Hotline: 0941068156
Thứ năm, 21/11/2024 22:11
Thứ hai, 16/09/2024 13:09
TMO - Sở Y tế TP. HCM cho biết, để giải quyết hiệu quả các ổ dịch sởi bùng phát tại trường học, Sở Y tế đã lập tổ phản ứng nhanh phòng, chống dịch sởi tại trường học.
Theo Sở Y tế TP. HCM kể từ khai giảng đến nay, trên địa bàn đã ghi nhận 5 trường tiểu học của 4 quận, huyện xuất hiện ổ dịch sởi (từ 2 ca trở lên). Sở Y tế nhận định, môi trường học đường, trẻ thường xuyên tiếp xúc gần, ăn cùng, ngủ cùng (các lớp bán trú) là một trong những điều kiện thuận lợi cho dịch sởi lây lan, bùng phát. Dự báo, thời gian tới, các ổ dịch sởi sẽ tiếp tục gia tăng trong trường học. Việc phát hiện và xử lý nhanh các ổ dịch mới phát sinh là điều kiện quyết định giúp khoanh vùng nguy cơ, xử lý sớm ổ dịch, hạn chế nguy cơ lây lan.
Sở Y tế TP. HCM đã quyết định thành lập 12 tổ phản ứng nhanh theo khu vực địa bàn quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Theo đó, mỗi tổ sẽ bao gồm 2 - 3 thành viên từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. HCM và 1 thành viên từ các bệnh viện như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 hoặc Nhi đồng Thành phố. Nhiệm vụ của các tổ phản ứng nhanh là thực hiện giám sát tình hình dịch bệnh, triển khai các hoạt động đáp ứng và theo dõi ổ dịch, đồng thời hướng dẫn trường học và Trạm y tế địa phương triển khai các biện pháp phòng chống dịch sởi.
Cụ thể, khi phát hiện có trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh sởi, nhân sự phụ trách y tế của trường phải báo cáo ngay cho Trưởng Trạm y tế trên địa bàn. Trưởng Trạm y tế ghi nhận, đánh giá và cử nhân sự đến hiện trường để phối hợp xử lý, đồng thời điều tra sơ bộ tình hình. Nếu phát hiện có ổ dịch tại trường, Trưởng Trạm y tế phải báo cáo ngay cho Trung tâm y tế, sau đó kích hoạt Tổ phản ứng nhanh để đến trường học phối hợp cùng y tế địa phương giám sát và xử lý ổ dịch.
Lãnh đạo Sở Y tế TP. HCM cho rằng, đây là biện pháp cấp bách giúp giải quyết hiệu quả các ổ dịch sởi bùng phát tại trường học, nơi tập trung đông học sinh dễ có nguy cơ lây nhiễm cao. Bên cạnh việc đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine sởi tại trường học, việc thành lập tổ phản ứng nhanh là một giải pháp quan trọng trong chiến lược ứng phó dịch sởi của Thành phố nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đảm bảo môi trường học tập an toàn cho trẻ trong bối cảnh dịch sởi vẫn đang diễn biến phức tạp.
Khám sàng lọc trước tiêm ngừa sởi cho học sinh.
Để đảm bảo hiệu quả, Sở Y tế TP. HCM cũng đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố chỉ đạo các cơ sở trực thuộc tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch sởi. Khi phát hiện có trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh sởi, các cơ sở phải báo cáo ngay cho Trạm Y tế để nhận được hỗ trợ kịp thời.
Trước đó ngày 27/8, TP. HCM công bố dịch sởi trên toàn thành phố, cũng ngay trong ngày UBND TP. HCM cũng đã ban hành kế hoạch chủ động ứng phó dịch bệnh sởi trên địa bàn toàn thành phố. Theo kế hoạch này, TP. HCM sẽ khẩn trương tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi không kể tiền sử tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế trên địa bàn thành phố. TP. HCM sẽ đa dạng hóa hình thức triển khai như tiêm tại cơ sở giáo dục, tại cơ sở nuôi dưỡng, trạm y tế, bệnh viện... Vắc xin sử dụng trong chiến dịch là vắc xin phối hợp sởi - Rubella (MR). Củng cố hoạt động phòng chống bệnh truyền nhiễm trong trường học, chú trọng công tác phát hiện sớm ca bệnh tại các nhóm trẻ và các trường mầm non.
Ngày 6/9, UBND TP. HCM đã ban hành văn bản gửi Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện về việc triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng chống dịch sởi trên địa bàn thành phố năm 2024. Theo đó, UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng chống dịch sởi cho trẻ từ 1 - 10 tuổi đang sinh sống, học tập trên địa bàn; ưu tiên rà soát và mời tiêm đối với trẻ tại các khu vực thường xuyên có biến động dân cư, các cơ sở bảo trợ xã hội; có thể triển khai nhiều điểm tiêm nhằm tăng khả năng tiếp cận của người dân với chiến dịch, sử dụng hiệu quả nguồn vaccine được cấp trong thời gian sớm nhất.
Chỉ đạo UBND phường, xã, thị trấn và các ban, ngành, đoàn thể (cảnh sát khu vực, ban điều hành khu phố, ấp và mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng) trên địa bàn chủ động phối hợp với trạm y tế rà soát, lập danh sách, thực hiện thông tin, tuyên truyền, vận động người dân đưa trẻ từ 1-10 tuổi chưa được tiêm đủ mũi đi tiêm chủng vaccine sởi - rubella (không phân biệt thường trú và tạm trú), tập trung vào nhóm trẻ gia đình, các trẻ ở các cơ sở trợ giúp xã hội.
Chỉ đạo phòng Giáo dục và Đào tạo, Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp trung tâm y tế tổ chức các đợt tiêm chủng tại các cơ sở giáo dục, cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn nhằm đảm bảo độ bao phủ vaccine sởi trong thời gian sớm nhất. Chỉ đạo Trung tâm y tế cập nhật thông tin tiêm chủng vào Hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia ngay sau tiêm và trong ngày. Tổ chức các điểm tiêm chủng tại trường học là giải pháp rất hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ bao phủ vaccine phòng bệnh và đã từng được áp dụng trên toàn quốc trong các chiến dịch tiêm chủng. Bắt đầu từ ngày 7/9, Sở Y tế TP. HCM đã khởi động chiến dịch tiêm vaccine phòng dịch sởi tại trường học.
Thu Trang
Bình luận