Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 11:01
Thứ hai, 10/06/2024 08:06
TMO - TP. HCM đang duy trì công tác cắt tỉa, chăm sóc cây xanh theo quy trình kỹ thuật nhằm đảm bảo mỹ quan thành phố và an toàn cho người dân, giảm thiểu các sự cố nhất là trong mùa mưa bão.
Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (Sở Xây dựng) cho biết, thời gian qua, Trung tâm đã thay thế khoảng 650 cây xanh mất an toàn hoặc có nguy cơ mất an toàn ở TP.HCM. những sự cố ngã đổ cây xanh phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, tình hình thời tiết cực đoan (mưa bão, dông, lốc xoáy) là một trong những nguyên nhân chính.
Để đảm bảo an toàn, giảm thiểu sự cố thì cây xanh được trồng trên đường phố phải được chăm sóc, bảo dưỡng thường xuyên. Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM đã cắt tỉa, chăm sóc cây xanh theo quy trình kỹ thuật. Điều này không những giúp đảm bảo cảnh quan, tạo sự thẩm mỹ, mà còn phòng tránh sự cố rơi, gãy cành, nhánh và ngã đổ cây.
Đồng thời, Trung tâm cũng thường xuyên kiểm tra để phát hiện các cây xanh bị chết, bị giảm sức sống hoặc mắc sâu bệnh. Từ đó, có biện pháp thay thế hoặc loại bỏ kịp thời, phù hợp những nhánh, thân cây mất an toàn, có nguy cơ gãy đổ. Để đảm bảo an toàn cho đường phố, hạn chế sự cố cây xanh trong mùa mưa năm 2024, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM đã và đang chăm sóc, cắt tỉa, xử lý nhánh khô, hạ thấp chiều cao cây.
UBND thành phố yêu cầu các đơn vị tăng cường triển khai các giải pháp hạn chế sự cố về cây xanh trong mùa mưa bão.
Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố đã có các chỉ đạo, yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành đơn vị kiểm tra, thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn trong mùa mưa. Để tăng cường các biện pháp phòng, chống, ứng phó với mưa giông, lốc xoáy, gió giật và cây xanh ngã đổ, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị, Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức và các quận - huyện chỉ đạo các đơn vị, phường - xã - thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền đến cơ quan, doanh nghiệp, nhân dân thường xuyên kiểm tra, gia cố, tu sửa nhà ở, kho hàng, nhà máy, xí nghiệp, công trình công cộng.
Rà soát, có biện pháp xử lý cành, nhánh các cây cao dễ ngã đổ, nhất là cây xanh ở khu vực trường học, bệnh viện, công viên, khu dân cư. Khi có mưa giông, gió giật mạnh phải kịp thời sơ tán người dân, nhất là người già, trẻ em, phụ nữ có thai, người tàn tật, người bệnh ra khỏi những căn nhà tạm bợ, đến nơi tránh trú an toàn.
Sở GD&ĐT phối hợp với TP.Thủ Đức và các quận, huyện tổ chức kiểm tra các trường học, cơ sở dạy nghề trực thuộc để hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên, nhân viên nhà trường. Chỉ đạo hiệu trưởng các trường học phải thường xuyên kiểm tra, rà soát các cây xanh trong khuôn viên của trường để có biện pháp xử lý nhằm đảm bảo an toàn, không để cây xanh ngã đổ gây thiệt hại, ảnh hưởng tính mạng của học sinh, giáo viên, nhân viên nhà trường.
Sở Xây dựng phối hợp với TP.Thủ Đức và các quận, huyện, các đơn vị tăng cường kiểm tra chặt chẽ công tác quản lý cây xanh đô thị, khắc phục tình trạng cây gãy đổ mất an toàn trong mùa mưa bão; chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các đơn vị quản lý cây xanh đô thị, rà soát số lượng cây gây nguy hiểm, không an toàn để cắt tỉa cành... Sở GTVT phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng TP, Công an TP, Sở Du lịch và các đơn vị, địa phương tăng cường kiểm tra các chủ phương tiện giao thông thủy, phương tiện hoạt động sản xuất trên biển, sông, kênh, rạch (bao gồm tàu, thuyền du lịch, đò ngang, đò dọc, phương tiện đánh bắt thủy hải sản, vận tải...) đảm bảo an toàn giao thông thủy trong mùa mưa bão.
Các đơn vị cũng triển khai đồng bộ các giải pháp sẵn sàng ứng phó, hạn chế thiệt hại, ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân trong mùa mưa bão năm nay.
Nhằm chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại trong mùa mưa bão năm nay, UBND thành phố giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra hệ thống tiêu thoát nước, các cống kiểm soát triều, van ngăn triều, máy bơm, trạm bơm theo phân cấp nhằm đảm bảo khả năng chống ngập cho khu vực đô thị; tăng cường nạo vét hệ thống thoát nước trên các tuyến đường thường xuyên bị ngập úng do mưa lớn, triều cường; sửa chữa, thay thế hố ga bị sụt lún, mất nắp, vênh cao, hư hỏng để đảm bảo an toàn giao thông; tổ chức ứng trực thường xuyên, huy động máy bơm, thiết bị để kịp thời ứng cứu các điểm ngập nặng phát sinh trong khu vực nội thành. Đồng thời, rà soát các khu vực đang triển khai thi công các công trình có ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước để có biện pháp xử lý phù hợp, đảm bảo khả năng tiêu thoát nước được tốt nhất.
Phối hợp với Sở GTVT chỉ đạo các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý cắt mé nhánh cây xanh che khuất hệ thống biển báo, đèn tín hiệu giao thông, che khuất đèn chiếu sáng công cộng, che khuất tầm nhìn giao thông, nhất là tại các vị trí thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông, các giao lộ, đoạn đường cong và các điểm đen tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông. Chỉ đạo lực lượng Thanh tra chuyên ngành tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật xây dựng đối với các công trình, dự án đang triển khai; xử lý nghiêm các trường hợp không đảm bảo an toàn xây dựng, xâm hại làm hư hỏng các công trình hạ tầng kỹ thuật, nhất là gây hư hỏng hệ thống cống thoát nước.
Sở GTVT chủ trì thực hiện tăng cường công tác nạo vét hệ thống sông, kênh, rạch theo danh mục phân cấp quản lý. Phối hợp với Sở Xây dựng rà soát những tuyến đường, khu vực trũng thấp, thường xuyên chịu ảnh hưởng ngập do triều cường để có kế hoạch nâng cấp phù hợp quy hoạch. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án phát triển giao thông, kết hợp đầu tư đồng bộ hệ thống thoát nước và đưa vào khai thác sử dụng ngay sau khi hoàn thành hạng mục thoát nước nhằm góp phần phát huy hiệu quả chống ngập cho khu vực. Tăng cường tuần tra, phát hiện các vị trí mặt đường bị oằn lún cục bộ, đọng nước để có giải pháp xử lý phù hợp, đảm bảo lưu thông được êm thuận, an toàn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thực hiện tăng cường nạo vét hệ thống kênh, rạch theo phân cấp quản lý nhằm phát huy hiệu quả thoát nước của hệ thống hiện hữu. Tổ chức rà soát, tham mưu điều chỉnh, bổ sung danh mục các tuyến sông, kênh, rạch được ban hành theo Quyết định số 40/2019/QĐ-UBND của UBND TP.
UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp thực hiện tốt cuộc vận động “Người dân thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch vì Thành phố sạch và giảm ngập nước” theo Chỉ thị số 19-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy và chỉ đạo của UBND TP về tăng cường công tác xử lý nghiêm hành vi xả rác ra kênh rạch, nơi công cộng trên địa bàn Thành phố. Tăng cường công tác nạo vét hệ thống kênh, rạch theo phân cấp quản lý nhằm phát huy hiệu quả thoát nước của hệ thống hiện hữu.
Đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật khi xây dựng các tuyến hẻm, đường giao thông đô thị, đảm bảo kết nối về hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật trong từng khu vực và toàn đô thị, cũng như với các khu vực lân cận. Tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý các trường hợp xây dựng lấn chiếm trái phép hệ thống thoát nước trên địa bàn quản lý. Phối hợp với Sở Xây dựng và các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch ứng cứu các vị trí ngập thuộc phạm vi quản lý; tổ chức thực hiện, kiểm tra và giám sát việc ứng cứu ngập trên địa bàn.
Chủ đầu tư dự án, công trình đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, công trình trọng điểm; tăng cường kiểm tra và chỉ đạo đơn vị thi công thực hiện đầy đủ các biện pháp gia cố; chủ động phòng tránh và ứng phó với điều kiện thời tiết phức tạp xảy ra. Thực hiện nghiêm công tác dẫn dòng đảm bảo thoát nước cho khu vực dự án; tổ chức lực lượng ứng trực, vận hành bơm di động hỗ trợ thoát nước khi có mưa, hạn chế tình trạng ngập nước tại khu vực dự án do thi công gây ra; tổ chức thanh thải các chướng ngại vật trong lòng tuyến cống đã được xây dựng để đưa vào khai thác trong thời gian chờ hoàn thành dự án. Đối với các dự án, công trình hoàn thành, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục theo quy định bàn giao dự án, công trình cho đơn vị quản lý để tổ chức vận hành, khai thác, đặc biệt là các công trình thoát nước.../
Ngọc Ánh
Bình luận