại dạng mở và cảnh quan, trưng bày các loài thú đặc trưng của các châu lục trên thế giới, vườn thú đêm trưng bày các loài thú chuyên sinh hoạt vào ban đêm).
Kế đến là khu lâm viên sinh thái ở thành phố Thủ Đức rộng 128 ha thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm; công viên cây xanh thuộc khu công viên cây xanh - thể dục thể thao phường 12, quận Bình Thạnh rộng 3,8 ha; công viên cây xanh Thạnh Xuân ở quận 12 rộng 150 ha, nằm ở hai phường Thạnh Xuân và Thới An; công viên quảng trường Thủ Thiêm ở thành phố Thủ Đức rộng 20 ha; công viên Gò Cát ở quận Bình Tân rộng 13 ha.
Để hoàn thành mục tiêu Chương trình phát triển công viên cây xanh công cộng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020 - 2030, UBND TP.HCM cần triển khai nhiều biện pháp quyết liệt hơn. Trong đó, thành phố cần tăng cường xã hội hóa, thu hút mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế và lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội để tổ chức thực hiện tốt đề án trồng 1 tỷ cây xanh của Chính phủ và kế hoạch trồng 10 triệu cây xanh của TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025.
Sở Xây dựng TP.HCM cũng cần đẩy nhanh triển khai các dự án đầu tư phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn thành phố. Đồng thời, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM khẩn trương nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chuẩn cơ cấu xây dựng đất đối với các loại hình công viên công cộng trên địa bàn; hướng dẫn lập, phê duyệt phương án sử dụng tổng mặt bằng và quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đối với từng công viên hiện hữu.
UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện cần rà soát các khu đất có nguồn gốc là đất công được quy hoạch đất cây xanh, nhưng đang sử dụng vào mục đích khác, để thực hiện thu hồi, đầu tư xây dựng công viên công cộng theo đúng quy hoạch; đôn đốc, yêu cầu chủ đầu tư của các dự án phát triển khu dân cư trên địa bàn đẩy nhanh tiến độ thi công, xây dựng hoàn thành hệ thống công viên, cây xanh theo quy hoạch được duyệt và bàn giao cho cơ quan quản lý nhà nước theo quy định.
Thùy Trang
Bình luận