Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 02:01
Thứ sáu, 10/11/2023 17:11
TMO - Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường mới của TP.HCM sẽ giám sát và cảnh báo, dự báo thông tin về chất lượng môi trường đến hoạt động sản xuất và đời sống của người dân.
Ngày 10/11, Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM với trụ sở làm việc tại đường Nguyễn Đình Chính, phường 8, quận Phú Nhuận, TP.HCM vừa được khánh thành và đưa vào sử dụng. Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường bao gồm trụ sở làm việc và 4 trạm quan trắc tự động, có chức năng quan trắc, giám sát, đánh giá, điều tra về tài nguyên và môi trường, công bố thông tin về chất lượng môi trường thành phố đến cộng đồng, cảnh báo/dự báo chất lượng môi trường phục vụ cho công tác quản lý môi trường, cũng như phục vụ đời sống và nhu cầu thông tin của người dân.
Khánh thành Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường TP.HCM.
Bên cạnh đó, trung tâm này còn thu thập và cung cấp dữ liệu quan trắc về môi trường, trong đó có dữ liệu quan trắc tự động nước thải của các nguồn thải lớn trên địa bàn thành phố. Hiện nay dữ liệu quan trắc nước thải tự động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn đang được truyền về trung tâm các thông số chất lượng đầu ra của hệ thống xử lý nước thải, qua đó thông tin kịp thời cho các chủ nguồn thải, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng doanh nghiệp.
Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng cho rằng, với nhận thức tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường là bảo vệ sức khỏe của người dân, gắn với nhiệm vụ chính trị của thành phố. Theo đó, TP.HCM đã đề ra các nhóm giải pháp, trong đó là đầu tư Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường, từ đó nâng cao hoạt động quan trắc, cảnh báo và dự báo môi trường, nhằm có giải pháp, tham mưu, xử lý tốt nhất trong công tác bảo vệ môi trường.
Quan trắc tài nguyên và môi trường là một trong những nhiệm vụ quan trọng được TP.HCM đẩy mạnh triển khai. Ảnh: MQ.
Tại TP.HCM, hệ thống kênh rạch trong khu vực nội thành có chiều dài khoảng 76km với 5 tiểu lưu vực chính gồm kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Tân Hóa - Lò Gốm, Tàu Hủ - Kênh Đôi, Kênh Tẻ - Bến Nghé, Bến Cát - Vàm Thuật bị ô nhiễm khá nặng. Theo tính toán, mật độ kênh rạch khu vực các quận nội thành hiện đang ở mức rất thấp và không có lợi cho việc thoát nước, đáng lưu ý một số kênh do nạo vét quá sâu nhưng bề rộng mặt cắt bị thu hẹp đến 50%. Theo thống kê hiện nay có đến 60% - 70% chiều dài của các tuyến kênh trong nội thành bị ô nhiễm nặng, vấn đề ô nhiễm chủ yếu là ô nhiễm chất hữu cơ và coliform.
TP.HCM hiện là một trong những đô thị có mức độ ô nhiễm không khí cao. Nhiều thời điểm, chỉ số chất lượng không khí (AQI) đo được chạm ngưỡng báo động. Hiện thành phố duy trì hệ thống quan trắc chất lượng không khí gồm 34 vị trí. Về quan trắc môi trường nước, có 22 vị trí thuộc sông Sài Gòn - Đồng Nai; nước kênh rạch gồm 46 vị trí nội thành và 34 vị trí ngoại thành, liên tỉnh; 9 vị trí nước biển ven bờ; 14 vị trí nước dưới đất. Về quan trắc môi trường đất có 21 vị trí; quản lý mạng quan trắc lún mặt đất thành phố tại 2 điểm. Về quan trắc chất lượng môi trường xung quanh các bãi chôn lấp gồm 30 vị trí trên nước mặt và 22 vị trí không khí bên ngoài bãi.
Từ năm 2020, UBND thành phố đã phê duyệt điều chỉnh Ðề án "Phát triển mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường TP Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030". Theo kế hoạch, giai đoạn 2021 - 2025, thành phố sẽ đầu tư kinh phí hơn 500 tỷ đồng để hoàn thiện 344 vị trí quan trắc thủ công gián đoạn và 36 trạm quan trắc tự động, liên tục. Mạng lưới quan trắc đủ các thành phần: Chất lượng không khí; phóng xạ trong không khí; nước sông Sài Gòn - Ðồng Nai; nước kênh rạch; nước dưới đất; nước ven bờ; chất lượng đất; thủy văn; chất lượng nước mưa; thủy sinh; sụt lún mặt đất; các bãi chôn lấp và khu liên hợp xử lý chất thải rắn…
Hoàng Uyên
Bình luận