Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 21:01
Thứ sáu, 19/05/2023 21:05
TMO - Cần Thơ đang tập trung các nguồn lực đầu tư hệ thống cấp nước sạch cho người dân ở vùng nông thôn có nguồn nước sạch sử dụng và chủ động phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn. Hoàn thiện hệ thống mạng lưới quan trắc tự động, nâng cao năng lực quan trắc, cảnh báo xâm nhập mặn cũng như chất lượng môi trường nước, không khí.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, để thực hiện đạt và vượt mục tiêu sản xuất nông nghiệp năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng kế hoạch thủy lợi mùa khô năm 2023 trên địa bàn nhằm đưa ra giải pháp ứng phó khô hạn, thiếu nước sản xuất. Trong đó phát động phong trào toàn dân tham gia làm thủy lợi để nâng cao nhận thức, hình thành tập quán lâu dài, bền vững trong nhân dân về công tác thủy lợi và ý thức, tinh thần trách nhiệm về tu bổ, sửa chữa các công trình thủy lợi sau mỗi năm phục vụ sản xuất; tổ chức nạo vét, khơi thông dòng chảy các tuyến kênh tưới tiêu nội đồng bị bồi lắng, ách tắc, sạt lở kết hợp với việc tu bổ hệ thống đê bao, bờ bao, nhằm đảm bảo chủ động trong công tác tưới tiêu phục vụ sản xuất trên địa bàn; xây dựng mô hình thủy lợi khép kín để chủ động tưới tiêu và phòng chống úng, hạn đối với sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
(Ảnh minh họa)
Kế hoạch thực hiện các công trình thủy lợi mùa khô, nạo vét kênh rạch, khai thông dòng chảy được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện từ tháng 1 đến tháng 9/2023. Cụ thể, dự kiến khối lượng, ngày công, kinh phí thực hiện kế hoạch thủy lợi mùa khô năm 2023 với tổng khối lượng nạo vét là 378.000m3; nâng cấp, gia cố đê bao với khối lượng khoảng 22.000m3; tổng ngày công thực hiện là 1.370 ngày; tổng kinh phí thực hiện trên 10 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách và vốn do nhân dân đóng góp. Đến nay, kế hoạch này đã thực hiện đạt trên 50% tiến độ.
Mùa khô hạn năm 2023 tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang diễn ra, nguồn nước ở thượng nguồn đổ về đồng bằng phụ thuộc nhiều vào sự tác động của dòng chảy, việc sử dụng nước thượng nguồn cho hoạt động kinh tế, thủy điện, chia sẻ nguồn nước... của các quốc gia thượng nguồn. Nước thượng nguồn về Đồng bằng sông Cửu Long có chuyển biến bất lợi do ảnh hưởng của El Niño, nắng nóng, mưa đến muộn, dòng chảy lại phụ thuộc vào sự vận hành thủy điện trên lưu vực, khô hạn, mặn xâm nhập sâu bất thường có thể xảy ra bởi những biến động dòng chảy ở bất cứ thời gian nào (do vận hành thủy điện gây ra). Do đó, giải pháp ứng phó khô hạn, xâm nhập mặn rất cần thực hiện tại các địa phương khu vực này.
PV và CTV
Bình luận